Cùng bàn luận

Văn hóa và... phi văn hóa

Thứ Sáu, 27/10/2023 | 15:57

Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ VH-TT&DL vừa tổ chức sơ kết các phong trào, các quy chế về văn hóa. Cụ thể là sơ kết 1 năm phát động phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí (của Hội Nhà báo Việt Nam) và sơ kết việc thực hiện “Quy chế văn hóa công sở trong các cơ quan hành chính nhà nước” của Chính phủ ban hành vào ngày 2/8/2007.

Bài viết ngắn này không có ý đi sâu sơ, tổng kết các phong trào, quy chế như đã nêu. Ở đây chỉ muốn “bóc tách” rạch ròi cái chất văn hóa và phi văn hóa mà khi thực hiện các phong trào và quy chế, có dịp “dọn vườn” mới nhận diện ra.

Ông bà xưa từng dạy: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” hay “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, cho thấy lời nói nó quan trọng như thế nào khi giao tiếp, ứng xử (tất nhiên là lời nói có văn hóa). Ở đó lời nói là “đại sứ” tiên phong quyết định sự thành bại của cuộc giao tiếp, rộng hơn là cuộc đàm phán, ngoại giao. Với người trong cuộc sống thường ngày, ông bà xưa dạy: “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Cái sự lựa lời chính là chắc lọc lời ăn tiếng nói, là cách ứng xử có duyên, có văn hóa!...

Ứng xử văn hóa là gì? Ở đây không thể chỉ ra mẫu hình cụ thể, nhưng chung quy “văn hóa ứng xử là những chuẩn mực đạo đức của con người trong giao tiếp”. Bao gồm lời nói, thái độ, hành động… được hình thành theo thời gian. Văn hóa ứng xử cũng phản ánh nhân cách của con người, là yếu tố minh chứng cho khả năng trí tuệ và sự nhạy bén trong tư duy…

Đảng, Nhà nước ta chủ trương xây dựng văn hóa công sở - nơi trực tiếp giao tiếp hằng ngày với công dân - nơi đó mọi hành động phải chuẩn mực… văn hóa. Là nơi nền nếp, khoa học, kỷ cương, dân chủ… Nó đòi hỏi mọi người (nhất là lãnh đạo, quản lý) phải nghiêm túc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, tôn trọng và đề cao danh dự, kiên quyết chống bệnh quan liêu, hách dịch, cơ hội… Có như thế niềm tin của cán bộ và Nhân dân mới được củng cố và phát huy.

Xin được mượn khảo sát của một học giả khi nói về ý thức công dân của công chức ở các nước phát triển: “Ở các quốc gia phát triển, các thành viên công sở đều ý thức rất rõ họ đang làm việc vì ai, vì cái gì và tại sao họ đạt hiệu quả cao. Vì họ có ý thức văn hóa dân tộc, ý thức về danh dự dân tộc, ý thức về truyền thống công sở - nơi họ làm việc và cống hiến. Lương tâm, danh dự đã khiến họ ý thức sâu hơn văn hóa là động lực phát triển của mọi hành động công sở. Yếu tố dân tộc, hiện đại và hệ giá trị này thấm nhuần trong mỗi thành viên công sở được chắc lọc, kế thừa và phát triển”.

Văn hóa còn giúp mỗi thành viên trong công sở biết tôn trọng kỷ luật, danh dự của công sở, quan hệ thân ái, đoàn kết hợp tác vì sự nghiệp chung. Văn hóa là chiếc nôi nuôi dưỡng giá trị chân - thiện - mỹ, nuôi dưỡng đạo đức, tâm hồn cho mỗi cá nhân, cho tập thể cán bộ, công chức. Sự vô cảm, lánh xa, tách rời tập thể, hoạt động tập thể sẽ tự đánh mất giá trị vốn có trong mỗi con người. Nói cách khác, sự vô cảm với công sở - nơi mình cống hiến ở bất kỳ hình thức nào cũng là tự tước bỏ danh dự, là phi văn hóa. Các căn bệnh tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, hách dịch, đố kỵ, hẹp hòi, vị kỷ, níu chân, kéo áo nhau… trong một bộ phận cán bộ, công chức đều là những hành vi phi văn hóa. Hành vi phi văn hóa còn thể hiện: “Thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh”, tư duy an phận “nước đến đâu, bèo trôi đến đó”. Trong cuộc họp - nơi để bày tỏ chính kiến thì “im lặng đáng sợ”, vừa bước chân ra đã rêu rao đủ điều “đâm sau lưng chiến sĩ”, kéo bè, kéo cánh, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ… là những tồn tại không thể nói là ít trong các cơ quan, công sở hiện nay.

Một bầu không khí làm việc cởi mở, tin tưởng lẫn nhau, yêu thương giúp đỡ nhau sẽ khơi nguồn sáng tạo trong mỗi thành viên và ngược lại. Tác phong, lề lối làm việc càng chuyên nghiệp bao nhiêu càng đem lại hiệu quả bấy nhiêu. Bởi tính chuyên nghiệp trong giao tiếp (vừa mang tính khoa học vừa là nghệ thuật) giúp nâng tầm vị thế cho cơ quan, đơn vị, đem đến sự thân thiện trong mắt mọi người… Những vấn đề phi văn hóa sẽ bị lên án, đả phá.

Vâng, khi nói đến văn hóa và văn hóa công sở nói riêng không thể không nói đến yếu tố quyết định là con người. Nói đến con người là nói đến văn hóa (chỉ có con người mới có văn hóa). Toàn bộ những giá trị văn hóa làm nên phẩm chất, năng lực, tinh thần của con người. Ngược lại, những phẩm chất văn hóa con người được “vật chất hóa”, tạo thành nguồn lực nuôi dưỡng sự tồn tại và phát triển của cơ quan, công sở.

Những gì không thuộc giá trị văn hóa (phi văn hóa) thì sớm muộn cũng bị loại thải!

N.N.K (Bài viết có sử dụng tư liệu đồng nghiệp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.