Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Uy tín - đức tính không thể thiếu ở người lãnh đạo
Tôi còn nhớ, vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước, các nhà buôn nhỏ lẻ người Ấn Độ (còn gọi là Chà-và) thường vào vùng quê nước ta (có Cà Mau - Bạc Liêu quê tôi) để buôn bán các mặt hàng nhu yếu phẩm, vải vóc, lương khô…
Điều đáng nói là phần lớn các nhà buôn này sẵn sàng “bán chịu” (thiếu) cho người mua mà không hề có một loại giấy tờ gì để làm bằng chứng mà đôi khi đến cả năm sau họ mới quay lại lấy tiền. Người bán chỉ ghi vào sổ tay những thông tin cần thiết cho riêng mình (như mua gì, nhà ở đâu…). Người mua thì giữ chữ tín bằng tâm niệm “nếu ai sai hẹn thì Chà-và sẽ… thư sình bụng (bị ếm bùa)”. Chỉ có thế, hai bên mua - bán thỏa thuận rất đơn giản mà êm xuôi, chưa hề gặp trục trặc. Tương tự như vậy, người Hoa ở Nam Bộ cũng sẵn sàng cho khách hàng của mình nợ theo kiểu “gối đầu” khi họ tới hiệu buôn mua hàng, chỉ cần cam kết bằng… miệng (lời hứa) là xong!
Những cách mua bán, trao đổi nói trên là dựa vào chữ tín, là uy tín của cả bên bán lẫn bên mua. Uy tín ở đây là sự tin tưởng, là niềm tin của người này đối với người kia, là sự “giữ lời”, thực hiện lời hứa của đôi bên một cách tự nhiên, tự giác…
Từ chữ tín trong giao dịch, buôn bán kể trên - thử liên tưởng đến uy tín của người lãnh đạo, quản lý có gì tương đồng và vì sao uy tín lại có vị trí không thể thiếu trong lãnh đạo, quản lý...
Uy tín của người lãnh đạo được xây dựng trên cái nền niềm tin và sự tôn trọng. Uy tín là hai mặt cơ bản của uy và tín - nghĩa là uy quyền nhưng được người khác tín nhiệm. Uy quyền là quyền lực của người lãnh đạo do Nhà nước “cấp” để thực hiện nhiệm vụ được giao. Nó là “vốn liếng” ban đầu và là cơ sở để tạo ra cái… tín. Tín là cái vốn mà người lãnh đạo tự tạo ra cho mình trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Như vậy là có hai “nguồn vốn” - một của Nhà nước (nhưng chỉ của Nhà nước ban đầu), một là tự tạo nguồn. Uy tín của người lãnh đạo là sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố uy quyền và sự tín nhiệm. Thiếu một trong hai sẽ không có uy tín. Có uy mà không có tín thì không thể lãnh đạo được, sớm muộn thì người lãnh đạo cũng bị đào thải… Nhân đây cũng xin lưu lý trong việc bố trí, đề bạt cán bộ quản lý: Hãy tìm những cán bộ có tín, rồi mới giao uy quyền!
Trở lại vấn đề uy tín, nói một cách bài bản, sách vở là: Bất cứ người lãnh đạo nào cũng phải có uy tín. Chức vụ càng cao, uy tín càng lớn - đó là một đòi hỏi tự nhiên. Bởi uy tín là sự tín nhiệm mà người cán bộ có được bằng chính năng lực, phẩm giá và tài năng của mình trong thực thi nhiệm vụ được giao. Sự nỗ lực chủ quan của người cán bộ lãnh đạo trên cả hai mặt: phẩm chất - năng lực, là yếu tố quan trọng tạo nên uy tín của họ. Do vậy, trước hết người lãnh đạo phải gương mẫu, có lối sống trong sạch, tận tụy, hy sinh vì tập thể. Đã là cán bộ lãnh đạo, phải có tầm hiểu biết sâu rộng (ít nhất cũng “tương đương” chức vụ), có tinh thần trách nhiệm, có năng lực tổ chức, có quan hệ mật thiết, ứng xử có văn hóa với quần chúng nhân dân.
Uy tín của người lãnh đạo cần được quan tâm thường xuyên trong hoạt động quản lý, tổ chức. Vì uy tín như một yếu tố tâm lý xã hội quan trọng hàng đầu trong nghệ thuật quản lý. Nó có vai trò rất lớn đối với hoạt động thực tiễn của người lãnh đạo. Người lãnh đạo có uy tín càng cao thì ảnh hưởng của người đó đối với tổ chức càng lớn, sức thuyết phục đối với những người dưới quyền càng tăng lên.
