Chủ trương mới - Chính sách mới
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô
Ngày 17/8/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra.
Theo Tờ trình của Chính phủ (do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày tại phiên họp), dự thảo luật lần này có 4 chương, 33 điều; quy định vị trí, vai trò của thủ đô, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ thủ đô và lựa chọn để quy định 16 chính sách, cơ chế đặc thù cho thủ đô với tư cách là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia.
Các chính sách, cơ chế này tập trung vào 7 lĩnh vực: quy hoạch, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường - đất đai, kinh tế - tài chính, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
Đáng lưu ý, các nội dung về Quy hoạch chung xây dựng thủ đô và quản lý quy hoạch được thiết kế với nhiều quy định nghiêm ngặt hơn so với quy định của Luật Quy hoạch đô thị hiện hành. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Quy hoạch chung của thủ đô Hà Nội và quyết định vị trí trung tâm chính trị - hành chính quốc gia trước khi phê duyệt.
Về việc di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra khỏi nội thành, so với dự thảo trước, dự thảo Luật mới bổ sung đối tượng phải di dời là cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, dự thảo Luật quy định cấm không mở rộng diện tích sử dụng đất, quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở nội thành.
Để góp phần tạo bộ mặt khang trang, hiện đại cho thủ đô Hà Nội, dự thảo Luật quy định: “Khi triển khai dự án phát triển đường giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền của thành phố Hà Nội phải đồng thời tổ chức thu hồi đất hai bên đường để sử dụng theo quy hoạch. Việc thu hồi đất trong trường hợp này được áp dụng như trường hợp thu hồi đất trong cùng dự án”.
Cả cảnh quan đô thị (nội thành) và nông thôn (ngoại thành) phải bảo đảm chất lượng không gian xanh chung của Thủ đô. Khu vực ngoại thành cần được quản lý và phát triển đúng hướng ngay từ đầu để tạo lập hành lang xanh cho toàn thủ đô trong tương lai.
Ngoài ra, để bảo tồn, tôn tạo và phát huy các hình thái kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt tại các quận nội đô lịch sử, dự thảo Luật giao UBND thành phố Hà Nội ban hành một số quy chế quan trọng, trong đó có quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị và nông thôn; quy chế cải tạo và kiểm soát phát triển khu vực trung tâm đô thị thủ đô; quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng về quy hoạch, kiến trúc đối với khu vực cải tạo, tái thiết đô thị tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Đây cũng là một điểm mới so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội khóa XII.
Về quản lý dân cư, dự thảo Luật Thủ đô đưa ra một số quy định khác với Luật cư trú hiện hành, trong đó quy định thêm một số điều kiện chặt chẽ hơn để người tạm trú được đăng ký thường trú tại nội thành.
Theo đó, người đang tạm trú ở nội thành được đăng ký thường trú ở nội thành khi đáp ứng đủ các điều kiện: “Có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 3 năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú”.
Quy định này chỉ áp dụng đối với người đang tạm trú ở nội thành, còn những trường hợp khác thì vẫn thực hiện theo quy định của Luật Cư trú.
Về xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo Luật quy định cho Hà Nội được phép áp dụng mức tiền phạt cao hơn, nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng ở nội thành trong 3 lĩnh vực là văn hóa, đất đai, xây dựng.
So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội khóa XII (đề xuất 6 lĩnh vực được phạt vi phạm hành chính cao hơn), dự thảo Luật lần này chỉ giữ lại 3 lĩnh vực nêu trên, vì Luật Xử lý vi phạm hành chính mới được Quốc hội thông qua đã cho phép các thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có Hà Nội, quy định mức tiền phạt cao hơn (nhưng không quá 2 lần) mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định trong 3 lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường và giao thông.
Đặc biệt, về chính sách, cơ chế về tài chính - vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội khóa XII chưa đồng tình cao - dự thảo Luật lần này đã bỏ quy định phân bổ mức chi ngân sách cao hơn các địa phương khác; bỏ quy định cho phép Thủ đô được sử dụng toàn bộ khoản thu ngân sách Trung ương vượt dự toán; bổ sung khoản 1 mới theo hướng chỉ quy định nguyên tắc là “cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù đối với thủ đô được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước”.
- Xây dựng Bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh toàn diện, tinh gọn tổ chức bộ máy
- Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về các dự án Luật
- Tỉnh ủy Bạc Liêu ban hành Đề án kết thúc hoạt động cấp huyện
- Công ty Điện lực Bạc Liêu: Tập huấn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm năm 2025
- 35 thí sinh tranh tài tại Hội thi Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh