Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc: “Đi cũng vinh quang, ở lại cũng vinh quang”
Năm 1954, sau Hiệp định Genève, tỉnh Bạc Liêu (nay là Bạc Liêu và Cà Mau) là một trong những địa điểm tập kết quan trọng, đưa hàng ngàn bộ đội, cán bộ, học sinh miền Nam, đặc biệt là từ Phân khu miền Tây, lên đường ra miền Bắc để học tập, rèn luyện và chuẩn bị cho những nhiệm vụ mới. Chuyến tàu đầu tiên rời bến vào ngày 5/11/1954, chở theo hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ và học sinh, đánh dấu một trang sử hào hùng của tỉnh nhà trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước.
Ông Huỳnh Đảm - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ra miền Bắc học tập năm 1954, khi mới 6 tuổi - phát biểu tại hội thảo.
“NIỀM TIN, Ý CHÍ KHÔNG TÀN LỤI”
Ông Dương Thanh Toàn khi ở tuổi 22 đầy nhiệt huyết, đã lên chiếc tàu Liên Xô tại bến Chắc Băng (xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau ngày nay) để tập kết ra Bắc sau 5 năm phục vụ trong Quân đội với nhiệm vụ sửa chữa vũ khí. Chuyến đi ấy mang theo bao niềm tin và hy vọng của một người thanh niên có hoài bão lớn.
70 năm đã trôi qua, ở tuổi 92, ông vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc chia tay đầy xúc động: “Cán bộ, chiến sĩ, học sinh lên tàu đều được quán triệt đưa 2 ngón tay vẫy chào tạm biệt người thân, đồng bào, với ý nghĩa hẹn 2 năm trở về. Ai ngờ, mãi tới 21 năm!”. Niềm tin và ý chí sắt đá của ông đã được thể hiện rõ nét trong bài thơ “Người đi - người ở” sáng tác năm 2004, nhân kỷ niệm nửa thế kỷ Sự kiện tập kết ra Bắc: “Không chỉ hai năm mà hai mươi năm/ Bến Hải dòng sông tạm cách ngăn/ Niềm tin, ý chí không tàn lụi/ Làm việc bằng hai đã góp phần…”. Những câu thơ ấy như tái hiện lại một thời kỳ lịch sử hào hùng, khắc họa hình ảnh những người con đất Việt kiên cường, bất khuất.
Mỗi năm, cứ đến ngày 12/11 - ngày đặt chân lên con tàu tập kết ra Bắc, ông Toàn như sống lại với những ký ức tuổi trẻ đầy hào hùng. Ông thường tập hợp con cháu lại bên nhau để kể về những tháng năm ông sinh sống, học tập và công tác trên đất Bắc, được đồng bào nơi đây đùm bọc, yêu thương hết mực. Chính tình cảm ấm áp của người dân miền Bắc đã giúp ông nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết.
Ông Dương Thanh Toàn - năm nay 92 tuổi (quê Mương Điều, Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu trước đây, nay là huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) ra Bắc tập kết từ năm 22 tuổi.
Tại Hội thảo khoa học “200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử” mới đây, ông Toàn chia sẻ: Đất Bắc không chỉ là nơi ông cống hiến tuổi trẻ mà còn là mảnh đất duyên lành, nơi ông gặp gỡ và nên duyên với người bạn đời. Cùng cô gái địa phương, ông đã xây dựng một gia đình hạnh phúc với 5 người con. Giờ đây, khi mái tóc đã bạc phơ, ông tự hào khi nhìn thấy các con, các cháu mình trưởng thành, thành đạt và có những gia đình nhỏ ấm cúng. Đặc biệt, ông còn cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi trong nhà có dâu, rể ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, như một minh chứng rõ nét cho tình đoàn kết keo sơn của dân tộc.
…………………........................................................................................................................................................................................................
Theo Hiệp định Genève, lực lượng cách mạng miền Nam bắt đầu tập kết ra Bắc từ ngày 21/7/1954. Các khu vực tập kết chính gồm: Hàm Tân - Xuyên Mộc (80 ngày, nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Cao Lãnh - Đồng Tháp (100 ngày) và Bạc Liêu (200 ngày, bao gồm: Giá Rai, Bạc Liêu và Cà Mau). Quá trình tập kết kết thúc vào ngày 10/2/1955.