Nói đến uy tín là nói tới sự ảnh hưởng của người lãnh đạo đến những người dưới quyền. Đó là sự ảnh hưởng được người khác thừa nhận và tôn trọng. Sự ảnh hưởng này sẽ là một yếu tố rất cần thiết đảm bảo cho người lãnh đạo thành công trong việc tổ chức, quản lý… Sự ảnh hưởng và sự thừa nhận ở người lãnh đạo vì nó được xây dựng trên cơ sở của trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, của các phẩm chất đạo đức, tính cách, phong cách lãnh đạo…
Như trên đã nói: Uy tín xuất phát từ giá trị niềm tin của tập thể, cộng đồng vào những việc làm, những thành công của “người sở hữu uy tín”. Nên uy tín không tự nhiên hình thành hoặc gầy dựng một cách khiên cưỡng, ép buộc, mà cá nhân hoặc tổ chức có uy tín phải nỗ lực, phấn đấu thật sự bằng tất cả tài năng, trí tuệ, nhiệt huyết, bằng sự cộng hưởng triệt để của tâm và tài mới có thể vươn lên khẳng định trong tổ chức, cộng đồng…
Uy tín là tiền đề và là điều kiện đảm bảo chắc chắn cho sự thành công trong công tác quản lý của người lãnh đạo. “Điều quyết định thành công trong lãnh đạo, quản lý không phải bởi sức mạnh của quyền hành mà là sức mạnh của uy tín, sức mạnh của nghị lực, của sự hiểu biết phong phú, của tài năng xuất sắc…” - Lênin đã khẳng định như vậy!
Nhưng cái gì làm nên uy tín? Như đã nói ở phần trên, uy quyền do Nhà nước “cấp”, còn tín do cá thể lãnh đạo phải tự tạo ra, tự xây dựng mà nên. Cái việc “tự tạo ra” cần chú ý trước hết là năng lực tổ chức. Đây là yếu tố quyết định tạo nên uy tín của người lãnh đạo.
Vì kết quả hoạt động của cá nhân, tổ chức phụ thuộc rất nhiều vào tài “chèo lái con thuyền” của người lãnh đạo. Người lãnh đạo cần rèn luyện, tu dưỡng các phẩm chất đạo đức: khách quan, sáng suốt trong mọi vấn đề - nhất là việc đánh giá sự việc cụ thể, sự khách quan đánh giá sẽ làm cho người thừa hành phấn khởi, yên tâm, tin tưởng vào người lãnh đạo. Công bằng trong khen thưởng, xử phạt sẽ động viên và ngăn ngừa những tiêu cực không đáng có. Sự quan tâm, thấu hiểu đến người khác, đến cấp dưới là phẩm chất cần thiết của người lãnh đạo. Thái độ quan tâm của người lãnh đạo sẽ tạo ra tình cảm ấm cúng trong quan hệ với các thành viên trong tập thể, động viên, khích lệ được họ làm việc. Tạo điều kiện cho mọi người phát triển và thăng tiến, giúp họ trong lúc khó khăn.
Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn một số lãnh đạo, quản lý mang phong cách gia trưởng, độc đoán, mệnh lệnh. Họ lầm tưởng những mệnh lệnh, độc đoán đó sẽ làm tăng uy tín, vị trí lãnh đạo của mình. Thái độ thô bạo của người lãnh đạo đối với cấp dưới như xúc phạm, lăng mạ… sẽ gây ra hậu quả khó lường.
Người lãnh đạo không nhất thiết là người có chuyên môn giỏi nhất, nhưng phải đủ ở mức độ thành thạo. Đó là yếu tố cần thiết để mọi người tin tưởng vào các quyết định của người đó. Người lãnh đạo không nhất thiết “cái gì cũng giỏi”, nhưng phải là người biết sử dụng “người giỏi hơn mình”, biết ủy quyền cho cấp dưới, phát huy được sức mạnh của tập thể để hoàn thành mục tiêu chung; khi đó sẽ nhận được sự ủng hộ của mọi người.
Uy tín người lãnh đạo là đức tính, là nhân cách của chính lãnh đạo được mọi người trong tập thể thừa nhận và tôn trọng. Nói đến uy tín là nói đến sự ảnh hưởng của người lãnh đạo đến người dưới quyền. Đó là sự ảnh hưởng được đón nhận một cách tự nhiên.
Uy tín là “giá trị linh hồn” của người lãnh đạo, quản lý.
N.N.K
(Bài có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp)
- Chính phủ tôn vinh, đối thoại Tổ công nghệ số cộng đồng
- Hội thao môn thực hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
- Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có người vi phạm nồng độ cồn
- Tổng kết Năm Dân vận khéo cấp tỉnh tại xã Ninh Quới A và kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng
- Họp mặt các doanh nghiệp nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam