Thực hiện Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy: Mong chờ những đột phá về giao thông

Thứ Hai, 17/01/2022 | 17:22

Với quyết tâm tạo nên những đột phá, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về kinh tế và đẩy mạnh hơn nữa liên kết vùng, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết 11 về phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây được xác định là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong thực hiện 3 đột phá chiến lược của cả nhiệm kỳ và tạo nên những tiền đề, động lực cho Bạc Liêu tăng tốc.

Mở rộng lộ giao thông nông thôn ở huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: L.D

NHIỀU THÀNH TỰU QUAN TRỌNG

Nhìn lại bức tranh Bạc Liêu qua 25 năm xây dựng và phát triển mới thấy hết những nỗ lực và quyết tâm không ngừng của toàn Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh. Năm 2017, Bạc Liêu “ra riêng” với hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) gặp nhiều khó khăn, cả tỉnh chỉ có vài tuyến đường chính kết nối các địa phương, đặc biệt là hệ thống giao thông bộ, hạ tầng phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp gần như chưa có gì. Trong đó, có nhiều tuyến giao thông chưa kết nối được các xã với trung tâm huyện; các xã nằm ở phía Bắc Quốc lộ 1A, giao thông thủy vẫn là phương tiện chính.

Thế nhưng, qua 25 năm tập trung huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị gắn với tranh thủ các nguồn vốn, chương trình đầu tư từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, hạ tầng KT-XH của tỉnh từng bước được đầu tư và phục vụ tốt cho phát triển. Đơn cử như 5 năm qua, Bạc Liêu đã huy động và đầu tư hơn 20 ngàn tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng, qua đó, cơ bản hoàn thành các tuyến đường giao thông huyết mạch, mạng lưới giao thông đường bộ được kết nối với các tuyến quốc lộ, đường đê biển và đường về trung tâm 64/64 xã, phường, thị trấn. Mạng lưới giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh được kết nối với các tỉnh khu vực ĐBSCL và biển Đông. Một số dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời kết hợp nuôi tôm công nghiệp và điện mặt trời áp mái đã hoàn thành. Các dự án cấp điện nông thôn đưa vào khai thác, sử dụng, đáp ứng yêu cầu cấp điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của Nhân dân. Hệ thống kênh trục, kênh cấp I và kênh cấp II đáp ứng cơ bản việc cấp, thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Hệ thống đê biển, kè sông từng bước được đầu tư hoàn thiện, giảm thiểu các tác động nguy hiểm của thiên tai, bảo vệ đời sống và sản xuất của Nhân dân. Hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư, trung tâm thương mại, chợ được đầu tư, đáp ứng nhu cầu nhà ở, tạo điều kiện mở rộng và phát triển không gian đô thị. Hạ tầng đô thị từng bước được đầu tư, chỉnh trang theo hướng xanh - sạch - đẹp, văn minh, hiện đại. Hạ tầng thông tin liên lạc, công nghệ thông tin, phát thanh - truyền hình, các công trình văn hóa, thể thao, du lịch, điện chiếu sáng, nước sạch sinh hoạt được đầu tư đáp ứng nhu cầu của Nhân dân…

Đầu tư lưới điện nông thôn ở huyện Đông Hải.

ĐỪNG ĐỂ BẠC LIÊU BỊ “CÔ ĐƠN”!

Phải khẳng định rằng, việc đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH tuy quan tâm đầu tư, nhưng nhìn một cách tổng thể thì Bạc Liêu sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Một trong những thách thức ấy chính là khả năng “kết nối” của Bạc Liêu chưa cao, nhất là khu vực phía Nam Quốc lộ 1A vốn được xem là vùng kinh tế năng động bậc nhất của tỉnh gắn với vùng chuyên canh tôm công nghệ cao, các dự án điện gió và cả phát triển kinh tế biển… Thế nhưng, cả khu vực này ngoài đường biển thì giao thông đường bộ kết nối với các địa phương khác chỉ có con đường độc đạo là tuyến Quốc lộ 1A! Bởi các tuyến cao tốc và các tuyến giao thông trọng điểm trong liên kết vùng kết nối Bạc Liêu với các tỉnh khu vực ĐBSCL đều giáp với vùng Bắc Quốc lộ 1A. Do vậy, Bạc Liêu phải có một chiến lược về phát triển giao thông trục ngang kết nối với các tuyến giao thông trọng điểm này với vùng Nam. Cũng như Bạc Liêu phải tự tạo ra khả năng kết nối cho mình khi tỉnh chưa có tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn.

Trên thực tế, Bạc Liêu đã vấp phải khó khăn này từ nhiều năm trước, khi tuyến giao thông Quản lộ - Phụng Hiệp đưa vào vận hành, các chuyến xe vận tải hàng hóa đều không vào địa phận Bạc Liêu mà chạy thẳng về Cà Mau, thậm chí các tua du lịch cũng không vào trung tâm TP. Bạc Liêu. Điều đó đã và sẽ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thu hút đầu tư khi hệ thống giao thông còn bị nghẽn! Nhất là “thủ phủ” ngành tôm sẽ gặp khó khi bài toán chi phí sản xuất, giá thành và khả năng kết nối trong lưu thông hàng hóa bị hạn chế; Bạc Liêu sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh khi các tỉnh giáp ranh hội tụ được các lợi thế này và họ cũng có diện tích, sản lượng tôm nuôi lớn, nhất là tỉnh Cà Mau và Sóc Trăng.

