Đồng chí Ung Văn Khiêm và những đóng góp quý báu cho quê hương Bạc Liêu

Thứ Hai, 20/04/2015 | 16:08

Sớm thoát ly gia đình tham gia cách mạng, đồng chí Ung Văn Khiêm (sinh năm 1910, mất năm 1991) đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào phong trào cách mạng ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, đặt nền móng cho việc hình thành các tổ chức đảng đầu tiên ở khu vực này; đồng thời tham gia lãnh đạo các đảng bộ, chính quyền cách mạng non trẻ, đấu tranh kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi…

Là một trong những người con ưu tú của quê hương An Giang, được thừa hưởng dòng máu yêu nước của gia đình, quê hương, cùng với tố chất thông minh, nhạy bén, đồng chí Ung Văn Khiêm đã sớm dấn thân vào con đường đấu tranh cách mạng đầy khó khăn, gian khổ nhưng cũng rất tự hào. Sau khi được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và tham dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, gây dựng những tổ chức đảng đầu tiên, đặt nền móng cho phong trào cách mạng trên vùng đất này.

Tháng 1/1930, Bí thư Đặc ủy An Nam Cộng sản (ANCS) Đảng toàn miền Hậu Giang (trong đó có tỉnh Bạc Liêu) - Ung Văn Khiêm đã xuống làng An Xuyên (quận Cà Mau) kết nạp các đồng chí Lâm Thành Mậu, Nguyễn Văn Chính, Tăng Văn Hai, Phạm Ngọc Cừ và Trần Hải Thoại vào ANCS Đảng, thành lập Chi bộ ANCS Đảng làng An Xuyên (do đồng chí Lâm Thành Mậu làm Bí thư). Đây là tổ chức cộng sản đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu lúc bấy giờ. Sau ngày 3/2/1930, chi bộ này đổi tên thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam làng An Xuyên, quận Cà Mau. Chi bộ Đảng đầu tiên ra đời đánh dấu bước phát triển mới của phong trào đấu tranh cách mạng ở Bạc Liêu, đưa các cuộc đấu tranh của nhân dân Bạc Liêu từ tự phát sang tự giác dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Từ cuối năm 1930 - 1945, mặc dù nhiều lần bị địch bắt tù đày, nhưng đồng chí Ung Văn Khiêm vẫn giữ vững ý chí cách mạng, cùng với các đồng chí trong Xứ ủy Nam kỳ lãnh đạo phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh thuộc miền Hậu Giang. Sau Cách mạng tháng Tám, đồng chí tiếp tục phát huy trí tuệ của mình cùng với các đồng chí trong Xứ ủy Nam bộ, sau này là Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo nhân dân tiến hành kháng chiến chống Pháp xâm lược.

Tháng 5/1953, Trung ương Cục miền Nam quyết định cử đồng chí Ung Văn Khiêm - Ủy viên Trung ương Cục - về làm Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính - Kháng chiến tỉnh Bạc Liêu. Trên cương vị này, đồng chí đã phát huy dân chủ nội bộ, huy động sức mạnh của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng. Trên lĩnh vực quân sự, đồng chí lãnh đạo đẩy mạnh tấn công địch, mở rộng vùng giải phóng, làm tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến trường Điện Biên Phủ giành thắng lợi. Trên lĩnh vực kinh tế, đồng chí đã lãnh đạo thực hiện giảm tô, giảm tức và tạm cấp đất cho nông dân. Trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, đồng chí đã có một quyết định quan trọng. Tại một hội nghị văn nghệ của tỉnh, đồng chí đã phân tích nguồn gốc và sự phát triển của bài vọng cổ, và phê phán chủ trương cấm sử dụng bài ca này. Sau đó, đồng chí đã cho phép phổ biến bài vọng cổ rộng rãi trong nhân dân. Đây là quyết định được toàn thể anh em văn nghệ sĩ cùng người dân trong và ngoài tỉnh tán thưởng, từ đó bài vọng cổ tiếp tục góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng kháng chiến…

Sau Hiệp định Geneve, Bạc Liêu được chọn là vùng tập kết 200 ngày. Đồng chí Ung Văn Khiêm đã lãnh đạo triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ cấp bách như: Định hướng tư tưởng trong cán bộ và quần chúng nhân dân; tổ chức tiếp quản, xây dựng các thị trấn địch bàn giao, đảm bảo an toàn công tác tập kết chuyển quân; sắp xếp lực lượng trong tỉnh… Đặc biệt, đồng chí cho bố trí để lại nhiều đơn vị với vũ khí được chôn giấu đề phòng địch phá hoại hiệp định. Sự phòng bị này thể hiện tầm nhìn sáng suốt của đồng chí.

Cuối năm 1954, đồng chí Ung Văn Khiêm được điều động ra Trung ương và đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước. Sau ngày 30/4/1975, đồng chí trở về miền Nam sinh sống cho đến khi về với “thế giới người hiền” vào ngày 20/3/1991.

Đến nay, sau 24 năm đồng chí Ung Văn Khiêm giã từ cõi đời này, niềm tiếc thương vẫn còn tiếp tục trào dâng trong lòng những đồng chí, đồng đội, bạn bè gần xa và cán bộ, quân, dân tỉnh Bạc Liêu khi nhắc đến “anh Ba Nội vụ”, “anh Ba Khiêm”, “đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhiệt thành, sáng tạo”. Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bạc Liêu rất tự hào và mãi mãi nhớ ơn đồng chí Ung Văn Khiêm, nhà lãnh đạo cách mạng tài năng đã góp phần đặt nền móng cho phong trào cách mạng và trực tiếp lãnh đạo Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi trên vùng đất Bạc Liêu thân yêu. n

Nguyễn Bình Tân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.