Chính trị
TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẢNG CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2025 - 2030
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)
“Phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”
“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” là đạo lý ngàn đời của dân tộc ta. Hàng năm, cứ đến ngày kỷ niệm đặc biệt 27/7 - Ngày Thương binh liệt sĩ, thì mỗi chúng ta đều hướng lòng biết ơn tới những người đã hy sinh, những người đã cống hiến một phần xương máu của mình để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc như lời Bác Hồ kính yêu đã căn dặn “phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.
Đầu năm 1946 “Hội giúp binh sĩ bị nạn” sau đổi là “Hội giúp binh sĩ bị thương” được thành lập ở Hà Nội và một số địa phương khác. Bác Hồ là Hội trưởng danh dự của Hội. Chiều 17/11/1946, tại Nhà hát lớn ở Hà Nội, Hội Liên hiệp Quốc dân việt Nam tổ chức buổi lễ quyên góp quần áo, giày, mũ, cho chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ”. Buổi lễ vinh dự được đón Bác Hồ và các thành viên trong Chính phủ tới dự, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét của mình đang mặc để tặng binh sĩ.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (tháng 12/1946), chiến tranh ngày càng lan rộng, số người bị thương, hy sinh tăng lên, đời sống của chiến sĩ gặp nhiều khó khăn thiếu thốn. Trước tình hình ấy, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sĩ, nhằm góp phần ổn định cuộc sống vật chất, tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến. Tháng 6/1947, Bác đề nghị chọn một ngày trong năm làm Ngày Thương binh liệt sĩ toàn quốc và là dịp để Nhân nhân cả nước tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái và yêu mến thương binh, gia đình liệt sĩ.
Thực hiện Chỉ thị của Bác, một Hội nghị trù bị được tổ chức tại xã Phú Minh (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Tại Hội nghị này, đại biểu các cơ quan, ban ngành Trung ương, khu, tỉnh nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày 27/7 hàng năm làm Ngày Thương binh liệt sĩ toàn quốc. Ngày 27/7, một cuộc mít-tinh lớn đã diễn ra tại Thái Nguyên, với sự tham gia của khoảng 2.000 người. Tại đây Ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước, trong đó có đoạn: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đã chịu ốm yếu… Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.
Về sau, cứ đến ngày 27/7 hàng năm, Bác Hồ không chỉ có thư thăm hỏi mà còn gửi quà cho thương binh và gia đình liệt sĩ. Ngày 3/10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Bộ Thương binh - Cựu binh (tiền thân của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội ngày nay). Sắc lệnh này là cơ sở để thực hiện đồng bộ trên cả nước về chế độ, chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước, Nhân dân đối với những người có công với Tổ quốc.
Tháng 7/1951, Người phát động phong trào “Đón thương binh về làng”, với nội dung: “Chính quyền, đồng bào và các đoàn thể nhân dân trong mỗi xã phải tùy theo cố gắng và khả năng chung của mỗi xã mà đón một số anh em thương binh… với lòng hăng hái và cố gắng của đồng bào, với sự nỗ lực của cán bộ chính quyền và đoàn thể các địa phương, tôi tin chắc rằng công việc đón anh em thương binh về làng có kết quả tốt đẹp”.
Khi trở về thủ đô sau 9 năm kháng chiến, người đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ tới đặt vòng hoa ở Đài liệt sĩ. Trong buổi lễ người đọc: “Hỡi các liệt sĩ! Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và đồng đội mừng Chính phủ về thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Tôi thay mặt Nhân dân, Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sĩ…”.
Tết năm 1955, Bác Hồ đến thăm trường Thương binh hỏng mắt. Trong dịp này Người đã nói: “Thương binh tàn nhưng không phế”, câu nói thật đơn giản nhưng sâu sắc, khuyến khích tinh thần lạc quan đối với thương binh. Cho đến trọn đời, trước lúc đi xa, Bác Hồ căn dặn: “Việc quan trọng sau chỉnh đốn Đảng là phải chăm sóc đối với những người đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh một phần xương máu và những người đã trở thành liệt sĩ, cùng thân nhân của họ, quyết không để họ bị đói rét”.
Hiện nay, cả nước có gần 2 triệu liệt sĩ và thương binh, trên 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó tỉnh Bạc Liêu có trên 12.500 liệt sĩ, trên 6.500 thương bệnh binh và 2.100 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là những tượng đài của đức hy sinh và lòng quả cảm để chúng ta ghi nhớ, biết ơn và đáp đền. Thực tế trong nhiều năm nay, cả nước nói chung, trong đó có tỉnh Bạc Liêu chúng ta đã huy động được hàng chục ngàn tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thăm hỏi, tặng quà, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ…
Kể từ ngày thương binh, liệt sĩ đầu tiên ấy đến nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã luôn phát huy truyền thống tốt đẹp, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có công với nước. Làm cho thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước được “Yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động lợi ích cho xã hội” như lời Bác Hồ căn dặn.
Thiết nghĩ trong thời gian tới việc đền ơn đáp nghĩa không phải chờ đến tháng 7 mà nên tổ chức hoạt động thường xuyên, đa dạng về hình thức, thiết thực và sâu sắc về nội dung. Hãy giúp đỡ ngày càng tốt hơn cho con thương binh, con liệt sĩ một cách chu đáo để các cháu được học tập tốt hơn, có việc làm ổn định, đảm bảo cho gia đình chính sách có mức sống từ trung bình trở lên so với dân cư cùng địa bàn cư trú.
Nguyễn Hiền Lương
- Trao quyết định thăng quân hàm cho quân nhân biên phòng
- Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu: Góp ý Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
- Giới thiệu sách về tầm vóc vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ
- Công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024
- Xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế tỉnh Cà Mau sau hợp nhất