…………………........................................................................................................................................................................................................
TẦM NHÌN XA TRÔNG RỘNG
Chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội năm 1954 không chỉ là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, mà còn là dấu mốc quan trọng mở ra một chương mới cho cách mạng Việt Nam. Hiệp định Genève được ký kết sau đó đã buộc thực dân Pháp phải rút quân khỏi Việt Nam, chấm dứt hoàn toàn ách đô hộ kéo dài gần một thế kỷ, trả lại độc lập cho dân tộc. Thắng lợi này đã mở ra một thời kỳ chiến lược mới: miền Bắc tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững chắc cho cách mạng miền Nam; còn miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hướng tới mục tiêu thống nhất đất nước. Với tinh thần quyết tâm cao độ và sự đoàn kết của toàn dân tộc, Đảng và Nhân dân ta tin tưởng rằng mục tiêu thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội sẽ sớm trở thành hiện thực.
Với tầm nhìn xa trông rộng, dự đoán trước âm mưu thâm độc của kẻ thù sẽ tìm cách phá hoại Hiệp định Genève, chia cắt đất nước, đàn áp dã man Nhân dân ta, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quyết định lịch sử: bố trí một bộ phận cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam để lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống Mỹ, cứu nước. Đồng thời, chọn lựa những cán bộ, học sinh ưu tú, con em gia đình cách mạng cùng với bộ đội chủ lực tập kết ra Bắc để đào tạo, bồi dưỡng thành những lớp người kế cận, vừa góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Quyết định này thể hiện sự sáng suốt và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta, nhằm bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững ý chí quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thực hiện Chỉ thị của cấp trên, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã có quyết định sáng suốt: Cán bộ dân chính Đảng từ tỉnh đến cơ sở đều ở lại miền Nam để tiếp tục lãnh đạo Nhân dân đấu tranh chống Mỹ, cứu nước. Lực lượng tập kết ra Bắc bao gồm những đối tượng cụ thể: một số cán bộ Dân chính Đảng Trung ương có yêu cầu; bộ đội chủ lực; cán bộ khoa học - kỹ thuật có chuyên môn cao; thương, bệnh binh, cán bộ lão thành cần được chăm sóc, bồi dưỡng; và một số thanh niên, học sinh ưu tú, con em gia đình cách mạng để đào tạo thành những lớp người kế cận, xây dựng đất nước trong tương lai. Đồng thời, để động viên tinh thần của cả những người đi và người ở lại, một cuộc vận động tuyên truyền sâu rộng đã được triển khai với khẩu hiệu “Đi cũng vinh quang, ở lại cũng vinh quang”, khẳng định sự đóng góp quan trọng của mỗi cá nhân vào sự nghiệp chung của cách mạng.
NOI GƯƠNG NGƯỜI ĐI TRƯỚC
Trong bài tham luận gửi đến Hội thảo khoa học “200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử” do tỉnh Cà Mau tổ chức, Tỉnh ủy Bạc Liêu hôm nay khẳng định: Mặc dù thời gian đã lùi xa hơn 70 năm, nhưng ý nghĩa, giá trị tư tưởng của chủ trương tập kết ra Bắc vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự sâu sắc. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước ta nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, quyết tâm học tập, rèn luyện để xây dựng đất nước của thế hệ đi trước chính là nguồn cảm hứng lớn lao để thế hệ trẻ hôm nay không ngừng nỗ lực, phấn đấu, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh.
Bài và ảnh: NGUYỄN QUỐC
- Nhiều hoạt động hướng về học sinh
- TP. Bạc Liêu: Thực hiện Tết Quân - dân đến hết ngày 24/1
- Phó Chủ tịch nước - Võ Thị Ánh Xuân thăm, tặng quà Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn tại Bạc Liêu
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Thăm, chúc tết các đơn vị, cơ sở y tế trên địa bàn TP. Cần Thơ
- Bộ đội Biên phòng gặp mặt báo chí đầu Xuân