Nữ anh hùng liệt sĩ Lê Thị Riêng: “Chiến đấu cho hạnh phúc không tan”

Thứ Sáu, 24/04/2015 | 13:39

“Tôi sẽ chiến đấu cho hạnh phúc không tan, cho con sớm gần mẹ, cho người người không còn tang tóc, chia ly…”. Đó là dòng tự sự trong cuốn nhật ký của Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Thị Riêng - một người con ưu tú của Bạc Liêu - được lưu giữ tại Nhà truyền thống quận 10 (TP. Hồ Chí Minh) nằm trong công viên văn hóa mang tên bà.

Trong Nhà truyền thống quận 10, TP. Hồ Chí Minh, dưới bức ảnh chân dung của nữ chiến sĩ Lê Thị Riêng có bảng chú thích: “Năm sinh 1925. Quê quán: xã Vĩnh Mỹ, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Ngày tham gia cách mạng: tháng 8/1945. Chức vụ: Nguyên khu ủy viên Sài Gòn - Gia Định, Hội phó Hội LHPN Giải phóng Miền Nam Việt Nam…”.

Ngày 9/5/1967 trên đường đi công tác, chiến sĩ Lê Thị Riêng bị tên phản cách mạng Ca Vĩnh Phối nhận mặt, chỉ điểm cho bọn mật vụ bắt. Mất người nữ chiến sĩ Hai Riêng (bí danh của Lê Thị Riêng) là một tổn thất cho phong trào cách mạng của Sài Gòn - Gia Định lúc bấy giờ. Bọn địch dùng đủ loại cực hình man rợ nhất hòng khuất phục người chiến sĩ cách mạng này. Đánh đập, châm điện, đốt trơ xương ngón tay, dùng chiêu bài tâm lý dụ dỗ, mua chuộc… nhưng tất cả đều thất bại. Biết không thể khai thác được thông tin từ người tù cộng sản Lê Thị Riêng, địch bí mật đem bà đi thủ tiêu cùng nhiều chiến sĩ cách mạng khác vào ngày mùng 2 Tết Mậu Thân (1968). Đó là thời gian diễn ra đợt I cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân vào các cơ quan đầu não của Mỹ và tay sai tại Sài Gòn. Cô Loan kể: “Bà Hai Riêng, ông Trần Văn Kiều và các chiến sĩ cách mạng khác bị bắn chết tại bùng binh Tổng đốc Phương, nay thuộc quận 5, cách công viên vài cây số. Thi thể của những người này được ta bí mật đưa về khu nghĩa địa chôn cất, nay thành công viên”.

* Công viên văn hóa Lê Thị Riêng (TP. Hồ Chí Minh).

* Nữ chiến sĩ Công an tỉnh và Hội LHPN phường 8 (TP. Bạc Liêu) sinh hoạt chính trị dưới chân tượng đài Anh hùng LLVTND Lê Thị Riêng. Ảnh: N.Q

Hàng năm, mỗi khi đến Tết Nguyên đán, có một người phụ nữ, nay đã gần 80 tuổi đến nhà con trai út của bà Hai Riêng (nằm đối diện Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) thắp nhang cho nữ liệt sĩ. Đứng trước di ảnh của bà Hai Riêng, người phụ nữ ấy không nói gì, ánh mắt xa xăm như hồi tưởng về quá khứ đã xa. Cái ngày chiến sĩ Hai Riêng hy sinh là ngày người phụ nữ đó - bà Phùng Ngọc Anh “được sinh ra lần hai” bởi chính người vừa ngã xuống. Trong giây phút bị địch xả súng thủ tiêu, Lê Thị Riêng đã đón nhận lấy luồng đạn hung bạo, lấy thân mình che cho người đồng chí, đồng đội Ngọc Anh được sống. Con dâu của bà Lê Thị Riêng - cô Nguyễn Lệ Ngọc tự hào về mẹ mình: “Mẹ đã lấy thân mình đè lên cô Ngọc Anh, nên bọn giặc tưởng cô Ngọc Anh đã chết”.

Vài năm trước, khi bà Ngọc Anh còn minh mẫn, bà và cô Lệ Ngọc thường đến những ngôi trường trong nội thành mang tên Lê Thị Riêng kể cho các cháu nghe cuộc đời hoạt động cách mạng của nữ anh hùng. Các buổi kể chuyện lịch sử đậm chất bi hùng ấy dường như đã làm không gian như nhỏ lại, thời gian chầm chậm trôi. Nước mắt khóc thương, tự hào, cảm kích về người lãnh đạo, người chị, và “người mẹ thứ hai” của bà Ngọc Anh đã làm hoen đỏ bao ánh mắt trẻ em, thiếu niên hôm nay. Phải chăng có một sợi chỉ đỏ vô hình đã nối kết các thế hệ lại với nhau, nối kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa thời chiến và thời bình trong khoảnh khắc kể chuyện ấy!

