Trẻ mồ côi và con đường tương lai

Thứ Sáu, 19/12/2014 | 09:53

Bài 1: “Mồ côi tội lắm ai ơi!”

Hầu hết trẻ em được nhận nuôi ở các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, những nhà mở từ thiện trên địa bàn tỉnh đều bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng, sống nhờ vào tấm lòng từ thiện của xã hội. Ước mơ lớn nhất của các em không gì khác ngoài một mái ấm gia đình…

Ám ảnh những cánh tay trẻ thơ

Ở những cơ sở nuôi dưỡng trẻ mà chúng tôi có dịp ghé qua, hầu như bé nào cũng rất thích gặp khách lạ. Có lẽ, các em cảm nhận được rằng, mỗi khi có khách đến thăm thì sẽ có nhiều quà bánh, được nhiều người cưng nựng nên các bé rất vui. Những cánh tay cứ chìa về phía chúng tôi, những ánh mắt tròn xoe, ngây thơ. Bé nào cũng muốn chen chân vào để được đứng gần khách nhất, với cánh tay đưa ra phía trước như muốn làm quen, muốn được hỏi thăm, khen ngợi, ẵm bồng…

Niềm vui của trẻ em chùa Long Phước khi được nhận quà. Ảnh: M.Đ

Ở nhà trẻ mồ côi Long Phước (TP. Bạc Liêu), để chia hết số kẹo bánh cho các bé (chủ yếu đang ở tuổi mầm non), chúng tôi được các bé vây quanh, tranh nhau nhận quà, rồi nhờ mở gói kẹo, mở giấy gói bánh. Tiếng trẻ thơ nói cười, những bàn tay bé xíu chìa về phía trước như đợi chờ, khiến không một ai có thể làm ngơ. Tương tự, tại khu nuôi dưỡng trẻ mồ côi của chùa Vĩnh Phước An Tự (TP. Bạc Liêu), nhác thấy bóng chúng tôi là nhiều đứa trẻ đã chạy ùa đến với vẻ hớn hở hiện rõ trên khuôn mặt. Vẫn những cánh tay chìa về phía trước, bé thì ôm chân, bé níu tay, bé lại mân mê cái cúc áo, đứa thì níu chặt chiếc vòng tay… của khách. Đứa nào cũng cố tạo sự chú ý với khách hòng tìm chút hơi ấm của tình thương.

Đó là nói về những em nhỏ ở lứa tuổi mầm non. Còn với các bé sơ sinh, tuy chưa thể biểu lộ được tình cảm của mình với khách như các anh, chị, nhưng mỗi khi có khách đến thăm, được ẵm bồng, nựng nịu thì các em rất ngoan (thể hiện ở việc không quấy khóc), đến khi được đặt trở lại trên các cánh võng là các em khóc vang, như thể không muốn chia tay khách…

Ước mơ của trẻ mồ côi

Tiếp chuyện với chúng tôi là ni sư Huệ Hạnh - người quản lý khu vực nhà nuôi trẻ mồ côi Long Phước. Trên tay ni sư Huệ Hạnh là bé Hạnh Kim - cháu bé nhỏ tuổi nhất ở nhà trẻ này. Sáng 6/11/2013, khi vừa mở cổng chùa thì các sư đã nhìn thấy em được quấn trong một cái mền, đặt trước cổng. Trên tay em lúc đó vẫn còn đeo chiếc vòng có ghi tên mẹ (do bệnh viện cấp)... Và không riêng bé Kim, có nhiều trẻ tại chùa Long Phước đều có hoàn cảnh xuất thân tương tự. Bị gia đình bỏ rơi trong bệnh viện, bị bỏ rơi dọc đường, mắc bệnh hiểm nghèo nên cha mẹ bỏ… - những đứa trẻ này có chút may mắn là tuy bị cha mẹ bỏ rơi, nhưng vẫn có người cưu mang, nuôi dưỡng, chăm sóc và được đến trường học tập. Tình thương của những tấm lòng thiện nguyện, của các sư và các bảo mẫu dẫu không thể thay thế tình mẫu tử thiêng liêng, nhưng với các em, thật không dám mơ ước gì hơn.

Hầu hết những người có tấm lòng yêu trẻ, có ý thích làm các việc thiện nguyện thường xuyên tới lui những nơi nuôi trẻ mồ côi đều có chung một cảm giác: vừa thương vừa xót xa. Bởi dẫu có quy mô như thế nào, thì những nhà trẻ mồ côi cũng không thể nào giống như một gia đình, các bé dù được chăm sóc đến đâu cũng rất thiếu thốn tình thương. Chưa nói về tinh thần, chỉ riêng chỗ nơi nuôi dạy trẻ cũng đã là một vấn đề. Nơi nào cơ sở vật chất tốt, người quản lý tốt thì trẻ được chăm sóc tương đối tốt về mặt vật chất. Còn nơi nào chưa ổn thì các em chịu lắm thiệt thòi.

P.K

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.