Ngoài khó khăn về giao thông, Bạc Liêu còn hàng loạt các khó khăn khác về mặt hạ tầng cần phải tập trung và dồn lực đầu tư như: lưới điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, cung cấp điện cho các trạm bơm để phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của dân cư nông thôn còn thiếu. Việc đầu tư kè chống sạt lở theo kịch bản nước biển dâng và các đợt triều cường gây ngập lụt và xâm nhập mặn chưa đáp ứng được yêu cầu. Công trình đê biển Đông chưa được khép kín, các hệ thống kênh bị bồi lắng nhanh. Các công trình kè Gành Hào, kè Nhà Mát vẫn còn nhiều khu vực tiếp tục bị sạt lở...

Để giải quyết những khó khăn này, từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Bạc Liêu sẽ tập trung và tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, từng bước đồng bộ, hiện đại, nhằm thực hiện có hiệu quả 5 trụ cột phát triển KT-XH của tỉnh và 3 đột phá mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần (thứ XVI) đã xác định, góp phần thúc đẩy liên kết vùng, thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa đô thị và nông thôn với quyết tâm đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2030.

LƯ TRUNG

* Nguyễn Huy Dũng - Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải: Đề xuất các tuyến đường huyết mạch của Bạc Liêu vào quy hoạch

Thực tiễn đã chứng minh, phát triển kết cấu hạ tầng là động lực quan trọng cho phát triển KT-XH đã được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhất là các nghị quyết chuyên đề về phát triển kết cấu hạ tầng, Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) sẽ tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh các nhiệm vụ và giải pháp sau:

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan Trung ương tham mưu đề xuất các tuyến đường huyết mạch của tỉnh Bạc Liêu vào quy hoạch phát triển giao thông đường bộ và đường thủy nội địa của vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bạc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm cơ sở triển khai đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, đề xuất Chính phủ, Bộ GT-VT đầu tư và hỗ trợ nguồn lực, kết hợp với xã hội hóa để tỉnh đầu tư các tuyến giao thông liên kết vùng như: đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Bạc Liêu - Hà Tiên; tuyến đường ven biển và đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu); nâng cấp các tuyến Quốc lộ 1A (bao gồm: xây dựng tuyến tránh thị trấn Hòa Bình và TX. Giá Rai), Nam sông Hậu; đường tỉnh ĐT.980 Gành Hào - Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền nối với đường Hồ Chí Minh; đường Phước Long - Ba Đình... Đồng thời, nạo vét thông luồng và nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh như: sông Bạc Liêu - Cà Mau, Quản Lộ - Phụng Hiệp, cửa biển Gành Hào. Phối hợp tốt với các bộ, ngành Trung ương để tổ chức triển khai tốt các dự án này trong giai đoạn 2021 - 2025.

Song song đó, phối hợp tốt với các sở, ban ngành tham mưu cho UBND tỉnh huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch nhằm giảm áp lực cho ngân sách. Ưu tiên kêu gọi đầu tư những công trình giao thông mang tính đột phá như: Các tuyến đường giao thông kết nối với các tuyến cao tốc, quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, Cảng biển Gành Hào; Bến xe Bạc Liêu, bãi đổ xe Tắc Sậy... để thúc đẩy liên kết vùng ĐBSCL và chủ động thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu và góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh vùng biển và ven biển của tỉnh…

* Trần Thanh Mến - Bí thư Huyện ủy Đông Hải: Huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng

Nhằm thực hiện tốt các đột phá và Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về phát triển kết cấu hạ tầng gắn với phát triển kinh tế biển, BCH Đảng bộ huyện Đông Hải đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 7 về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng, từng bước hoàn thành các tiêu chí để huyện trở thành thị xã.

Theo đó, Đông Hải sẽ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên cơ sở thực hiện tốt quy hoạch và quản lý quy hoạch, chú trọng công tác xây dựng kế hoạch, công tác chuẩn bị đầu tư theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, xác định dự án ưu tiên đầu tư; thực hiện tốt việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để đảm bảo tiến độ của dự án. Đồng thời, huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội và thu hút các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài cho phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH. Cũng như dành vốn nhà nước tập trung đầu tư vào các công trình thiết yếu, quan trọng, khó huy động các nguồn lực xã hội.

Đặc biệt về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, huyện sẽ tập trung hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường Hộ Phòng - Gành Hào, nâng cấp mở rộng tuyến đường An Trạch - Định Thành - An Phúc. Xây dựng, nâng cấp tuyến đường Trường Điền - Châu Điền và xây dựng mới đoạn từ nút giao nhau đường Giá Rai - Gành Hào nối ra đê biển Đông. Nâng cấp, mở rộng tuyến đường đê Biển Đông (từ cống Cái Cùng, xã Long Điền Đông đến chùa Linh Ứng, xã Điền Hải)…

Cùng với đó là ưu tiên đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng một số tuyến đường theo quy hoạch đã được duyệt như: Tuyến đường số 49: Long Điền - Long Điền Tây (cầu Thạnh Trị - kênh Đường Đào - ngã ba Khâu); tuyến đường số 57: Phan Mầu - Cả Xu - Tắc Vân; tuyến đường số 53: An Trạch - An Phúc (Bửu Buối - Hiệp Vinh - dọc theo kênh 9 căn - ngã 3 Long Phú) và mở rộng, nâng cấp các tuyến đường về trung tâm xã, ấp liên ấp…

Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp cận các dự án động lực, vận dụng các cơ chế, chính sách để mời gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh như: Đầu tư xây dựng cầu Tam Bô (kết nối xã Định Thành, huyện Đông Hải với xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi); cầu Vàm Xáng (kết nối tuyến đường An Phúc - Gành Hào với tuyến đường Gành Hào - Hộ Phòng). Ưu tiên đầu tư nâng cấp các công trình giao thông quan trọng trong hệ thống giao thông. Kết hợp phát triển hạ tầng giao thông đường bộ với phát triển một số lĩnh vực khác như: thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu, kết hợp giữa phát triển giao thông với xây dựng nông thôn mới…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.