Tấm lòng người dân xã Châu Thới với Bác Hồ

Thứ Sáu, 16/05/2025 | 16:17

Khoảng 40 năm về trước, tại vùng quê giàu truyền thống cách mạng Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi), một công trình không chỉ mang ý nghĩa giao thông mà còn chất chứa tình cảm sắt son của cán bộ, quân và dân nơi đây dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tạo dựng. Đó là con đường dài gần 3km, nối từ cầu Chữ Y (cầu xã Châu Thới) dẫn vào Đền thờ Bác Hồ kính yêu, được hình thành hoàn toàn bằng ý chí, sức người và tinh thần đoàn kết.

Tuyến đường liên xã khang trang, xanh mát - đường 19 tháng 5.

CON ĐƯỜNG “Ý ĐẢNG - LÒNG DÂN”

Trong kháng chiến, người dân Châu Thới đã vượt lên mọi sự kiểm soát, ngăn cản của các đồn bót bao quanh để xây dựng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và sau này, thời kỳ bao cấp, chủ trương làm một con đường dẫn vào Đền thờ Bác đã được Chi bộ xã Châu Thới với 13 đảng viên (sau này là Đảng bộ xã Châu Thới) vạch ra.

Khắp nơi, từ cán bộ đến người dân, tất cả như hòa chung một nhịp đập, một ý chí sắt đá: dốc toàn bộ sức lực cho con đường sắp hình thành. Dưới sự xông xáo đầy nhiệt huyết của những người trong Xã đội, mà tiêu biểu là ông Ba Đường, từng mét đường tương lai được đo đạc, định tuyến một cách tỉ mỉ. Không máy móc hiện đại, chỉ có sợi dây lụa mềm mại (dây bao, dây tép) và những công cụ thô sơ nhất, nhưng chứa đựng biết bao hy vọng và tính toán chi li cho con đường dài gần 2,8km, rộng 3m với mặt đường 2m, nối liền cầu xã thân thuộc với Đền thờ linh thiêng.

Cuộc chạy đua với thời gian bắt đầu ngay trong mùa khô khắc nghiệt. Mỗi người đều hiểu, con đường phải hoàn thành theo tiến độ thời gian trước khi mùa mưa kéo đến, cuốn trôi đi mồ hôi và công sức. Đây không chỉ là chỉ tiêu, mà là lời hứa thiêng liêng, là minh chứng sống động nhất cho “ý Đảng - lòng Dân” hòa quyện. Mỗi dân công đảm trách chỉ tiêu 3m đường, còn bà con dân chính ấp, anh em du kích, bên cạnh nhiệm vụ vận động còn tự nguyện nhận đào đắp 1,5m. Từng thước đất được đắp lên không chỉ bằng sức lực mà còn bằng cả trái tim.

Hình ảnh Bí thư Đảng ủy xã Châu Thới - Lê Thị Đầm (còn gọi là Út Dân, nay đã 90 tuổi) lúc ấy thật giản dị nhưng lay động lòng người. Không chỉ giữ vai trò chỉ đạo, cô Út Dân còn xắn cao tay áo tham gia cùng với bà con, tận tay xách từng gàu nước mát từ giếng lên cho mọi người giải khát giữa trưa nắng gắt. Lời cô kể lại mộc mạc mà sâu sắc: “Tôi học chỉ hết lớp 5 trường làng, nên biết rằng nói suông chẳng bằng làm thật. Cứ kiên trì mà làm cùng dân, rồi nhờ dân mình kêu gọi dân mình. Thấy mình làm thật, thấy cái lợi trước mắt, dân tin, dân thương, thế là cả xóm cùng làm và công trình hoàn nhanh như gió!”. Đó là bài học về lòng tin và sức mạnh của sự gương mẫu, lan tỏa ngọn lửa nhiệt huyết đến từng ngõ ngách.

