Có một “ông tiên“ giữa đời thường

Thứ Hai, 23/07/2018 | 16:37

Ông Phạm Văn Công (còn gọi là ông Ba Công từ thiện, 65 tuổi, ngụ phường Láng Tròn, TX. Giá Rai) đã dành cả tài sản, công sức để xây nhà tình thương, xây cầu, hỗ trợ tiền, gạo, xây nghĩa trang cho người nghèo… Song, đối với ông, bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ. Ông Ba Công chia sẻ rằng, ông làm từ thiện không phải là tạo tiếng vang mà vì một chữ “nợ” với người nghèo. Chữ “nợ” ấy không chỉ theo ông đến cuối đời, mà cả khi ông mất, con cháu ông cũng sẽ tiếp tục thay ông làm việc này.

Ông Phạm Văn Công (bìa phải, ảnh trên) tặng quà người nghèo và đóng góp quỹ An sinh xã hội phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai (bìa phải, ảnh dưới). Ảnh: T.Q

“NỢ”… NGƯỜI NGHÈO

Sinh ra trong gia đình tá điền nghèo, ông Ba Công phải đi ở đợ cho nhà địa chủ, chuỗi ngày ấu thơ của ông là đói khát và cực khổ. Trong một lần nhà không còn gạo, thấy mẹ và các em đói lả, ông chạy đi mượn gạo khắp nơi nhưng không ai cho. May mắn thay, ông được người cùng ở đợ giấu chủ cho được ít gạo nên đã cứu cả gia đình. Sau đó, người đầy tớ ấy bị chủ phát hiện và la mắng. Chứng kiến cảnh ấy, ông Ba Công tự nhủ, gia đình ông đã “nợ” người ấy, sau này nếu  làm nên công danh sự nghiệp thì việc đầu tiên ông làm là sẽ trả lại ân nghĩa cho người này, đồng thời cưu mang những phận người cùng khổ như ông.

Thời gian trôi qua, ông Ba Công lấy vợ, cả hai đều nghèo nên cùng nhau làm thuê kiếm sống. Dù không biết chữ, nhưng với sự lanh lẹ, thông minh, đặc biệt là tính toán rất giỏi, nên sau một thời gian, ông tích cóp được một số vốn và mở hãng nước đá. Công việc kinh doanh thuận lợi, số tiền ông làm ra tăng dần. Cầm những đồng tiền làm bằng mồ hôi nước mắt trong tay, việc đầu tiên ông làm là tìm những người ngày xưa giúp đỡ mình để trả ơn và mua gạo, hỗ trợ tiền trị bệnh… cho người nghèo. Ông còn chi tiền xây hàng chục cây cầu, làm lộ giao thông, xây cổng chào, xây nhà tình thương...

Năm 2007, nhận thấy ngành Xây dựng phát triển mạnh nên ông chuyển sang lĩnh vực này và kinh doanh vật liệu xây dựng. Các công trình xây dựng ông đảm nhận đều đảm bảo chất lượng, giá thành rẻ nên được chính quyền tin tưởng.

Lớn lên từ gian khó, giờ đã giàu sang, nhưng ông Ba Công vẫn giữ nguyên bản chất chân tình, giản dị của người nông dân. Mỗi công trình nếu lãi 10 phần thì ông dành 7 phần giúp người nghèo, vì với ông, gia đình chỉ cần có ăn có mặc là đủ. Với nhiều người nghèo trên địa bàn huyện Đông Hải, TX. Giá Rai, ông Ba Công không khác gì "ông tiên" giữa đời thường, luôn hiện ra trước mắt giúp họ vượt qua gian khó. Ở nơi ông sinh sống, tháng nào ông cũng hỗ trợ gạo, tiền cho người nghèo. Với chính quyền địa phương, mỗi năm ông đóng góp quỹ An sinh xã hội hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, nhiều năm qua, ông là địa chỉ đỏ của chương trình Nhịp cầu nhân ái (Đài PT-TH Bạc Liêu). Tính đến nay, ông đã xây trên 30 căn nhà tình thương và hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho chương trình Nhịp cầu nhân ái để giúp người nghèo, bất hạnh.

LẬP NGHĨA TRANG CHO NGƯỜI NGHÈO

Tấm gương sáng của doanh nhân Phạm Văn Công càng rạng ngời hơn khi ông mua gần 7.000m2 đất để lập nghĩa trang cho người nghèo.

Không chỉ cho đất để chôn, ông cho cả quan tài và xây mộ xi-măng để người mất được mồ yên mả đẹp. Đối với những hoàn cảnh quá khó khăn, ông còn mua đồ tẩm liệm giúp họ làm tang lễ. Người được ông giúp không chỉ là người địa phương, mà bất cứ ở đâu, miễn gặp hoàn cảnh khó khăn là ông sẵn sàng hỗ trợ.

Bà Tôn Thị Son (73 tuổi, phường Láng Tròn, TX. Giá Rai) xúc động kể: “Hai vợ chồng tôi đều nghèo, lại mang nhiều bệnh tật. Có lần chồng tôi trở bệnh, nhà không còn tiền thuốc thang, một người hàng xóm gợi ý tôi nên gặp chú Ba Công xin giúp đỡ, tôi liền tìm đến nhà chú. Dù chưa từng quen biết, nhưng sau khi nghe tôi trình bày hoàn cảnh, chú không đắn đo mà theo tôi đến nhà cho tiền chồng tôi trị bệnh, chú còn cho gạo giúp chúng tôi no lòng. Ngày chồng tôi mất, chú hỗ trợ chúng tôi làm tang lễ, cho đất và xây cho chồng tôi ngôi mộ bằng xi-măng kiên cố. Nếu không có chú thì chúng tôi không biết nương tựa vào ai!”.

Ông Ba Công chia sẻ: “Hồi nhỏ do gia đình tôi khốn khổ, tôi phải đi ở đợ. Vào ngày Thanh minh hay dịp tết, tôi không được về đắp mộ cho ông bà, riết rồi các ngôi mộ dần bị mất dấu vết, điều này khiến tôi luôn day dứt không yên. Tôi nguyện với lòng, sau này tôi sẽ lập nghĩa trang và giúp người nghèo xây mộ đá để người thân còn tìm thấy. Thời gian tới tôi mua thêm đất nới rộng diện tích nghĩa trang để người nghèo không còn lo lắng chỗ yên nghỉ”.

Lo cho người sống hết lòng, với người chết ông cũng dành cho sự quan tâm đặc biệt, tấm lòng của ông thật cao vời, khó có ai sánh kịp. Với người dân địa phương, ông Ba Công không chỉ là ân nhân, là tấm gương sáng, mà với bản tính hiền hòa, gần gũi của ông đã phá vỡ mọi cách ngăn, trẻ nhỏ thì gọi ông là ông ngoại, thanh niên kêu ông bằng ba, bằng chú…

Bước qua cái tuổi 65, dù sức khỏe không còn dẻo dai nhưng ông Ba Công vẫn sống rất lạc quan, thường xuyên đi đến các vùng sâu vùng xa, đến tận nhà người nghèo để giúp đỡ... Nghĩa cử đẹp của ông Ba Công đã giúp nhiều hộ nghèo vươn lên, họ noi gương ông sống gương mẫu, siêng năng lao động, nhờ đó góp phần làm tỷ lệ hộ nghèo của các địa phương giảm nhanh và bền vững.

MINH LUÂN 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.