Tiếp bước truyền thống cách mạng của cha anh

Thứ Tư, 15/02/2023 | 17:40

“Ra đi con quyết lập công” - đó là lời thề của hàng ngàn thanh niên tỉnh Bạc Liêu trước khi lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc thời bình. Trải qua lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với chiến công 2 lần giành chính quyền không đổ máu, đem lại độc lập, tự do, thống nhất cho quê hương, đất nước, giờ đây các thế hệ cháu con ở Bạc Liêu tiếp bước truyền thống cách mạng quê nhà, hăng hái thực hiện nghĩa vụ công dân để duy trì nền hòa bình, ổn định, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại.

Bài 1: Noi gương người đi trước

Chỉ tính từ khi thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, đã có hàng ngàn thanh niên tỉnh nhà được cách mạng giác ngộ, tình nguyện viết đơn tòng quân, tham gia xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân (CAND), bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Lãnh đạo UBND tỉnh quàng chiếc khăn rằn truyền thống cho thanh niên lên đường nhập ngũ.

TRUYỀN THỐNG “2 LẦN GIÀNH CHÍNH QUYỀN KHÔNG ĐỔ MÁU”

Bạc Liêu là vùng đất mới, được khai phá muộn màng trong tiến trình dựng nước của dân tộc, nhưng là một trong số những đảng bộ được thành lập khá sớm với phong trào cách mạng phát triển mạnh trong khu vực. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ tỉnh luôn phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hiểm nguy, khẳng định vai trò của mình trong vận dụng sáng tạo đường lối, chiến lược và sách lược cách mạng của Đảng, phát huy và tổ chức phong trào cách mạng ở địa phương.

Trong tiến trình đó, Đảng bộ không ngừng trưởng thành, lãnh đạo Nhân dân trong tỉnh giành chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945 không đổ máu. Và 30 năm sau, lịch sử tái hiện như “sự kỳ diệu” về sự linh hoạt, tính sáng tạo, quyết đoán, khôn khéo của Đảng bộ, giải phóng Bạc Liêu vào ngày 30/4/1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất non sông.

Truyền thống đánh giặc giữ nước ấy là niềm tự hào của toàn Đảng bộ, Nhân dân Bạc Liêu, được lưu giữ, truyền lại cho hậu thế qua các trang sử, buổi sinh hoạt “Tiếp lửa truyền thống” và trong từng lời kể của cha ông.

Lễ giao - nhận quân năm 2023 tại huyện Hòa Bình. Ảnh: N.Q

SỰ TIẾP NỐI CỦA THẾ HỆ HÔM NAY

Nghe tin có đoàn cán bộ xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) đến thăm, động viên cháu nội trước khi lên đường nhập ngũ, cụ bà Bùi Thị Thời (87 tuổi) lần giường từ nhà dưới đi lên, ngồi trò chuyện. Cụ nhắc lại truyền thống cách mạng của gia đình để một lần nữa căn dặn cháu nội Nguyễn Phi Phàm (23 tuổi, ấp Bào Sen, xã Châu Thới) phải noi theo, phấn đấu trở thành một chiến sĩ Quân đội tốt. Ông nội của Phi Phàm từng nuôi chứa cán bộ, bị địch bắt, tù đày nơi Côn Đảo, bà nội là thương binh trong kháng chiến chống Mỹ. Cha và bác của em từng anh dũng cầm súng thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia.

Còn Phi Phàm thì chia sẻ, trước năm 2022, khi còn sống, ngày nào ông nội cũng kể chuyện chiến tranh cho cháu nghe. Từ những tiết học lịch sử trong nhà trường, thước phim tư liệu về đề tài kháng chiến trên truyền hình đến những câu chuyện chân thật do chính nhân chứng sống kể lại đã dần bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước trong sâu thẳm con tim và khối óc của chàng thanh niên Phi Phàm.

Cách nay 3 năm, sau khi học xong lớp 11, Phi Phàm cùng gia đình lên TP. Hồ Chí Minh làm việc trong một nhà máy. Tích lũy được ít vốn liếng, em đã được cha mẹ định hướng cưới vợ, yên bề gia thất, sau khi Phi Phàm đưa bạn gái về ra mắt bạn gái với người trong nhà. Cũng lúc ấy, Phi Phàm nhận được giấy báo trúng tuyển nghĩa vụ quân sự từ quê nhà gửi lên. Qua trao đổi với cha mẹ và bạn gái, việc hôn sự tạm gác lại, cả gia đình cùng Phi Phàm về xã nhà Châu Thới để tiễn con lên đường thực hiện nghĩa vụ vinh quang của một công dân.

MUỐN TRỞ THÀNH CHIẾN SĨ CAND

Cũng cùng tuổi với Phi Phàm, em Trần Cao Duy (ấp Công Điền, xã Châu Thới) lại có mong muốn phục vụ lâu dài trong lực lượng CAND. Cao Duy vừa lấy bằng đại học Công nghệ thông tin, song thay vì tìm kiếm một chỗ làm, em lại chọn viết đơn tình nguyện thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. Nói về quyết định của mình, Cao Duy bày tỏ: “Em muốn được rèn luyện nhiều hơn và từ nhỏ em đã mê làm Công an. Nếu may mắn được trở thành một sĩ quan Công an, em có thể phát huy kiến thức, kỹ năng của mình để bảo đảm an ninh mạng, duy trì hệ thống máy vi tính cho đơn vị”.

Cha của Cao Duy, ông Trần Văn Tám - Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Thới thông tin thêm: Trong nhà cũng có người thân làm Công an, bạn bè cũng từng là chiến sĩ nghĩa vụ tại Công an huyện Vĩnh Lợi nên Cao Duy hiểu đôi chút về công việc của một chiến sĩ CAND. Vào Công an sẽ được học tập chính trị, tìm hiểu về Đảng, huấn luyện kỹ năng, rèn luyện thể lực và được sống, làm việc trong môi trường tập thể, phục vụ Nhân dân. Góp nhặt những hiểu biết ấy đã hình thành nên con đường, lý tưởng cách mạng của người thanh niên Trần Cao Duy.

Bạc Liêu vừa cùng cả nước hoàn thành công tác giao - nhận quân năm 2023. Hơn 1.190 thanh niên tỉnh nhà tự hào tiếp bước truyền thống cha anh lên đường nhập ngũ. Đó vừa là thực hiện nghĩa vụ công dân đối với Tổ quốc, vừa đáp đền những cống hiến, hy sinh của người đi trước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ giang sơn. Dưới ánh sáng của đài lửa truyền thống và tiếng trống tòng quân rộn ràng, các thanh niên nguyện tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, nhanh chóng hòa nhập trong môi trường mới, ra sức học tập và rèn luyện, hoàn thành nhiệm vụ được giao để xứng đáng với lòng tin cậy của lãnh đạo Đảng, chính quyền và của người thân, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân, CAND, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

NGUYỄN QUỐC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.