Cùng bàn luận

BÌNH PHẨM

Thứ Tư, 25/03/2020 | 15:08

Bình phẩm là sự nhận xét, đánh giá, là sự khen - chê theo chủ quan của một người, một nhóm người về một vấn đề gì đó. Bình phẩm là sự thể hiện chính kiến riêng, có tính cảm tính, được thực hiện qua lời nói cửa miệng, bằng giấy trắng mực đen, trên trang cá nhân…

Đó là quyền tự do, là nhu cầu tinh thần của mỗi người, không ai cấm cản.

Tuy nhiên cái “quyền” đó phải xuất phát từ sự khách quan, trung thực của người bình phẩm - nhất là sự bình phẩm về một con người cụ thể, có chính danh, tên tuổi, có địa chỉ hẳn hoi. Người bình phẩm không chỉ trung thực mà cần có trách nhiệm và chịu trách nhiệm với những bình phẩm của mình. Không dừng lại ở đó, bình phẩm còn phải tuân thủ pháp luật, phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc ta… nhất là khi đưa bình phẩm lên mạng xã hội - cho dù là bình phẩm để “đùa vui, trêu chọc bạn bè, không có ý xấu…” như lý giải của một số người khi “được” cơ quan chức năng mời đến “trao đổi”…

Phải công nhận trong thực tế “đời sống… trên mạng”, cái việc bình phẩm vô tư, thích gì bình đó theo kiểu “cà khịa” bạn bè, đồng nghiệp… đã làm cho tình cảm bạn bè gắn chặt nhau hơn, chia sẻ cảm thông nhau hơn khi gặp “những điều không may” trong cuộc sống. Nhưng thường dạng này là những người đã quen biết nhau trong đời thực, rồi “dắt” nhau lên không gian ảo để “cà khịa”, đùa vui cho khuây khỏa tinh thần như một dạng xả stress lành mạnh.

Tuy nhiên, bình phẩm có rất nhiều dạng. Bên cạnh sự bình phẩm lành mạnh thì cũng có bình phẩm theo… bản năng, bình phẩm cho đã… miệng, bình phẩm để… dìm hàng… Nhưng cái đáng lên án là bình phẩm không đúng bản chất, cố tình “lái” sự việc “đi ra xa” với bản chất thật, theo kiểu: “Thương nhau trái ấu cũng tròn, ghét nhau bồ hòn cũng méo”. Rồi có cả việc bình phẩm theo kiểu bươi móc, “bới lông tìm vết”. Rồi “lôi” những khiếm khuyết trên cơ thể người khác lên mạng xã hội bình phẩm, soi mói hả hê như: Mắt hí, răng hô, chân ngắn… rồi so sánh với gì gì đó. Đôi khi vô tư, nhưng vô tình đã làm ai đó mặc cảm, chán chường, tinh thần sụp đổ, dẫn đến tuyệt vọng…

Còn nhớ năm 2018 và 2019 - một nữ sinh ở Nghệ An đã phải tự tử vì không chịu nổi những lời bình phẩm ác ý, thô tục… Một cô gái ở Đồng Nai cũng bị bình phẩm theo kiểu bôi nhọ, xúc phạm… dẫn đến trầm cảm, luôn nghĩ đến cái chết!.

Và còn nhiều, nhiều lắm những “dư chấn tâm lý” bất an, hoang mang, tuyệt vọng… khi đối diện với những “bình phẩm vô tư”, chưa nói đến những bình phẩm ác ý, xúc xiểm, cay độc…

Giới trẻ - mà nhất là học sinh, sinh viên thường là “nạn nhân” nhưng đồng thời cũng là “tác nhân” của những hành vi này, không ít trong số các em chưa lường hết hậu quả của những “bình phẩm… lệch” cũng như chưa đủ “sức đề kháng” để xử lý vấn đề - dẫn đến sự thụ động, thu mình, trốn chạy khỏi thế giới thực, thậm chí tự kỷ…

Rất mừng là Chính phủ đã có Nghị định 15/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020 này. Khi đó những bình phẩm như đã nói sẽ có chế tài cụ thể. Những bình phẩm thiếu văn minh trên mạng xã hội (chê bai ai đó về thể xác, tinh thần) làm cho họ bị sốc, tổn thương, mặc cảm… đều bị xử phạt một cách thích đáng!.

Nhân nói về bình phẩm trên mạng xã hội, xin được… “dẫn dắt” bình phẩm vào nghề viết lách - nhất là bình phẩm báo chí. Trong bình phẩm báo chí, chỉ cần tác giả “xén” một ít trung thực, khách quan, “nghiêng” nhẹ về phía nào đó, thì bản chất sự việc đôi khi bị đổi khác. Cái đầu tiên làm thay đổi bản chất là “từ ngữ tăng nặng hay giảm nhẹ” có trong câu chữ rất… chủ quan của người viết mà không dễ gì người khác nhận ra - Đây chính là “thủ thuật viết lách” như người ta vẫn nói - mà thực chất thủ thuật đó là sự thiếu trung thực của người bình phẩm…

Mới đây và cả hiện tại, dịch COVID-19 trực tiếp ảnh hưởng, đe dọa đến đất nước. Trong công cuộc chống dịch, có nhiều bình phẩm rất đỗi tự hào trong cách điều hành của Chính phủ và sự đồng tâm cộng khổ của mọi cấp, mọi ngành, mọi người… Nhưng bên cạnh, cũng không ít những bình phẩm xuyên tạc, méo mó theo kiểu bôi nhọ, phủ định và cả phản động… Có dạng bình phẩm để tạo hoài nghi cho người đọc bằng những câu hỏi mập mờ, rồi bỏ lửng… nhưng tất cả đều có chủ đích của người bình phẩm, ẩn chứa một tâm tính tà gian, phản động…

Trước khi kết thúc mấy dòng suy ngẫm này, xin được nhắc lại: Bình phẩm là quyền của mỗi người. Nhưng đi liền với đó là trách nhiệm, là sự tuân thủ luật pháp và thuần phong mỹ tục của dân tộc ta. Nói cách khác, bình phẩm không chỉ đòi hỏi sự trung thực, mà cần có cái tâm. Chỉ có tâm sáng thì lòng mới trong!.

N.N.K

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.