Tác giả sách “Gương sáng nữ Việt” - ông Trần Đình Ba, đã viết: “Trong những giờ phút cuối cùng trước lúc anh dũng hy sinh, nữ chiến sĩ Lê Thị Riêng vẫn làm tròn nhiệm vụ của một người cách mạng ở cương vị lãnh đạo”. Biết địch đang tìm cách đưa mình và đồng đội đi thủ tiêu, bà vẫn căn dặn các đồng chí của mình: “Trong tình huống này phải xứng đáng là người cộng sản”.

Tinh thần bất khuất của nữ chiến sĩ Hai Riêng giúp đồng đội, đồng chí của bà vững vàng hơn dù cái chết đang cận kề. Ngay trong thời khắc loạt đạn sát nhân của quân thù nhắm vào mình, bà Hai Riêng cùng đồng đội vẫn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng dù tay không một tấc sắt. Những tiếng hô vang trong lằn ranh với cái chết vẫn âm vang dõng dạc tố cáo tội ác của Mỹ - ngụy: “Đả đảo tàn sát. Đả đảo khủng bố, Hồ Chí Minh muôn năm!”.

Đấu tranh với kẻ thù, nữ chiến sĩ Lê Thị Riêng là người dũng cảm, mưu trí, kiên quyết, khôn khéo. Đối với đồng chí, đồng đội, bà hết mực thân ái, giúp đỡ, chở che. Còn đối với gia đình, bà vẫn là người vợ, người mẹ như bao người phụ nữ Việt khác, hết lòng thương yêu chồng, con. Trong bài thơ “Ước mơ”, bà viết:

Mẹ nguyện làm một chiến đấu viên/ Mẹ chiến đấu cho ngày mai tươi sáng/ Cho Bắc, Nam thống nhất/ Cho đất nước hòa bình/ Cho mọi người được no ấm, quang vinh/ Cho con được hưởng trọn tình thương của mẹ.

Những “ước mơ” của người nữ cộng sản gửi cho con trai vừa thể hiện lý tưởng cách mạng vừa nói lên tình yêu vô bờ bến của người mẹ dành cho con.

Bà Lê Thị Riêng có 2 người con, người con trai đầu đã mất, người con út nay đã 58 tuổi, tên Lê Chí Công. Trong nhà, một kỷ vật vô cùng thiêng liêng với ông Công là chiếc va li màu da bò của mẹ. Nó đựng những lá thư viết tay bà Hai Riêng gửi bà Mai Khanh - phu nhân đồng chí Phạm Hùng, mề đay chân dung Bác Hồ, chiếc kính bà dùng, Huy hiệu Thành đồng mà bà được tặng… Một lá thư bà Hai Riêng viết từ Nam Vang (Cam-pu-chia) gửi bà Mai Khanh đề ngày 14/5/1964 có đoạn: “Chúng nó còn nhắc mẹ không chị? Công nay đã viết được chữ chưa? Mong được thơ chúng nó xem học hành ra sao”. Ngoài gửi thư cho người nuôi con mình, bà Hai Riêng còn thường gửi thư cho con. Ông Công nhớ lại năm mẹ hy sinh, ông 11 tuổi, đang học ở Trung Quốc. Ông Công kể: “Thời điểm đó, thư má gửi đi theo đường giao liên, vài tháng mới tới. Việc liên lạc rất là khó khăn”.

Phẩm chất đức hạnh của mẹ đã ảnh hưởng đến nhân cách của ông Công đến tận ngày nay, ông một lòng theo Đảng, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Là Phó tổng Giám đốc một công ty, ông Công vẫn đi làm bằng xe máy, làm việc 12 tiếng mỗi ngày, còn vợ ông bán sushi (một loại thức ăn truyền thống của Nhật) mỗi tối tại nhà riêng. Sau nhiều năm dành dụm được 40 triệu đồng, đầu năm 2014, vợ chồng ông đã dùng số tiền này để cất căn nhà tình nghĩa tặng một gia đình liệt sĩ ở thị trấn Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).

Liệt sĩ Hai Riêng đã ngã xuống, tên bà được đặt tên đường, tên công viên, trường học ở TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bạc Liêu. Tổ quốc, đồng bào không bao giờ quên bà. Tại Bạc Liêu, tượng đài Lê Thị Riêng đã trở thành biểu tượng đầy tự hào của Đảng bộ và nhân dân tỉnh trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.