Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu xã hội, xu thế hội nhập
Thời gian qua, nhờ được quan tâm đầu tư, công tác giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, một số ngành nghề đào tạo tỷ lệ có việc làm đạt từ 80 - 90%. Tuy nhiên, với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động trong nước, yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới thì rõ ràng GDCN của địa phương vẫn chưa thể đáp ứng được, chưa hấp dẫn, thu hút đông đảo học sinh trên địa bàn tỉnh.
Học sinh Trường cao đẳng Nghề Bạc Liêu thực hành kỹ thuật điện lạnh. Ảnh: T.T
Những chuyển biến tích cực
Phát triển GDCN là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để thích ứng với nhu cầu biến đổi không ngừng của thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới, những năm gần đây, Bạc Liêu đã dành sự quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực GDCN nhiều hơn. Hệ thống GDCN trên địa bàn tỉnh hiện có 16 cơ sở, với trên 140 ngành, nghề đào tạo, ở các cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng). Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của các cơ sở GDCN tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Đơn cử như đầu tư cơ sở vật chất Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật và Trường cao đẳng Nghề - Cơ sở 2 (hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2022) với tổng kinh phí 243 tỷ đồng; sửa chữa, nâng cấp, mua sắm thiết bị đào tạo cho 3 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện và hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động trên 8,6 tỷ đồng; hỗ trợ các trường cao đẳng thực hiện chuyển đổi số…
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên, giáo viên trực tiếp giảng dạy tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn, tin học, ngoại ngữ, nhất là kỹ năng nghề nghiệp. Hiện ở hệ thống GDCN của tỉnh có trên 59% giảng viên, giáo viên trình độ trên đại học, trên 36% trình độ đại học, cao đẳng hoặc cao đẳng nghề, 4,3% trình độ trung cấp hoặc trung cấp nghề. Đồng thời, trong quá trình đào tạo, các cơ sở cũng đã có nhiều đổi mới, giải pháp nâng cao chất lượng. Một số cơ sở, nhất là các trường cao đẳng còn phối hợp, liên kết, ký kết hợp tác với doanh nghiệp, đơn vị tổ chức cho sinh viên thực tập tại công ty, doanh nghiệp và tuyển dụng sinh viên sau tốt nghiệp vào làm việc; mở chuyên ngành đào tạo theo nhu cầu của công ty, doanh nghiệp và nhu cầu thực tế của xã hội. Từ đó có một số ngành nghề đào tạo tỷ lệ có việc làm đạt từ 80 - 90%. Đơn cử như các ngành: điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, xây dựng dân dụng, kỹ thuật tiện, kỹ thuật gò hàn, sửa chữa xe gắn máy, chế biến và bảo quản thủy sản, nuôi trồng thủy sản…
Cần sự đầu tư, đổi mới quyết liệt
Mặc dù đã có những chuyển biến trong thực hiện định hướng phát triển GDCN của địa phương, tuy nhiên thực tế cho thấy vẫn còn rất nhiều bất cập. Mặc dù đã có sự đầu tư nhưng cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các cơ sở, nhất là hệ cao đẳng thiếu cả về số lượng lẫn công nghệ lạc hậu nên chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo, cũng như nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Đồng thời, theo định hướng phát triển của tỉnh hiện nay thì cơ sở GDCN cũng chưa chủ động, khẩn trương tổ chức đào tạo hay liên kết đào tạo các ngành nghề đáp ứng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh như: khoa học - công nghệ, du lịch, dịch vụ, đặc biệt là nhân lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Các cơ sở GDCN của tỉnh đa số có quy mô đào tạo còn nhỏ, ngành nghề đào tạo, nhất là trình độ trung cấp, cao đẳng còn ít. Đồng thời, công tác tuyên truyền, định hướng giáo dục nghề nghiệp, phân luồng học sinh của tỉnh hiện nay chưa thật sự sâu sát. Hầu hết phụ huynh, học sinh hiện nay đều “giữ vững” quan điểm là cố gắng hoàn thành trung học phổ thông. Còn đối với học sinh có điều kiện, năng lực hơn thì chỉ muốn chọn con đường đại học hoặc trường trung cấp, cao đẳng nào có liên thông đại học. Bên cạnh đó, các cơ sở GDCN cũng chưa làm tốt việc liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo nguồn lao động chất lượng cao không chỉ ở địa phương, khu vực mà tay nghề phải luôn được trau dồi, nâng cao ở cấp quốc gia, quốc tế thì cơ hội nghề nghiệp, việc làm của lao động mới thật sự bền vững.
Theo đánh giá, nhận định của ngành chức năng thì GDCN trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại hạn chế ở cả 3 khâu: nguồn nhân lực đào tạo trình độ cao còn thiếu; thiếu cơ sở vật chất và thiếu cả kinh phí. Rõ ràng, để thực hiện hiệu quả trong đổi mới và bắt kịp xu hướng phát triển hiện nay, nhất là hướng đến nguồn nhân lực 4.0 thì tất yếu phải giải quyết sự thiếu hụt quan trọng trên.
Hoàng Uyên
- Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông
- Đại biểu HĐND tỉnh và TP. Bạc Liêu tiếp xúc cử tri Phường 7 và 8
- Tổ đại biểu HĐND tỉnh và huyện Phước Long tiếp xúc cử tri xã Vĩnh Phú Tây
- Ông Phạm Hoàng Minh tiếp tục giữ chức Giám đốc Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu
- LĐLĐ tỉnh: Triển khai hướng dẫn xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa