Giữ gìn, phát triển di sản văn hóa trên chặng đường phát triển

Thứ Hai, 28/11/2022 | 17:13

Tối 27/11, tỉnh Bạc Liêu đã long trọng khai mạc Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 (gọi tắt là Ngày hội) với chủ đề “Bạc Liêu kết nối tinh hoa di sản và khát vọng phát triển”. Tham dự khai mạc có Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam, cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Lãnh đạo Chính phủ đã đánh giá cao sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bạc Liêu qua 25 năm xây dựng và phát triển, cũng như ý kiến chỉ đạo tâm huyết để tỉnh hoàn thành tốt mục tiêu của năm 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025. Báo Bạc Liêu xin trân trọng giới thiệu ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng tại lễ khai mạc Ngày hội.

Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam: Khơi dậy mọi nguồn lực, Bạc Liêu nhất định phát triển nhanh hơn, bền vững hơn

Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại lễ khai mạc Ngày hội. Ảnh: H.T

Ngày hội của Bạc Liêu năm 2022 - Ngày hội với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, mang đậm bản sắc văn hóa, dân tộc, là hoạt động thiết thực thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra cách đây tròn 1 năm, hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị các di sản văn hóa, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo thêm cơ sở và động lực để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) bền vững.

Bạc Liêu được biết đến là một trong những cái nôi của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, quê hương bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu “bất hủ” đặt nền móng cho sự phát triển của loại hình âm nhạc “vọng cổ” và nghệ thuật sân khấu cải lương. Năm 2014 cũng tại đây, chúng ta đã vinh dự đón Bằng của UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thể hiện sự trân trọng, ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này. Đây không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam Bộ, của người Việt Nam mà còn là trách nhiệm của chúng ta cùng góp phần giữ gìn sự đa dạng các biểu đạt văn hóa trong kho tàng văn hóa thế giới.

Tỉnh Bạc Liêu chính thức được tái lập vào năm 1997 trong bối cảnh đất nước ta phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Với cơ sở hạ tầng KT-XH rất hạn chế, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, nguồn lực đầu tư chủ yếu trông chờ vào Trung ương, nhưng những con người “xứ Bạc” với bản lĩnh, ý chí, anh hùng và sức sáng tạo lớn lao đã vượt khó vươn lên. Một phần tư thế kỷ, Bạc Liêu đã dám nghĩ, dám làm khai thác hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của mình, duy trì mức tăng trưởng khá so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều năm tăng trưởng ở mức hai con số và nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, thu nhập người dân tăng nhanh, đời sống tinh thần và vật chất của người dân không ngừng được cải thiện.

Một lần nữa thay mặt Chính phủ tôi trân trọng ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những kết quả và thành tựu của Đảng bộ, chính quyền, dân và quân tỉnh Bạc Liêu trong những năm qua.

Chặng đường trước mắt chúng ta bên cạnh cơ hội, thuận lợi là rất nhiều khó khăn, thách thức. Tự hào về thành quả đạt được sau 25 năm xây dựng và phát triển, nhưng nhìn chung Bạc Liêu vẫn còn không ít bất cập đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, cố gắng hơn rất nhiều lần để phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu của năm 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025 với tinh thần lấy lại 2 năm đã chậm vì dịch bệnh.

Cần khơi dậy mạnh mẽ mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài để tập trung 5 trụ cột phát triển KT-XH mà tỉnh đã xác định, trong đó đặc biệt lưu ý các yếu tố phát triển bền vững trong tất cả các khâu, tránh từng giai đoạn; cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn các sáng kiến, chương trình, dự án liên kết vùng, trước hết là hợp tác với các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng ĐBSCL cùng thực hiện các dự án đầu tư chung về cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển kinh tế toàn vùng như cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Rạch Giá - Hà Tiên - Bạc Liêu, đường bộ hành lang ven biển, đường Nam Sông Hậu, Quản lộ Phụng Hiệp…

Con người là mục tiêu, là động lực và nguồn lực cho phát triển. Chúng ta cần bằng các hành động cụ thể khơi dậy mạnh mẽ tình yêu quê hương, đất nước. Chúng ta cùng mong muốn và tin tưởng rằng, với truyền thống cách mạng cùng những nền tảng đã tạo dựng, với tiềm năng và lợi thế sẵn có, với tinh thần đoàn kết và sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bạc Liêu nhất định sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, sớm trở thành vùng đất thật sự giàu đẹp, hạnh phúc, cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng: Ngày hội và khát vọng phát triển

Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng phát biểu khai mạc Ngày hội.

Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu được tổ chức từ ngày 27 - 29/11/2022, với 14 hoạt động đa dạng, phong phú; có sự tham gia góp sức của 25 tỉnh, thành phố trên cả nước trong các hoạt động như: Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa; Hội chợ Công nghiệp - Thương mại - Du lịch và sản phẩm OCOP; Ngày hội Tôm - Muối Bạc Liêu; Hội tụ tinh hoa di sản... Ngoài ra, còn có sự góp mặt của hơn 500 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên của các miền di sản cùng về tham dự; dự kiến Ngày hội sẽ thu hút hơn 20.000 lượt du khách đến với Bạc Liêu tham quan, du lịch. Đặc biệt, Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 của tỉnh có sự tham gia của hơn 500 đại biểu là lãnh đạo Trung ương, các tỉnh, thành phố và nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Điểm nổi bật của Ngày hội là sự kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa với du lịch; vừa tôn vinh giá trị bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác cách đây hơn 100 năm, vừa bảo tồn và lan tỏa Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đồng thời, Ngày hội còn có sự góp mặt của nhiều di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh như: Ca trù; Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây nguyên; Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ; Dân ca Quan họ; Hát Chèo; Đờn ca tài tử Nam Bộ... cùng với các loại hình nghệ thuật của đồng bào Khmer và người Hoa, tất cả sẽ cùng hòa điệu, để Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu năm 2022 thật sự trở thành nơi hội tụ tinh hoa của các miền di sản phi vật thể đại diện các vùng, miền trên cả nước.

Bạc Liêu là tỉnh ven biển thuộc khu vực ĐBSCL, là vùng đất giàu truyền thống cách mạng; 25 năm tái lập, tỉnh Bạc Liêu đã vượt qua nhiều khó khăn và đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực; đang triển khai thực hiện có hiệu quả 5 trụ cột phát triển KT-XH và nỗ lực vươn lên với ý chí và khát vọng đưa Bạc Liêu tiếp tục là tỉnh khá của khu vực vào năm 2025 và tỉnh khá của cả nước vào năm 2030.

Thông qua Ngày hội, Bạc Liêu mong muốn giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc về văn hóa, du lịch và tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế; nhất là thu hút đầu tư, thu hút du khách đến với Bạc Liêu đẩy mạnh phát triển du lịch và góp phần thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, trân trọng cảm ơn Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và các vị khách quý từ các tỉnh, thành phố đã đến tham dự; đây là niềm động viên, khích lệ to lớn đối với Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bạc Liêu.  

Tuyết Thanh (lược trích)

Tựa do Tòa soạn đặt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.