Đời sống - Xã hội
Vai trò của người đàn ông trong xây dựng hạnh phúc gia đình
Ở thời đại trước, đàn ông chỉ đơn giản là “người xây nhà”. Song, trong xã hội ngày nay, việc “xây nhà” không chỉ của riêng người đàn ông, mà còn có sự chung tay góp sức của người phụ nữ. Cũng từ đó, vị thế và trách nhiệm của người chồng, người cha trong gia đình hiện đại đã bị xáo trộn ít nhiều…
Gia đình ngày xưa… gia đình ngày nay…
Trước đây, hình mẫu chung của các gia đình là chồng đi làm, vợ ở nhà nội trợ, chăm con… Vì vậy, người chồng trở thành trụ cột kinh tế của gia đình. Mà lẽ thường thì “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, nên người đàn ông được coi là người chủ gia đình. Sau khi tan sở về nhà là họ “nằm rung đùi”, phó mặc mọi việc nhà cho vợ. Những hôm nào cô vợ đột nhiên “trở chứng” là coi như hôm đó bếp núc lạnh tanh, cửa nhà bừa bộn, con cái lem luốc…
![]() |
Chia sẻ công việc nhà với vợ (ảnh minh họa). Ảnh: T.L |
Ở thời đại ngày nay, không quá khó để bắt gặp những kiểu gia đình như thế. Khi người phụ nữ không chỉ đảm đang ở chuyện “đối nội”, mà còn tài cán trong việc “đối ngoại”, thì vai trò của người đàn ông trong gia đình cũng bị dịch chuyển, nhất là ở những gia đình trẻ. Hình ảnh của người cha, người chồng không còn quá “nhạt nhòa” như trước, mà trái lại gần như song hành cùng phụ nữ trong bất cứ công việc từ lớn đến nhỏ của gia đình.
“Nhận diện” vai trò người đàn ông trong gia đình hiện đại
Thạc sĩ tâm lý Trần Công Chánh cho rằng, hạnh phúc gia đình được xây dựng dựa trên 3 nền tảng cơ bản: kinh tế, nuôi dạy con cái thành đạt và tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng. Trong 3 yếu tố này, vai trò của người đàn ông cực kỳ quan trọng. Mặc dù hiện nay người phụ nữ đã ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong sự phát triển kinh tế của gia đình, nhưng người đàn ông vẫn còn là trụ cột kinh tế, bởi họ có thế mạnh về sức khỏe, được giải phóng về thời gian… nên triết lý “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa trong xã hội hiện đại.
Bên cạnh đó, người đàn ông cũng luôn có ảnh hưởng lớn đến việc nuôi dạy con cái. Ông bà ta có câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, nhưng thực chất nhiều nghiên cứu cho thấy: hầu hết con trai, con gái đều gắn với cha nhiều hơn mẹ và chúng thường coi cha là hình mẫu để noi theo. Riêng đối với yếu tố xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng thì người đàn ông luôn là đầu mối gắn kết gia đình nhỏ của mình với dòng tộc, các tổ chức đoàn thể, xã hội, tổ chức nghề nghiệp…
Ngoài 3 yếu tố ấy, trong xã hội hiện đại, người đàn ông còn giữ một số vai trò mới như: có chức năng tư vấn, làm chỗ dựa tinh thần cho các thành viên trong gia đình (vì họ được xem là phái mạnh)... Đặc biệt, như đã nói trên đây, người chồng còn phải cùng vợ lo việc “đối nội”…
“Nhận diện” vai trò của người đàn ông trong gia đình hiện đại như đã phân tích ở trên, hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi: vai trò là nguồn hạnh phúc, là người không ai có thể thay thế được trong gia đình của người phụ nữ còn đâu?
Thật ra, với vai trò đó của người đàn ông thì người phụ nữ càng khẳng định mình hơn. Bởi lẽ, khi người chồng chia sẻ công việc với người vợ thì người vợ sẽ phải cố gắng lao động, sáng tạo nhiều hơn. Nếu như ngày trước hai người sống chung một mái nhà lại theo đuổi hai mục tiêu khác nhau, thì ngày nay họ đã cùng hướng về một mục tiêu, nên vai trò của cả hai không những không mờ nhạt mà càng được tô đậm thêm, và kết quả cuối cùng là có một gia đình hạnh phúc.
Nguyễn Phương
- Bảng giá xây nhà giá rẻ
- Công ty Sửa nhà chung cư HCM