Cùng bàn luận
Cái túi nhựa ở chợ và chuyện biến đổi khí hậu
Mỗi lần đi chợ, tôi lại phải liên tục từ chối những người bán hàng sử dụng 2 - 3 túi nhựa chỉ cho một món hàng. Có người cảm ơn, nhưng nhiều người thì ngạc nhiên: sao cô lạ vậy?
Bởi việc dùng nhiều túi nhựa để đựng thực phẩm là thói quen lâu nay của người bán, chủ yếu là để lấy lòng khách mua. Người mua thì muốn sạch sẽ, tiện lợi, nên càng nhiều túi thì càng hài lòng. Cứ thế mà văn hóa túi nhựa đã ăn sâu trong tiềm thức của những người đến chợ, cả mua và bán, thay thế cho thói quen “xách giỏ đi chợ” của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Người ta đến chợ với tay không và về đến nhà với hàng chục cái túi nhựa, bọc nylon, tất nhiên sau đó tất cả đều là rác!
Nói về những cái túi nhựa ở chợ, tôi lại liên tưởng đến những con đường ngập nặng ở Bạc Liêu tuần qua. Tưởng không liên quan, nhưng lại liên quan vô cùng mật thiết, khi mà rác thải nhựa chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm môi trường, nước biển dâng và lớn hơn là biến đổi khí hậu (BĐKH). Những khái niệm tưởng xa vời, thuộc phạm trù khoa học như nước biển dâng hay BĐKH nay đã có thể trông thấy trước mắt mà cảnh các con đường của TP. Bạc Liêu chìm trong nước là một ví dụ cụ thể. Khi nghe nói về việc Đồng bằng sông Cửu Long chìm xuống dưới mực nước biển, không ai có thể hình dung ngày đó sẽ như thế nào cho đến khi từ thành phố lớn như Cần Thơ hay một thành phố nhỏ ven biển như Bạc Liêu lênh láng nước từ đường vào tận nhà người dân! Đó có lẽ là hình ảnh rõ nét nhất về tương lai nếu hôm nay chúng ta không có hành động lập tức và thiết thực nhất.
Bởi việc hủy hoại môi trường từ những chiếc túi nylon có tuổi đời hàng trăm năm trước khi phân hủy đã và đang để lại những hệ quả khôn lường, hiển hiện ngay trước mắt. Túi nhựa, giỏ nhựa đến hàng vạn vật dụng bằng nhựa được sử dụng một cách tùy tiện khiến lượng rác thải ngày càng dày đặc, ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và góp phần làm cho trái đất nóng lên. Rồi rừng bị tàn phá, việc phát thải khí nhà kính, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác đến cạn kiệt... cứ thế mà con người mỗi ngày lại đưa trái đất đến thảm họa vì những hành động vô ý thức của mình.
Cho nên, để trái đất lấy lại màu xanh, để quá trình BĐKH chậm lại hoặc chỉ đơn giản để giúp những con đường không còn ngập, phải hành động ngay từ hôm nay với việc thay đổi ý thức, thói quen của con người trong sử dụng đồ dùng bằng nhựa. Những mô hình xách giỏ đi chợ thay túi sử dụng một lần - vốn từng được phát động rầm rộ nhưng sau đó lại mất hút, cần được thực hiện một cách hiệu quả hơn. Tăng cường tuyên truyền và sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội một cách mạnh mẽ hơn cũng là cách làm cần thiết để cho việc hạn chế sử dụng túi nhựa không còn là chuyện lạ ở chợ!
N.L
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước