Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Tăng cường tiếng Việt: Giúp trẻ em dân tộc thiểu số phát triển toàn diện
Việc tăng cường tiếng Việt (TCTV) cho trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ đối với cá nhân trẻ mà còn đối với cộng đồng xã hội. Việc học tiếng Việt ngoài giúp trẻ phát triển ngôn ngữ còn góp phần rèn luyện các kỹ năng như: tư duy, trí nhớ, khả năng giao tiếp, từ đó tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần.
Học sinh Trường mẫu giáo Vàng Anh (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) biểu diễn điệu múa gáo dừa truyền thống của đồng bào Khmer.
Khi thành thạo tiếng Việt, trẻ có cơ hội tiếp cận với nguồn kiến thức rộng lớn hơn, dễ dàng hòa nhập với cộng đồng, tham gia vào các hoạt động xã hội và xây dựng các mối quan hệ. Vì thế, ngành Giáo dục Bạc Liêu, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non (CSGDMN) đã luôn quan tâm TCTV cho trẻ, nhất là trẻ em DTTS.
Dán nhãn đồ dùng dạy học chữ Việt và chữ Khmer
Trong năm 2023 và 2024, UBND tỉnh đã cấp 13,4 tỷ đồng để ngành Giáo dục thực hiện Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Số tiền này được sử dụng để bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện đại, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục tại các CSGDMN vùng DTTS.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT đã triển khai danh mục tài liệu TCTV cho trẻ DTTS, cung cấp đa dạng các loại tài liệu, học liệu, tranh ảnh, băng đĩa do Bộ GD-ĐT biên soạn. Nhờ đó, các trường mầm non có thêm nhiều nguồn tài liệu chất lượng để phục vụ công tác giảng dạy.
Song song với đó, các trường mầm non có trẻ DTTS đã tích cực sưu tầm và tận dụng các tài liệu, văn hóa địa phương, các tác phẩm văn học dân gian (truyện, thơ, câu đố, bài hát…) của người DTTS làm học liệu cho trẻ. Đồng thời, khuyến khích giáo viên sáng tạo, tự làm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên vật liệu có sẵn ở địa phương để vừa tiết kiệm chi phí vừa tạo ra những sản phẩm độc đáo, phù hợp với văn hóa địa phương, góp phần thu hút sự ham thích đi học của trẻ DTTS.
Đa số các CSGDMN vùng DTTS đã xây dựng môi trường học tập trong lớp học khá tốt. Các góc/khu vực hoạt động khoa học được bố trí phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo an toàn và kích thích sự khám phá của trẻ. Phương tiện, đồ dùng, đồ chơi được sắp xếp hợp lý, có dán nhãn bằng cả tiếng Việt và tiếng Khmer để hỗ trợ trẻ trong tiến trình học tập và vui chơi. Hệ thống giá kệ, bàn ghế được thiết kế phù hợp với độ tuổi và thể trạng của trẻ, đảm bảo an toàn. Các góc chơi được trang trí sinh động, hấp dẫn, tạo không gian học tập lý tưởng.
Trường mầm non Hoa Sen (Phường 7, TP. Bạc Liêu) tổ chức đưa trẻ viếng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi).
Xây dựng thư viện đạt chuẩn
Đặc biệt, hầu hết các trường, lớp đều bố trí góc thư viện, cung cấp cho trẻ nhiều loại sách báo, truyện tranh phù hợp với lứa tuổi. Tỉnh phấn đấu đến năm 2027, tất cả CSGDMN trên địa bàn có phòng thư viện đạt chuẩn theo quy định. Điều này không chỉ giúp trẻ làm quen với sách vở từ sớm mà còn góp phần hình thành thói quen đọc sách, phát triển ngôn ngữ và tư duy cho trẻ.
