Cùng bàn luận
Đổi mới thi cử - hãy vì học sinh
Phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 cuối cùng cũng được thông qua với nhiều đổi mới. Liên tiếp nhiều năm qua, ngành GD-ĐT đã áp dụng đổi mới trong cách thức tổ chức, làm bài thi đến nội dung thi. Những đổi mới này, tất nhiên khi áp dụng đều nhận được những phản hồi ở cả hai chiều…
Người đồng thuận thì cho rằng đổi mới là cần thiết để nâng cao chất lượng kỳ thi, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục ngang tầm với thế giới. Việc đổi mới hình thức thi, cách thức tổ chức thi và xét tuyển những năm qua đã giúp học sinh, phụ huynh giảm áp lực thi cử, tiết kiệm được tiền của Nhà nước và xã hội. Từ đổi mới thi đã dẫn đến những đổi mới trong cách dạy, cách học, qua đó nâng cao nhận thức của mọi người về mục tiêu của giáo dục ở từng bậc học.
Tuy nhiên người phản đối (ở một vài khía cạnh) cũng có những lý lẽ riêng của họ. Không phải hoàn toàn phủ nhận sự đổi mới từ công tác tổ chức đến nội dung, hình thức kỳ thi, những người phản đối chỉ cho rằng việc đổi mới phải diễn ra từ từ và ở một vài môn phù hợp. Có người cho rằng những đổi mới liên tục trong các năm qua làm cho học sinh khó tiếp cận, trong khi giáo viên rất khó khăn trong việc ôn tập cho học sinh.
Từ năm 2015, khi Bộ GD-ĐT gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học, cao đẳng vào làm một, đã bắt đầu có những tranh cãi. Liên tiếp sau đó, thi cử luôn là đề tài để mọi người bàn cãi, nhất là về kỳ thi quan trọng nhất của quốc gia. Dù còn nhiều bàn cãi nhưng Bộ GD-ĐT vẫn luôn quyết định đổi mới, ngay cả khi học sinh chưa chuẩn bị sẵn sàng, ngay cả khi sự đổi mới từ năm trước chưa được đánh giá về hiệu quả thì năm sau lại tiếp tục đổi mới. Phụ huynh thấp thỏm không biết năm sau tới lượt thay đổi về cái gì, giáo viên chóng mặt vì phải liên tục thực hiện những đổi mới.
Nếu những đổi mới có hiệu quả, rất cần thiết để làm dù có nhiều tranh cãi. Nhưng để xem những thay đổi đó có hiệu quả hay không, cần phải có sự đánh giá sâu sắc, toàn diện chứ không chỉ là vài ý kiến chuyên gia. Mong rằng, tương tự như chủ trương lấy học sinh làm trung tâm, công tác tổ chức một kỳ thi cấp quốc gia nên lấy việc nâng cao chất lượng học tập của học sinh, cũng là chất lượng nguồn nhân lực của đất nước làm trọng tâm cho mọi sự đổi mới.
N.L
- Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4: Mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025
- Trao tặng 35 bồn chứa và máy lọc nước cho các hộ khó khăn huyện Đông Hải
- Xây dựng hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau sau hợp nhất
- Chính thức lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013
- Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013