BÚA LIỀM VÀNG 2024
Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
>>> Bài 1: Chẩn đoán bệnh “sợ trách nhiệm” trong thực thi công vụ
Bài 2: Cấp trên nóng lòng, cấp dưới từ từ!
Ở góc độ chính trị, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức được hiểu là ý thức trong việc tích cực, chủ động thi hành công vụ, đồng thời là nghĩa vụ bắt buộc trước Nhân dân theo đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp không thực hiện hoặc không thực hiện tích cực mà gây thiệt hại thì sẽ chịu trách nhiệm với hậu quả gây ra. Có trách nhiệm với cơ quan, đơn vị, với nhiệm vụ được giao mà còn phải có trách nhiệm với Nhân dân sẽ góp phần tạo dựng hình ảnh tốt đẹp của những “công bộc” trong lòng Nhân dân. Tiếc thay, thái độ vô trách nhiệm của một số cán bộ, công chức, viên chức đã làm cho hình ảnh ấy phần nào bị phai mờ.
Ông Lê Chí Tôn - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh nêu ý kiến với lãnh đạo tỉnh tại buổi cà phê sáng gặp gỡ doanh nghiệp vào tháng 3/2024. Ảnh: KP
Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong quản lý đất đai
Tại các buổi cà phê sáng với lãnh đạo tỉnh trong năm 2024, ông Lê Chí Tôn - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, chủ đầu tư dự án Khu dân cư (KDC) ven sông Hoà Bình (huyện Hoà Bình) thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Bình Dương Bạc Liêu (gọi tắt là Công ty), liên tục kiến nghị với Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến vướng mắc của dự án. Theo đó, dự án KDC ven sông Hòa Bình đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đã có sổ đỏ chung nhưng do dự án chưa được bổ sung tên đường trong bảng giá đất của tỉnh nên ngành thuế không thể định giá để tính thuế đất, từ đó doanh nghiệp không thể chuyển quyền sử dụng đất cho người mua, ảnh hưởng đến sự "sống còn" của doanh nghiệp.
Trước đó, liên quan đến vấn đề này, ngày 17/1/2024, tại Thông báo 09/TB-UBND về kết luận phiên họp Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho ý kiến: cơ bản thống nhất áp dụng giá đường Quốc lộ 1 để tính thuế lệ phí trước bạ và nhà đầu tư phải có cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh và các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan tiến hành làm việc với Công ty Bình Dương Bạc Liêu để thực hiện khái toán toàn bộ giá trị lệ phí trước bạ của toàn dự án, có cam kết cụ thể. Sau khi thống nhất các nội dung, Sở TN&MT trình lại hồ sơ (chậm nhất trong tháng 1/2024) để UBND tỉnh xem xét, quyết định làm cơ sở tổ chức thực hiện.
Đây cũng là vướng mắc chung của nhiều doanh nghiệp hiện đang đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn. Theo thống kê, tỉnh Bạc Liêu hiện có đến 184 tuyến đường (bao gồm cả tuyến đường của các dự án) đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng nhưng chưa có trong bảng giá đất hiện hành. UBND các huyện Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Đông Hải, TX. Giá Rai, TP. Bạc Liêu; Ban QLDA khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; các doanh nghiệp khác có dự án phát triển nhà ở đều có tờ trình, kiến nghị đề xuất bổ sung. UBND tỉnh cũng xác định các địa phương kiến nghị bổ sung giá đất của 184 tuyến đường (trong đó có dự án của Công ty Bình Dương – Bạc Liêu) là rất cấp bách và cần thiết nhằm giải quyết cho người dân trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất; đề nghị Sở TN&MT chủ động liên hệ trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh bạn lân cận cũng như trao đổi, thống nhất với Sở Tư pháp để tham mưu UBND tỉnh cho phù hợp.
Mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo rất cụ thể, rõ ràng, thậm chí cho cơ chế thoáng để sớm gỡ khó cho doanh nghiệp và các địa phương (yêu cầu tham khảo các tỉnh bạn), thế nhưng, sau gần 10 tháng, Sở TN&MT cũng chỉ dừng lại ở việc gửi các yêu cầu bổ sung cho các doanh nghiệp, địa phương; gửi tờ trình, báo cáo, xin ý kiến đến UBND tỉnh, đến Bộ TN&MT và đề xuất, kiến nghị nhưng không giải quyết được mong muốn của doanh nghiệp và cũng không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh.
