Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Hồng Dân: Giảm nghèo từ các chương trình tín dụng chính sách
Với phương châm “Không để người nghèo và các đối tượng yếu thế bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Hồng Dân luôn được tăng cường, khơi thông và đến gần hơn với người dân, trở thành “cánh tay nối dài” của Đảng, Chính phủ, đem các nguồn lực tài chính của Nhà nước cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hồng Dân giải ngân vốn cho các hộ vay.
Đồng hành hỗ trợ phát triển
Khởi nghiệp với nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, năm 2021, được sự tư vấn từ chính quyền và cán bộ tín dụng Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện, anh Phạm Hoàng Đảm (ấp Tà Suôl, xã Vĩnh Lộc) vay 50 triệu đồng để đầu tư mô hình nuôi trâu. Nhờ áp dụng kỹ thuật và chăm sóc đúng quy trình, việc chăn nuôi phát triển tốt, gia đình đã trả hết nợ và được công nhận thoát nghèo. Năm 2023, anh Đảm tiếp tục vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để mở rộng quy mô và mô hình chăn nuôi của gia đình đang phát triển theo chiều hướng tích cực.
Vào năm 2021, qua một thời gian tìm hiểu, nhận thấy mô hình nuôi dê nhốt chuồng dễ thực hiện, phù hợp với điều kiện gia đình nên vợ chồng chị Phạm Mộng Y (cùng ngụ ấp Tà Suôl) mua 6 con dê giống về thả nuôi. Được sự chăm sóc của gia đình chị Y, đàn dê sinh sản tốt, số lượng đàn ngày càng tăng dần theo thời gian. Cuối năm 2023, chị vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH mua thêm 6 con dê giống và chuẩn bị xây lại chuồng trại để phát triển đàn dê với quy mô lớn hơn.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều hộ gia đình của huyện Hồng Dân thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ của nguồn vốn tín dụng CSXH. Có thể nói, nguồn vốn chính sách đã thật sự đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến người nghèo, được phân bổ đến 100% các xã, thị trấn trong huyện, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận vốn thuận lợi và kịp thời, có điều kiện thực hiện nhiều mô hình như trồng rau sạch, cây ăn trái, mua bán nhỏ, chăn nuôi..., giúp các hộ gia đình có thu nhập ổn định, vươn lên khá giả.
Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, UBND huyện Hồng Dân đã cụ thể hóa và ban hành các quy định, cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Theo đó, các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể huyện và Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện làm nòng cốt tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến tín dụng CSXH, tăng cường mọi nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo gắn với phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đồng thời, huyện luôn quan tâm và bổ sung kịp thời nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH thực hiện chương trình tín dụng CSXH gắn với triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Chị Phạm Mộng Y chăm sóc đàn dê.
Điểm tựa của người nghèo
Hiện Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hồng Dân đang thực hiện 21 chương trình tín dụng chính sách. Để nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước chuyển tải kịp thời đến với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, đơn vị đã phối hợp với các địa phương rà soát kịp thời những hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn để tạo điều kiện cho họ tiếp cận và sử dụng vốn vay nhanh chóng, hiệu quả. Thông qua các phiên giao dịch trực tiếp, cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH đã thông tin, tuyên truyền đến người dân các gói vay phù hợp với điều kiện từng gia đình. Đồng thời hướng dẫn họ theo dõi các phương tiện thông tin để áp dụng, thực hiện các mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện gia đình; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nghèo để họ không ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước mà tích cực sản xuất - kinh doanh hiệu quả, thoát nghèo…
Có thể thấy, các chương trình tín dụng CSXH thời gian qua đã được lan tỏa, phủ rộng trên khắp địa bàn tỉnh, trở thành một trong những giải pháp căn cơ, trọng điểm để giúp giảm nghèo nhanh và bền vững. Các chương trình đã gần như phủ kín các chiều về giảm nghèo: Vay vốn để sản xuất - kinh doanh, vay vốn để đi học, đào tạo nghề; vay vốn để xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh; vay vốn để xây dựng nhà ở, góp phần làm thay đổi căn bản nhận thức của đối tượng thụ hưởng. Rất nhiều hộ không phải vay nặng lãi, tín dụng đen, sử dụng vốn đúng mục đích đã thoát nghèo với mức thu nhập ổn định, nâng dần mức sống.
Để tiếp tục hỗ trợ “cần câu” cho hộ nghèo thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian tới, huyện Hồng Dân tiếp tục tập trung huy động nguồn lực tài chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; thực hiện hiệu quả, chất lượng các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, đảm bảo vốn tín dụng chính sách được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng. Linh hoạt thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và giải quyết các chương trình cấp thiết phát sinh, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cùng các đơn vị nhận ủy thác chú trọng phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, kiểm tra, đôn đốc thu nợ, thu lãi đến hạn; ưu tiên cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao chưa được vay vốn, đặc biệt là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời phối hợp lồng ghép hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, giúp sử dụng vốn vay hiệu quả trở thành điểm tựa vững vàng cho người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Bài và ảnh: Mai Quyên
Theo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hồng Dân, tính đến ngày 24/10, tổng dư nợ đạt gần 520 tỷ đồng, với 18.000 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó, cho vay hộ nghèo gần 20 tỷ đồng, với 922 lượt khách hàng vay vốn; cho vay hộ mới thoát nghèo là gần 92 tỷ đồng, với 2.806 lượt khách hàng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn gần 86 tỷ đồng, với 5.257 lượt khách hàng vay vốn…
- Kiểm tra, thẩm định các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao tại xã Phong Tân
- Hội thảo “Truyền thông về năng lượng tái tạo hướng đến Net Zero” mùa 2 - năm 2024
- Bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, hộ tịch, chứng thực 2024
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri 2 huyện Hồng Dân và Phước Long
- Họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông - Vận tải