Môi trường cho trẻ hoạt động ngoài trời tại các CSGDMN vùng DTTS đã có nhiều cải thiện đáng kể. Hệ thống chữ viết, ký hiệu bằng tiếng Việt được bố trí rộng rãi, giúp trẻ làm quen với chữ cái một cách tự nhiên. Các khu thư viện thân thiện được thiết kế phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ tiếp xúc với sách báo. Đặc biệt, Trường mầm non Hoa Hồng (huyện Hòa Bình) đã đi đầu với việc xây dựng thư viện số ngay tại khu vực sân chơi, mang đến những trải nghiệm đọc sách mới lạ cho trẻ.
Các trò chơi dân gian, ca dao, đồng dao được các giáo viên tích cực ứng dụng, tạo không khí vui tươi, gần gũi và giúp trẻ phát triển ngôn ngữ một cách hiệu quả. Do đặc điểm đa số trẻ trong lớp là người Kinh và giáo viên cũng là người Kinh, nên môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt rất thuận lợi. Ngoài ra, việc trẻ sống hòa đồng với cộng đồng người Việt cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao tiếp và học hỏi ngôn ngữ.
Đồ dùng dạy học ở Trường mầm non Họa Mi (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) được dán nhãn bằng cả chữ Việt và chữ Khmer. Ảnh: N.Q
Giao tiếp song ngữ
Để đa dạng hóa môi trường học tập, các CSGDMN đã xây dựng các khu vực trải nghiệm thân thiện, phù hợp với điều kiện thực tế và văn hóa địa phương như: vườn cổ tích, chợ quê, khu phát triển vận động, khu vui chơi giao thông, sân khấu ngoài trời… Các khu vực này được thiết kế hấp dẫn, tạo điều kiện cho trẻ tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, giao tiếp tiếng Việt một cách tự nhiên và hứng thú.
Môi trường xã hội tại các CSGDMN vùng DTTS được đặc biệt quan tâm. Các trường thực hiện TCTV một cách bài bản, lồng ghép vào toàn bộ chương trình giáo dục mầm non. Qua các hoạt động đa dạng, trẻ được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, hình thành thói quen đọc sách và yêu thích văn học. Đồng thời, các kỹ năng ngôn ngữ cơ bản như: nghe, nói, tiền đọc, tiền viết cũng được chú trọng, tạo nền tảng vững chắc cho trẻ khi vào lớp 1.
Trẻ được sống trong một môi trường giàu ngôn ngữ, thường xuyên được giao tiếp bằng cả tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ. Hoạt động đọc sách song ngữ tại Trường mầm non Hướng Dương (huyện Hòa Bình) là một ví dụ điển hình, giúp trẻ làm quen với cả hai ngôn ngữ một cách tự nhiên. Môi trường xã hội hòa đồng, không phân biệt dân tộc đã tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ phát triển toàn diện về cả thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.
Tình hình TCTV cho trẻ em DTTS ở tỉnh Bạc Liêu đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn những thách thức cần được giải quyết. Để đạt được mục tiêu đặt ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các cơ sở giáo dục, cộng đồng và gia đình.
Mạnh Quân
Theo số liệu thống kê, hiện nay có 20 trường mầm non với tổng cộng 224 nhóm lớp, chăm sóc và giáo dục 6.336 trẻ em thuộc vùng DTTS.
Đối với nhóm trẻ, có 21 nhóm với 425 trẻ DTTS; còn với lớp mẫu giáo, có 203 lớp với 5.911 trẻ DTTS, trong đó tỷ lệ trẻ mẫu giáo người DTTS ra lớp 1 chiếm 74%.
Về việc TCTV, tất cả 1.481 trẻ em đã được tham gia các hoạt động, hoàn thành tốt mục tiêu đề ra.
- Chủ động ứng phó triều cường và xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025
- Hội nghị báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số khu vực phía Nam
- TP. Bạc Liêu: Khởi công xây dựng 18 căn nhà thuộc Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”
- Vô tư chạy xe máy “đầu trần” trong trung tâm xã
- Cảnh giác với thủ đoạn cắt, ghép hình ảnh, video “nhạy cảm” để cưỡng đoạt tài sản