Cùng một sự việc tương tự, ông Lê Chí Tôn dẫn chứng tại tỉnh Hậu Giang, để giải quyết cho vướng mắc của Công ty TNHH Đầu tư khai thác chợ Tâm Nghĩa về giá đất chuyển nhượng tại dự án KDC Đại Thành, TP. Ngã Bảy, Cục thuế tỉnh Hậu Giang thống nhất với đề xuất của Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang, giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp theo hướng xác định mức giá đất liền kề với dự án KDC theo vị trí. Ngành chức năng cho doanh nghiệp làm cam kết, sau này UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Bảng giá đất ở các tuyến đường cao hơn mức đã thực hiện đóng lệ phí thì Công ty phải có trách nhiệm nộp bổ sung phần chênh lệch tăng thêm, ngược lại thấp hơn thì không hoàn lệ phí. Rõ ràng, cách giải quyết tình huống trên của tỉnh Hậu Giang không làm khó doanh nghiệp, cũng không gây thất thu cho ngân sách nhà nước, lại tạo điều kiện cho người dân được làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện được các quyền của người sử dụng đất một cách nhanh chóng.
Tại Bạc Liêu, từ tháng 1/2024, Chủ tịch UBND tỉnh cũng có chỉ đạo tương tự, tuy nhiên, dù tỉnh rất nóng lòng giải quyết, gỡ khó cho doanh nghiệp, thì các sở, ngành có liên quan vẫn chậm rãi nghiên cứu, “từ từ xin ý kiến”. Cách giải quyết kiểu này, các cơ quan thực thi công vụ cũng không bị ảnh hưởng gì, chỉ có doanh nghiệp, và người dân nằm trong 184 tuyến đường kia là thiệt đơn thiệt kép.
Khu đất chợ Trần Huỳnh (cũ) đến nay cỏ cây mọc cao um tùm, trở thành một trong những khu đất vàng bị bỏ hoang phí giữa lòng đô thị. Ảnh: KP
Cơ chế xử lý cán bộ “sợ trách nhiệm”
Tại Hội nghị đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 hồi cuối tháng 8/2024, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều đánh giá, chỉ số tiếp cận đất đai 3 năm liên tiếp giảm điểm cho thấy doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, về tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ. Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ thẳng trách nhiệm chính thuộc về Sở TN&MT và UBND các huyện, thị xã, thành phố, đề nghị thời gian tới phải có giải pháp hiệu quả để khắc phục các hạn chế này.
Nêu thẳng tên bệnh “sợ trách nhiệm”, trong nhiều cuộc họp, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ ra rằng, hiện tại biểu hiện của “sợ trách nhiệm” đang âm ỉ trong cán bộ, công chức, không loại trừ các các vị lãnh đạo đứng đầu ngành, đơn vị, chính quyền địa phương. Theo cơ chế hiện nay, nhiệm vụ gắn liền với trách nhiệm, ai làm sai đều bị xử lý, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, vì vậy thái độ thận trọng trong xử lý công viêc là cần thiết. Tuy nhiên, nếu chuyển biến thành tâm lý sợ sệt, cái gì cũng không dám làm, cái gì cũng xin ý kiến, đẩy cái việc lẽ ra là trách nhiệm của mình cho cơ quan khác, cho cấp trên thì đã không còn là sự thận trọng mà chính là sợ trách nhiệm! Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều nhiều lần đề nghị Đảng viên, cán bộ, công chức phải mạnh dạn làm (ở đây chính là thực thi công vụ), “làm vì cái chung, vì dân, không có tiêu cực thì đâu có gì phải sợ”. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trong các cuộc họp về cán bộ cũng đã nói rất nhiều lần: “Trong thực thi công vụ, nếu cán bộ, công chức nào không chịu làm, làm không được thì đứng sang một bên cho người khác làm”.
Box:
Tại kỳ họp Quốc hội tháng 5/2024, nói về vấn đề xử lý đối với cán bộ có biểu hiện “sợ trách nhiệm”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức sợ sai, sợ trách nhiệm né tránh, không dám là chưa có dấu hiệu thuyên giảm đúng như các đại biểu phản ảnh. Bộ trưởng khẳng định, đến thời điểm này, các văn bản của Đảng, Nhà nước đã rất đầy đủ, mới đây nhất là quy định 144 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Ngoài ra còn có các quy định gắn với đánh giá xếp loại, xử lý kỷ luật cán bộ công chức đồng bộ; trong đó coi việc né tránh trách nhiệm, sợ sai không dám làm là hành vi vi phạm để có căn cứ xử lý.
Kim Phượng
- Đoàn Thanh niên chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Chiến lược hạ tầng số: Xây dựng một quốc gia số hiện đại và phát triển bền vững
- Khởi tạo chữ ký số VNPT trên ứng dụng VNeID
- Sở NN&PTNT kiểm tra, khắc phục hậu quả do mưa lớn và triều cường gây ra
- Bạc Liêu hoàn tất bầu cử trưởng khóm/ấp nhiệm kỳ 5 năm