Cùng bàn luận

Cố chấp là độc đoán, ích kỷ

Thứ Tư, 29/11/2023 | 15:47

Trong mỗi chúng ta, chắc ai cũng từng ít nhất một lần gặp phải trong đời, kiểu như ta cố gắng khuyên nhủ, diễn giải, phân tích… cho một ai đó về những việc “vướng víu” gì đó - cho dù bằng nhiều góc độ phân tích, đưa ra những lời khuyên chân thành, nhưng họ vẫn không nghe, không chịu “lọt lỗ tai” mà luôn cố chấp, bảo thủ.

Dễ gặp nhất là chuyện về tình yêu lứa đôi. Một cô gái “phải lòng” một anh chàng nọ mà “người ngoài cuộc” chỉ cần thoáng qua đã “thấy” chân tướng của anh chàng kia thuộc dạng “không vừa”, thậm chí là lường gạt. Nhưng cô gái thì vẫn một mực cho rằng chàng trai thật sự yêu mình, mặc kệ người ngoài có nói sao cô cũng không thay đổi mà còn nghĩ rằng người khác đang… phá mình, ganh tỵ với mình - Một kiểu cố chấp mù quáng vì tình, ta vẫn luôn bắt gặp đâu đó.

Không riêng gì cố chấp trong tình yêu lứa đôi, người lớn còn có sự cố chấp gay gắt hơn, hung tợn hơn, thậm chí đến sục sôi, căm hận khi bị phê phán, chỉ trích… Tôi từng chứng kiến một cuộc họp “phê bình và tự phê bình” mới đây của cán bộ, đảng viên ở một cơ quan (không tiện nói tên). Có một nhân vật (mà chắc còn nhiều và ở đâu cũng có dạng người như tôi sắp nêu) khi được một đồng nghiệp góp ý, phê phán về một sự việc cụ thể, anh ta (nhân vật nêu trên) ngay lập tức “nổi điên” lên như muốn “ăn tươi nuốt sống” người phê phán và “cấm” người phê phán không được… phê phán nội dung vừa góp, làm cho cả tập thể… ngỡ ngàng (nghe đâu “thành tích” của anh ta đã được “một người cấp trên” nào đó có ý… khen!)

Không biết cái việc khen, chê đó đúng, sai thế nào, nhưng hành vi, thái độ của nhân vật được góp ý là quá đáng. Nếu là người trung thực, liêm chính… thì việc được đồng chí, đồng nghiệp góp ý, phê phán là việc rất bình thường trong sinh hoạt. Có góp ý phê phán mới biết mình có gì được, chưa được, cái gì cần loại bỏ, cái gì cần phát huy. Đằng này anh ta lại bảo thủ, cố chấp - mà cố chấp một cách… ngông nghênh, một thứ “cố chấp… uy quyền”, “cáo mượn oai hổ” của cấp trên rồi dọa nạt đồng chí, đồng nghiệp.

Cố chấp, nói một cách nôm na là: một mực giữ nguyên suy nghĩ, ý kiến của mình theo những quan niệm cứng nhắc sẵn có, luôn ghim giữ mãi những sai sót của người khác đến mức có… định kiến. Cụ thể ở đây là định kiến với người góp ý kiến cho mình một cách cứng nhắc, máy móc và mù quáng.

Ngẫm thái độ, hành vi của vị cán bộ trên, mặc nhiên là cố chấp với hàm nghĩa thiếu tích cực, chưa nói sự hống hách, cửa quyền (mượn quyền người khác), xúc phạm, làm tổn thương đến mối quan hệ đồng chí, đồng nghiệp và ảnh hưởng đến người xung quanh… Dù vậy, không phải ai cũng nhận ra, không phải ai cũng tránh được tính xấu ấy. Với cán bộ này lại còn khư khư tự đắc vì sự “bảo hộ” từ xa của ai đó.

Cái điều dễ thấy: Cố chấp luôn đem đến sự bất ổn trong cuộc sống, bởi chúng mang lại định kiến và mặc cảm, mang lại sự “tự tôn quá mức” xen lẫn trong sự thiếu tự tin… dẫn đến hệ lụy xấu. Cấp độ cố chấp đến đâu, mức độ bất hòa xảy ra đến đó. Có người còn triết lý: “Những căn bệnh được nuôi lớn bằng sự cố chấp, có thể sẽ bùng vỡ như những trái bom hẹn giờ”! Thực tế cho thấy: “Cố chấp cản trở sự hình thành của một cá tính tốt, khiến con người có thiên hướng cực đoan, thiếu lòng khoan dung và trí tuệ, cản trở khả năng học hỏi, suy nghĩ và tiếp nhận cái mới”. Theo phân tích trên thì thái độ của vị cán bộ kia đã hiện rõ hình hài của kẻ bợ đỡ cấp trên nhưng phỉ bán cấp dưới bất chấp đúng sai… Có thể nói, khả năng nhận thức hạn hẹp, quan điểm cá nhân bảo thủ, đơn nhất, thiếu óc phán đoán nên họ tỏ ra cố chấp, vì tính cố chấp này mà họ không chịu học tập, không chịu lắng nghe ý kiến của người khác (nhất là ý kiến phê phán), cứ như vậy, con đường hoàn thiện bản thân sẽ bị trì trệ, rồi dần dần cuốn theo một vòng luẩn quẩn không lối ra.

Ngược hẳn với người hiểu biết, càng hiểu biết càng thấy mình thiếu… hiểu biết. Người hiểu biết dễ dàng nhận biết tri thức là bất tận, không nên cố chấp, chỉ có thể là khiêm tốn để học tập, để lĩnh hội…

Người cố chấp luôn một mực làm theo hay áp đặt chính kiến mình lên người khác một cách bất chấp. Khi biết mình sai nhưng do sợ bẽ mặt, sợ xấu hổ nên cố “sống chết” bảo vệ ý kiến bản thân. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc cãi bừa, cãi bất chấp lẽ phải.

Xét về mặt tâm lý, cố chấp là biểu hiện của sự độc đoán, ích kỷ và gia trưởng.

Tuy nhiên, cố chấp không phải là hành vi thái độ “hết thuốc chữa” mà vẫn có thể chữa lành nếu người “mắc bệnh” thực tâm “hối cãi”. Thông qua quá trình không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, dung nạp cái mới… thì sự cố chấp dần dần sẽ được cải thiện. Cố gắng học tập nâng cao kiến thức, học hỏi nhiều ở những người ưu tú - nhất là những kiến thức bác học… thì khi sự cố chấp đến, ta sẽ tự điều chỉnh hành vi, thái độ và tự ngẫm lại bản thân… Tất nhiên quá trình thay đổi không phải một sớm một chiều, đòi hỏi sự kiên trì, tự “nhắc nhở” bản thân một cách liên tục, không ngừng nghỉ. Sau thời gian cố gắng, sẽ thấy mình trở nên ôn hòa hơn, biết suy ngẫm vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, không còn khư khư bám lấy một lối mở cho một con đường “trước sau như một” trong tư tưởng của kẻ cố chấp!

Mong sao “cô gái đang yêu” và “ông cán bộ bảo thủ, độc đoán” sẽ nhận ra khi thấm thía những phân tích, diễn giải và những lời khuyên chân tình. Và khi đó họ sẽ tự xấu hổ với tư tưởng hẹp hòi, ích kỷ vì sự cố chấp từng “sống” với mình trong suốt thời gian qua!

N.N.K (Bài viết có sử dụng tư liệu đồng nghiệp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.