Cùng bàn luận
Vì sao lại thỏa hiệp với tham nhũng?
Khi nói về vấn nạn tham nhũng, mọi người thường nói về nguyên nhân cũng như giải pháp phòng chống tham nhũng, trong đó nhấn mạnh đến vai trò phát hiện của tai mắt nhân dân. Tuy nhiên, khi mà luật pháp còn nhiều kẽ hở và việc bảo vệ người chống tham nhũng chưa tới nơi tới chốn thì người dân lại có xu hướng… thỏa hiệp với tham nhũng!
Theo kết quả khảo sát của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố vào giữa tháng 8/2016 cho thấy: Chi phí “lót tay” cho cán bộ khi làm sổ đỏ, xin phép xây dựng và các dịch vụ công khác ngày càng tăng; mức tiền hối lộ dẫn đến việc người dân phải đứng ra tố cáo hành vi đòi hối lộ ngày càng tăng dần, trong khi tỷ lệ người bị vòi vĩnh tố cáo tham nhũng giảm dần theo thời gian... Có vẻ như hầu hết người dân đã quen với những hành vi tham nhũng với mức độ từ thấp đến cao, cho nên kết quả này đã không làm nhiều người ngạc nhiên về sức “chịu đựng” tham nhũng của người dân Việt Nam.
Ở cấp xã, phường, lên đến huyện, thị, thành phố rồi cơ quan tỉnh, nếu muốn công việc được giải quyết nhanh, nếu cần xin một sự “ưu tiên” người dân sẽ sẵn sàng… hối lộ, không thắc mắc hay có ý định phản đối. Sự thỏa hiệp, dung dưỡng của người dân được cho là do người dân sợ bị trù dập, trả thù, hay ít nhất cũng không thể giải quyết công việc như đúng quy định. Khi người dân thỏa hiệp với tham nhũng, làm ngơ trước những sai trái của cán bộ thì môi trường cho tham nhũng ngày càng thoáng, rồi cán bộ cứ thế mà ngày càng muốn tham nhũng.
Mới đây, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thanh tra Chính phủ cho biết trong hơn 1 triệu người phải kê khai tài sản năm 2015 “chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực”. Trong khi người dân không quá khó để thấy nhiều cán bộ giàu lên với biệt thự, xe “xịn” mà so với đồng lương công chức thì hẳn đó là một sự bất thường; ngược lại, với cơ quan chức năng thì quá khó khăn để phát hiện?! Chính vì lẽ đó mà người dân chấp nhận thỏa hiệp với tham nhũng, vì họ thiếu một niềm tin vào sự bảo vệ của pháp luật khi tố cáo tham nhũng. Và cũng vì lẽ đó mà tham nhũng cứ mãi còn đất sống!
N.L
- Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4: Mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025
- Trao tặng 35 bồn chứa và máy lọc nước cho các hộ khó khăn huyện Đông Hải
- Xây dựng hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau sau hợp nhất
- Chính thức lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013
- Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013