Khai mạc Kỳ họp 4, HĐND tỉnh khóa X: Tăng trưởng kinh tế đứng thứ nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Tư, 08/12/2021 | 09:37

Sáng 8/12, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tổ chức khai mạc kỳ họp thứ 4 (Kỳ họp thường lệ cuối năm). Các đồng chí: Lữ Văn Hùng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Như Nguyện - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Tấn Bảy - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Kỳ họp. Dự kỳ họp còn có các đồng chí: Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh; Đoàn ĐBQH tỉnh…

Dịch COVID-19 tác động tiêu cực trên nhiều lĩnh vực

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Lữ Văn Hùng nhấn mạnh: Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI. Tuy nhiên, cũng vào thời điểm này, đất nước và tỉnh nhà gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 diễn biến phức tạp, có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, đời sống Nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Lữ Văn Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp thứ tư.

Trước những khó khăn, thách thức đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy; giám sát chặt chẽ của HĐND; điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của UBND tỉnh; sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các địa phương cùng sự đồng tình, chia sẻ của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, đã góp phần làm cho tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh tiếp tục duy trì ổn định, một số ngành, lĩnh vực có sự phát triển khá. Đồng thời, các chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện tốt và kịp thời, nhất là các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch…

Mặc dù tỉnh vẫn đang cơ bản kiểm soát để thích ứng, an toàn trong điều kiện “bình thường mới”, nhưng số ca lây nhiễm trong cộng đồng vẫn còn cao. Trong khi đó, năng lực hệ thống y tế, nhất là ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, bất cập; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt thấp. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch, tình hình sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn; tiến độ đầu tư các dự án trong và ngoài ngân sách còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp; hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch gần như ngưng trệ…

Để vượt qua những thách thức trên, đòi hỏi cả hệ thống chính trị tiếp tục nỗ lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là về tài chính, an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19; quyết tâm thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc để phấn đấu thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển KT-XH.

Trong khuôn khổ kỳ họp này, HĐND sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung, những quyết sách quan trọng, có tính chất nền tảng, là động lực thúc đẩy phát triển KTXH của địa phương trong năm 2022 và cả nhiệm kỳ. Do đó, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh phát huy dân chủ, trách nhiệm, thẳng thắn trong thảo luận, tranh luận, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; thể hiện rõ quan điểm đối với từng nội dung, nhất là đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để HĐND tỉnh xác định những chủ trương, quyết định đúng, sát tình hình thực tiễn, đáp ứng được niềm tin và sự mong đợi của cử tri và Nhân dân tỉnh nhà.

Đại biểu dự kỳ họp.

10/19 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành đạt và vượt

Thông tin cụ thể về tình hình KT-XH năm 2021 tại kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Thiều cho biết: Ngay từ đầu năm, tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng để kịp thời ứng phó phù hợp với diễn biến của dịch bệnh COVID-19; đồng thời để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phục hồi và phát triển KT-XH năm 2021. Từ đó, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển khá. Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 5,05% so cùng kỳ, đứng thứ nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, trong thời gian địa phương thực hiện giãn cách xã hội, ngành Nông nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông sản, không để gián đoạn, đứt gãy các chuỗi sản xuất. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy hải sản tăng 8,84% cùng kỳ; diện tích gieo trồng, năng suất cũng như sản lượng lúa, rau màu đều vượt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ. Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) luôn được đẩy mạnh, chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí. Ước đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 16 xã đạt tiêu chí NTM nâng cao, 02 xã đạt NTM kiểu mẫu; huyện Phước Long và TP. Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nên dù đã nỗ lực hết sức nhưng tỉnh cũng chỉ có 10/19 chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt. Nhiều chỉ tiêu quan trọng không thể đạt được như: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ chỉ đạt trên 81%; kim ngạch xuất khẩu đạt 87,6%. Bên cạnh đó, do đại dịch liên tục bùng phát, tỉnh phải thực hiện giãn cách trong thời gian dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai các công trình, dự án, vì vậy, tính đến ngày 30/11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 44,72%,. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan do dịch bệnh thì thực tế cho thấy không ít chủ đầu tư, nhà thầu của các dự án đầu tư công chưa chủ động trong công tác triển khai dự án, trong khi các dự án đầu tư khối tư nhân lại triển khai khá tốt. Với thực trạng này, sắp tới tỉnh sẽ mạnh dạn thu hồi các dự án chậm tiến độ, nhất là các dự án “treo” nhiều năm.

Công tác đầu tư tư hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Trong ảnh: Công ty cổ phần Năng lượng Hacom (huyện Hòa Bình) thi công trụ tua-bin điện gió.

Diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất phức tạp, tính đến nay, tỉnh có gần 16.600 ca dương tính, hiện còn đang điều trị trên 5.860 ca và tử vong 140 ca. Tỉnh vẫn đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin toàn dân với tỷ lệ phủ mũi 1 đạt  97,73%, mũi 2 đạt trên 85,3% đối tượng trên 18 tuổi; trên 95% đối tượng 12 đến 17 tuổi được tiêm mũi 1. Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: dù vắc-xin đã được phủ khá rộng nhưng vắc-xin hiệu quả nhất vẫn là ý thức của người dân, tinh thần, trách nhiệm, sự nêu gương của chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đây chính là nền tảng quan trọng để chúng ta sớm đẩy lùi đại dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh nhận định: Dự kiến năm 2022 sẽ phải tiếp tục đối mặt với không ít thách thức, nhất là dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Do đó, Bạc Liêu sẽ tiếp tục thực hiện bằng được “mục tiêu kép”, chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung thực hiện có hiệu quả 05 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 9 - 10%/năm.

TT - H.T

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.