Đồng chí Lê Thị Đầm - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) kể về quá trình làm đường dẫn từ trung tâm xã Châu Thới vào Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: N.Q

Giữa bạt ngàn đất đai, không một tiếng máy reo. Tất cả chỉ dựa vào những công cụ còn thô sơ hơn cả giấc mơ: cây cuốc, cây vá quen thuộc và cả những chiếc bao tải đơn sơ biến thành cáng, oằn mình cõng đất. Mồ hôi thấm xuống đất, hòa quyện vào từng vá đất được đào lên. Công trường không nghỉ, cả ngày lẫn đêm. Dưới ánh đèn dầu leo lét và vầng trăng chênh chếch, những bóng người vẫn miệt mài, cần mẫn. Ánh mắt lấp lánh mồ hôi, nụ cười bừng sáng niềm tin. Có những gia đình, từ ông bà đến con cháu, tất cả cùng ra công trường. Tình làng nghĩa xóm, tình thân gia đình, tất cả như hòa quyện, tiếp thêm sức mạnh cho nhau.

Và rồi, sau những tháng ngày ròng rã, không ngơi nghỉ, con đường đất đen nặng nghĩa tình dần hiện ra, vững chãi dẫn lối vào Đền thờ Bác kính yêu. Đó không chỉ là con đường, đó là những đóng góp từ công sức lao động, từ ý chí và lòng dân. Song hành cùng con đường huyền thoại ấy, một con mương xổ phèn cũng uốn lượn theo, như người bạn đồng hành thủy chung. Con mương không chỉ thoát nước cứu lúa, cứu đồng, mà còn tô điểm thêm cho con đường, làng quê thêm đẹp và cuộc sống mưu sinh giản dị, ấm no của người dân.

ĐƯỜNG 19 THÁNG 5 - TUYẾN ĐƯỜNG HUYẾT MẠCH

Con đường đất năm xưa ra đời từ mồ hôi, công sức và sự hiến dâng của hàng ngàn người dân Châu Thới, đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đi lại, thăm viếng Đền thờ Bác trong những năm tháng khó khăn. Ngày nay, con đường đó đã được nâng cấp, mở rộng và mang tên đường 19 tháng 5 - tên gọi thiêng liêng gắn liền với ngày khánh thành Đền thờ và ngày sinh của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Đường 19 tháng 5 giờ đây là tuyến đường huyết mạch khang trang, sạch đẹp, nối liền Quốc lộ 1A, trung tâm xã với Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuyến đường không chỉ phục vụ giao thông, phát triển kinh tế - xã hội mà còn là con đường của ký ức, của lòng biết ơn, là bài học lịch sử quý giá về tinh thần đoàn kết, vượt khó và tình yêu Bác. Sự quan tâm đầu tư, chỉnh trang tuyến đường thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền và tình cảm của Nhân dân Bạc Liêu trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của di tích đặc biệt này.

Trong các dịp lễ lớn, đặc biệt là ngày 19 tháng 5 hằng năm, đường 19 tháng 5 lại tấp nập dòng người về thăm viếng Đền thờ, tưởng nhớ Bác. Ngày nay, “Đảng bộ, Nhân dân huyện Vĩnh Lợi dốc lòng, gắng sức làm theo Bác, xây dựng khối đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp để xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp, góp phần thực hiện mong ước của Bác về một đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, đồng chí Trương Thanh Nhã - Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi báo công với Bác tại Đền thờ. Lời hứa ấy không chỉ vang vọng trong không gian Đền thờ mà còn như tiếp thêm sức sống cho con đường 19 tháng 5 - con đường của quá khứ hào hùng, hiện tại đổi mới và tương lai tươi sáng.

Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ ngày con đường đất đầu tiên được hình thành bằng ý chí và sức lao động của Nhân dân Châu Thới. Con đường ấy cùng với Đền thờ Bác Hồ mãi là biểu tượng sống động của lòng kính yêu Bác vô bờ bến, tinh thần cách mạng quật cường và truyền thống đoàn kết, “ý Đảng - lòng Dân” tại vùng đất Vĩnh Lợi anh hùng, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.