Đời sống - Xã hội
Nối tiếp giấc mơ học tập từ nguồn vốn tín dụng chính sách
Được triển khai từ năm 2007, chương trình tín dụng dành cho học sinh - sinh viên (HS-SV) được xem là chương trình mang tính nhân văn, làm giảm gánh nặng học phí đối với HS-SV nghèo. Tại Bạc Liêu, từ cách làm linh hoạt của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (Ngân hàng CSXH), trong đó điển hình là địa bàn TP. Bạc Liêu, nguồn vốn này đã trở thành người bạn đồng hành giúp hàng trăm HS-SV được chắp cánh ước mơ tới trường, lập thân, lập nghiệp và không phải bỏ học vì khó khăn tài chính.
Cán bộ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hướng dẫn anh Huỳnh Trọng Hậu (khóm 2, Phường 8, TP. Bạc Liêu) hoàn thiện thủ tục vay vốn tín dụng học sinh - sinh viên năm học mới. Ảnh: T.Q
Nâng bước HS-SV nghèo
Mặc dù đồng tiền kiếm được từ công việc làm công và bán cà phê khá ít ỏi, song vợ chồng anh Huỳnh Trọng Hậu (khóm 2, Phường 8, TP. Bạc Liêu) vẫn cố gắng chăm lo cho 2 con trai học hành đến nơi đến chốn. Bằng số tiền tích cóp và vay mượn họ hàng, đôi vợ chồng nghèo đã lo được người con trai lớn học đến năm thứ sáu Trường đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh. Người con trai lớn còn 1 năm nữa mới ra trường thì người con trai út lại tiếp tục trúng tuyển Trường đại học Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh). Trong niềm vui bất tận ấy còn có muôn vàn nỗi lo của đôi vợ chồng nghèo, vì không biết kiếm đâu ra tiền để lo một lúc cho 2 con ăn học. Anh Hậu dự tính nếu không xoay xở được tiền thì cho người con út tạm gác lại việc học, bảo lưu kết quả. May mắn lúc đó, anh được cán bộ tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh hướng dẫn các thủ tục vay vốn ưu đãi dành cho HS-SV, nhờ đó gánh nặng nỗi lo học phí được trút bỏ. Đến nay, người con trai lớn đã tốt nghiệp và có việc làm ổn định. Người con út thì đang bước vào năm thứ ba, không bao lâu nữa cũng sẽ tốt nghiệp.
Từng là một gia đình có kinh tế ổn định, song đến năm 2016, tai ương ập đến khi người vợ của anh Trần Quốc Thái (khóm 2, Phường 8, TP. Bạc Liêu) bị xuất huyết não và ung thư vú, phải nghỉ làm để điều trị bệnh. Bao nhiêu tiền dành dụm đều đi theo những lần hóa trị, thuốc men. Chi phí sinh hoạt và nuôi 2 con ăn học giờ chỉ một mình anh gánh vác. Gia đình đã vất vả lại càng túng thiếu hơn khi cả 2 con lần lượt bước chân vào giảng đường đại học. Đồng lương ba cọc ba đồng vừa lo cho vợ, lại còn lo chi phí học tập cho 2 con khiến anh đuối sức. “Cũng may tôi biết đến nguồn vốn tín dụng dành cho HS-SV, sau khi hoàn thành thủ tục vay, tôi đã có điều kiện đóng học phí cho con. Nếu không có nguồn vốn này, việc theo học của tụi nhỏ sẽ rất nhọc nhằn và có thể bỏ dở bất cứ lúc nào”.
Không để HS-SV nào vì nghèo mà bỏ học
Theo Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, tính đến ngày 31/8/2023, tổng dư nợ cho vay chương trình HS-SV trên địa bàn TP. Bạc Liêu là trên 7,3 tỷ đồng với 226 khách hàng vay vốn. Doanh số cho vay từ đầu năm đến nay trên 1 tỷ đồng với 51 lượt khách hàng vay vốn. Thời gian qua, nguồn vốn vay ưu đãi dành cho HS-SV luôn được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu của người vay. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn đột xuất đã giảm bớt gánh nặng chi phí vào đầu năm học mới, tránh vay tín dụng đen. Nhiều HS-SV sau khi tốt nghiệp ra trường đã có việc làm ổn định, trả nợ ngân hàng trước thời hạn, tạo dựng được tương lai tươi sáng.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn cho HS-SV vay trên địa bàn TP. Bạc Liêu, thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát nhu cầu vay vốn của HS-SV tại từng ấp/khóm để thực hiện hiệu quả chủ trương “Không để HS-SV nào phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn không có tiền đóng học phí”. Cùng với đó là phối hợp chặt chẽ với UBND các phường, xã, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các ấp, khóm tuyên truyền đến người dân về chương trình cho vay, giúp người dân hiểu và biết đến ý nghĩa của chương trình.
Tổ chức rà soát lại các hộ vay thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo, gặp khó khăn đột xuất về tài chính (thiên tai, dịch bệnh, tai nạn, hỏa hoạn, bệnh tật) có con em đang theo học tại các trường nếu có nhu cầu vay vốn thì tiến hành tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ lập hồ sơ bình xét cho vay. Thực hiện tốt công tác truyền thông về chương trình tín dụng dành cho HS-SV, có văn bản phối hợp với Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT thành phố đề nghị các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề rà soát lại các trường hợp HS-SV nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. Đồng thời, tiếp tục báo cáo tranh thủ nguồn vốn của Trung ương nhằm đáp ứng cơ bản nguồn vốn cho HS-SV vay, qua đó góp phần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài trên địa bàn TP. Bạc Liêu ngày càng phát triển.
Thùy Lâm
- Tiếp tục sạt lở kênh 30/4, khóm Chòm Xoài
- Khai mạc Giải Tennis Nha sĩ Bạc Liêu lần 2
- Hơn 11.200 cán bộ, đảng viên trong tỉnh được quán triệt Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam