Cao Triều Phát đến với cách mạng và tham gia giành chính quyền

Thứ Sáu, 31/08/2012 | 16:42

Đầu tháng 8/1945, ông Tào Văn Tỵ được Tỉnh ủy Bạc Liêu cử đến gặp ông Cao Triều Phát. Ông Tỵ vốn có bà con với ông Phát, gọi ông Phát là cậu. Ông Tỵ cũng là một trí thức, tốt nghiệp lớp họa đồ ở Sài Gòn, có tinh thần yêu nước, đi hoạt động cách mạng rất sớm, rồi bị thực dân bắt, ra tù tiếp tục làm cách mạng, tỏ rõ là một người tốt, một cán bộ kiên trung của Đảng. Với Tào Văn Tỵ, Cao Triều Phát là một con người có tình yêu nước nồng nàn, một trí thức hiểu biết thâm sâu và không màng danh lợi, rất khẳng khái trước thực dân Pháp và đế quốc Nhật. Và quan trọng hơn, Cao Triều Phát là Chủ tịch Cao Đài 11 phái hiệp nhất nắm trong tay hàng trăm ngàn tín đồ. Thế là, Tào Văn Tỵ đi gặp Cao Triều Phát vừa để thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy vừa muốn cậu Sáu (Cao Triều Phát) hội nhập với lý tưởng cao đẹp mà mình đang theo đuổi.

Ngày 20/3/1945, ông Tào Văn Tỵ viết một lá thư gởi cho Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, trong đó có mấy dòng ngắn ngủi về Cao Triều Phát như sau: “Tôi thay mặt Tỉnh ủy Bạc Liêu, trực tiếp vận động giác ngộ ông Cao Triều Phát (…), ông đã tiếp thu đường lối đúng đắn của Đảng. Ông đã từ bỏ mọi quyền lợi của bản thân, một lòng theo Đảng”.

Kể từ đó, ông Cao Triều Phát đã thực hiện nhiệm vụ của Tỉnh ủy giao là giác ngộ các chức sắc và tín đồ đạo Cao Đài nhận thức rõ tình hình việc Nhật đảo chính Pháp là chúng muốn thay thế Pháp để cai trị, bóc lột dân ta và chúng ta phải tìm đến Việt Minh để tham gia giải phóng dân tộc.

Cũng từ đó mà Đoàn thanh niên đạo đức do Cao Triều Phát làm Tổng trưởng của đạo Cao Đài đã có rất nhiều người tham gia Việt Minh, nhiều người ở tư thế chuẩn bị tham gia cướp chính quyền, đánh đổ Nhật và tay sai khi thời cơ đến.

Điều này cũng thật dễ hiểu khi một chức sắc cao cấp của đạo (Cao Triều Phát) đi theo cách mạng thì rất dễ xảy ra một tình huống nhiều tín đồ phải đi theo ông. Điều đó chứng minh sự khôn khéo của Tỉnh ủy Bạc Liêu và chứng minh đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản, của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, nó tạo ra một đối trọng có lợi cho cách mạng Bạc Liêu khi chuẩn bị cướp chính quyền.

Cái điều mà con cháu lưu dân khẩn hoang là những tá điền, những người lao động nghèo khổ bấy lâu mong đợi là đánh đuổi ngoại xâm, địa chủ giành chính quyền, giành độc lập tự do, ruộng đất cho dân cày rồi cũng phải đến. Ngày 15/8/1945, Nhật đầu hàng đồng minh, đây là cơ hội ngàn vàng của cách mạng Việt Nam, quần chúng nhân dân Bạc Liêu xôn xao và nôn nao mong chờ Đảng lãnh đạo để nổi dậy cướp chính quyền. Ban Thường vụ Trung ương Đảng chỉ thị “phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ”, “Sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện”.

Nhận được chỉ thị, Tỉnh ủy lâm thời Bạc Liêu chỉ đạo các địa phương khu vực Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu khẩn trương chuẩn bị lực lượng áp đảo địch, giành chính quyền.

Cao Triều Phát tập kết ra Bắc, ông yết kiến Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc (ngày 20/9/1954).

Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu, để huy động các tầng lớp nhân dân cho nhiệm vụ giành chính quyền, ngày 17/8/1945, Tỉnh ủy Bạc Liêu quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh do ông Lê Khắc Xương, Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ nhiệm và ông Cao Triều Phát được cách mạng giao làm Phó Chủ nhiệm. Đến ngày 22/8/1945, Tỉnh ủy lại chủ trương thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc tỉnh là đại biểu của các tổ chức thành viên Mặt trận và cử Cao Triều Phát làm Phó Chủ tịch Ủy ban này (theo xác nhận của ông Trần Văn Sớm - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu). Và theo sách “Mùa thu rồi ngày hăm ba” do Trần Bạch Đằng chủ biên và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản thì: “Đồng bào Cao Đài phái Minh Chơn đạo do cụ Cao Triều Phát đứng đầu đã gia nhập Mặt trận Việt Minh…”.

Đại diện Mặt trận Việt Minh, Ủy ban Giải phóng dân tộc đã nhiều lần công khai đến gặp tên Tỉnh trưởng Trương Công Thiện yêu cầu trả lại truyền đơn, áp-phích của cách mạng mà lính đồn Vĩnh Châu đã gỡ và tịch thu, không được để xảy ra những xung đột giữa binh lính ngụy và nhân dân; yêu cầu Tỉnh trưởng ra lệnh cho thanh niên tiền phong không được cản trở công việc của Mặt trận Việt Minh.

Lúc này, sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, khí thế nổi lên của cách mạng quần chúng, bọn ngụy quyền đã lung lay tận gốc rễ. Nhiều anh em binh sĩ bỏ ngũ, trở về thanh minh với cách mạng. Trước tình hình như thế, Tỉnh trưởng Thiện run sợ làm tốt các yêu cầu của Mặt trận Việt Minh là điện thoại cho Trưởng đồn Vĩnh Châu phải trả lại tuyền đơn, áp-phích của cách mạng và không được gây rắc rối với quần chúng.

Tỉnh phó ngụy giao cho thanh niên tiền phong treo một băng-rôn gần cầu Quay Bạc Liêu để chào mừng tên khâm sai đại thần Nguyễn Văn Sâm chuẩn bị về Bạc Liêu để động viên tiếp sức cho chúng thì Mặt trận Việt Minh không cho thanh niên tiền phong treo. Và Mặt trận còn yêu cầu Tỉnh trưởng ngụy giao cho cách mạng căn nhà to (đối diện với trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm ngày nay), gọi là nhà Carerère. Ngày 20/8/1945, ngôi nhà ấy trở thành trụ sở của Mặt trận Việt Minh và Tỉnh ủy lâm thời Bạc Liêu.

Từ căn nhà này, cách mạng đã chỉ huy, huy động lực lượng của Đảng và quần chúng từ các nơi trong tỉnh biến cuộc mít-tinh ngày 20/8/1945 của Tỉnh trưởng Bạc Liêu chào đón tên khâm sai đại thần Nguyễn Văn Sâm thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy lớn của cách mạng để ủng hộ Mặt trận Việt Minh, giành lấy chính quyền. Đoàn biểu tình đã giương cao cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu… với hơn 3.000 người, có lực lượng vũ trang tự vệ cuộc đi kèm và cả thanh niên đạo đức đoàn của Cao Đài Minh Chơn đạo kéo về bao vây dinh Tỉnh trưởng và hô to: Mặt trận Việt Minh muôn năm! Chính quyền về tay nhân dân!

Ông Cao Triều Phát tại chiến khu Đồng Tháp Mười. Ảnh: T.L

Mặt trận Việt Minh đã cử người vào đấu tranh với Tỉnh trưởng Trương Công Thiện yêu cầu giao chính quyền cho cách mạng, Thiện đã tìm kế hoãn binh với lý do: Chờ xin ý kiến cấp trên. Hai ngày sau, ngày 22/8/1945, Tỉnh ủy Bạc Liêu lại chỉ thị cho Mặt trận Việt Minh và Ủy ban Giải phóng dân tộc (mới thành lập tối ngày 20/8/1945) cử đoàn đại diện đến gặp Tỉnh trưởng Thiện yêu cầu giao chính quyền một lần nữa, thế nhưng Thiện lại tiếp tục trì hoãn.

Không thể chờ đợi được nữa, vì thời cơ đã chính muồi, Tỉnh ủy Bạc Liêu quyết định huy động toàn bộ lực lượng có trong tay gồm các tổ chức cứu quốc (kể cả binh lính cứu quốc), nhân sĩ trí thức, cơ sở trong công chức, lực lượng thanh niên tiền phong và cả binh sĩ trong đại đội lính cộng hòa vệ binh… Đồng thời, huy động đông đảo quần chúng tham gia. Theo sách “Cao Triều Phát - Nghĩa khí Nam bộ” của Phan Văn Hoàng, thì đêm 22/8/1945 là một đêm không ngủ. Lực lượng đoàn thanh niên đạo đức của Cao Đài Minh Chơn đạo do Cao Triều Phát làm Tổng trưởng đã cùng với lực lượng thanh niên mà cách mạng nắm được đã đi khắp hang cùng ngõ phố vận động nhân dân xuống đường. Thế là, hòa cùng khí thế cách mạng của cả nước, sáng ngày 23/8/1945, hàng vạn đồng bào và lực lượng cách mạng đã tập trung bao vây dinh Tỉnh trưởng. Đặc biệt là nhiều quân ngụy và hàng hàng lớp lớp thanh niên tiền phong cũng tham gia. Tiếng hô vang dậy như sấm: Đả đảo Nguyễn Văn Sâm! Đả đảo bọn bù nhìn tay sai Nhật, chính quyền về tay nhân dân!…

Tỉnh trưởng Trương Công Thiện run sợ, bước đi không vững và buộc phải đầu hàng, công bố tại chỗ kể từ giờ phút này chính quyền là của cách mạng, của nhân dân. Người của cách mạng là ông Tào Văn Tỵ đã xúc động thông báo với đồng bào: “Chính quyền đã về tay nhân dân”. Đó là thời khắc lịch sử: 9 giờ 30 phút ngày 23/8/1945. Bạc Liêu đã khởi nghĩa thành công không tốn xương máu, là tỉnh giành chính quyền sớm nhất Nam bộ.

Sau đó, sáng ngày 25/8/1945, hai vạn nhân dân từ khắp châu thành cho đến làng mạc xa xôi đã kéo về Bạc Liêu với cờ đỏ rợp trời mừng chiến thắng. Họ không mừng sao được, bao nhiêu năm dưới ách ngoại bang bây giờ mới được làm chủ, mới được thấy ánh sáng tự do chan hòa khắp quê hương yêu dấu của mình. Những người được tắm thứ ánh sáng tự do ấy, hẳn sẽ nhớ về một người con của Bạc Liêu, một lãnh tụ Cao Đài, một Phó Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh, một Phó Chủ tịch Ủy ban Giải phóng dân tộc tỉnh đã tham gia lãnh đạo giành chính quyền cho nhân dân… Đó là Cao Triều Phát.

Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.