Đời sống - Xã hội
Những người vượt lên số phận nghiệt ngã
Hậu quả của chiến tranh không chỉ có sự mất mát, hy sinh, mà còn là di chứng nặng nề từ chất độc hóa học mà kẻ thù đã rải xuống Việt Nam. Hàng triệu con người vô tội đã và đang hứng chịu những nỗi đau oan nghiệt. Dù mang trong mình mầm bệnh hủy diệt sự sống, nhưng nhiều nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) vẫn cố gắng vượt lên số phận nghiệt ngã…
Vượt lên nghèo khó
Nhìn căn nhà khang trang nổi bật giữa vùng quê ấp 15 (xã Phong Tân, huyện Giá Rai) nhiều người khá bất ngờ khi biết đó là cơ ngơi của người thương binh nhiễm CĐDC - Long Văn Hùng. Năm 1972, khi ở độ tuổi thanh niên ông Hùng tham gia chiến đấu ở chiến trường Cà Mau. Không chỉ bị thương tật, sau chiến tranh, ông mới biết mình nhiễm chất độc dioxin khi cậu con trai đầu lòng và cũng là duy nhất ra đời mang dị tật bẩm sinh. Nỗi đau chồng chất, lại thêm cảnh nhà ông luôn thiếu trước hụt sau. Ông Hùng nhớ lại: “Khi tôi lập gia đình và ra riêng, cha mẹ có cho vài công đất, nhưng thấy cha mẹ nghèo quá, nên tôi không nỡ lấy. Gia tài của tôi lúc bấy giờ chỉ có mảnh đất cất nhà ở tạm. Vợ chồng ngày ngày đi làm mướn, gạo ăn phải chạy từng bữa, thậm chí nhiều lúc không có cơm ăn. Tôi lại hay đau yếu. Nếu không kiên trì thì bây giờ gia đình tôi không thể thoát khỏi cảnh nghèo đói”. Chính sự kiên trì và ý chí, nghị lực vươn lên đã giúp gia đình ông tự cất được ngôi nhà mà không cần đến sự trợ giúp của chính quyền - dù trước đó ông đã được hứa sẽ hỗ trợ xây nhà. Câu chuyện vươn lên thoát nghèo của người thương binh nhiễm CĐDC - Long Văn Hùng luôn khiến bà con xung quanh hết sức nể phục.
![]() |
Ông Long Văn Hùng (bìa trái) chăm sóc đàn vịt nuôi. Ảnh: Y.N |
Lạc quan vỚI cuộc sống
Tiếp xúc với những nạn nhân CĐDC, chúng tôi cảm nhận được ở họ không chỉ có sự lạc quan và ý chí vươn lên mạnh mẽ, mà còn biết san sẻ khó khăn với người bất hạnh, dù họ cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh không may mắn. Cái tiệm tạp hóa của ông Huỳnh Văn Khởi ở phường 7 luôn là địa chỉ quen thuộc của các tổ chức, đơn vị làm từ thiện đến vận động quyên góp cho trẻ em nghèo, người lang thang cơ nhỡ, nạn nhân chất độc dioxin… Bởi theo ông Khởi: “Là người kém may mắn, nên tôi hiểu được nỗi khó khăn của những nạn nhân CĐDC, những người nghèo khổ, vì vậy cái gì làm được trong khả năng của mình thì tôi sẽ làm”.
Vợ chồng cô chú Thám (ngụ phường 1, TP. Bạc Liêu) cũng là một tấm gương điển hình về tình yêu thương và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Vợ chồng chú đều tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông. Hậu quả để lại từ chiến tranh ác liệt là cả 3 người con của cô chú đều qua đời ở tuổi rất trẻ. Hứng chịu nỗi đau tột cùng đó, có lúc vợ chồng chú như gục ngã. Nhưng với ý chí mạnh mẽ của người lính Cụ Hồ, cô chú đã dằn nén nỗi đau, cố gắng sống vui, sống có ích cho đời. Tuổi cao sức yếu, nhưng bất kỳ hoạt động nào của hội, đoàn thể khóm, chú cũng tham gia nhiệt tình. Khi bà con lối xóm gặp khó khăn gì cô chú cũng nhiệt tình giúp đỡ…
Thật đáng quý thay những con người dù trong hoàn cảnh bất hạnh nhưng vẫn không bao giờ đầu hàng trước số phận!
TUẤN ANH
- Tiếp tục sạt lở kênh 30/4, khóm Chòm Xoài
- Khai mạc Giải Tennis Nha sĩ Bạc Liêu lần 2
- Hơn 11.200 cán bộ, đảng viên trong tỉnh được quán triệt Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam
- Bảng Báo giá sửa chữa nhà trọn gói