Biển đảo yêu thương
Những “cột mốc” chủ quyền giữa trùng khơi
Bạc Liêu có 56km bờ biển, ngư trường rộng hơn 40.000km2 cùng với đa dạng các loài hải sản có giá trị kinh tế cao, vì vậy ngư dân có điều kiện, lợi thế để làm giàu. Với họ, biển luôn có sức hấp dẫn kỳ diệu, là quê hương thứ hai của mỗi người. Do đó, việc khai thác đi cùng với ý thức bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc đã trở thành nghĩa vụ thiêng liêng của gần 7.000 ngư dân trong tỉnh.
>>Bài 1: Thiêng liêng cờ Tổ quốc trên biển
Bài 2: Tăng cường sức mạnh cho ngư dân
Song hành cùng lá cờ Tổ quốc trên biển, ngư dân Bạc Liêu chưa bao giờ chùn bước trước mọi thách thức, hiểm nguy, bởi họ không ngừng được củng cố sức mạnh. Từ những con tàu lẻ loi đánh bắt theo kiểu mạnh ai nấy làm, thì nay họ đã liên kết thành những đội tàu hùng mạnh, có sự trợ lực của các cấp, các ngành và lực lượng vũ trang nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo diễn tập kiểm tra gian hàng triển lãm dụng cụ hậu cần trang bị cho một chuyến biển của ngư dân tại cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải).
LIÊN KẾT NHỮNG ĐỘI TÀU
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, những năm gần đây, Sở NN&PTNT phối hợp với Bộ đội Biên phòng, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân, các chủ tàu cá và thuyền trưởng về chủ trương, mục đích, yêu cầu, quyền và nghĩa vụ của các thành viên khi tham gia tổ, đội khai thác hải sản trên biển.
Theo Sở NN&PTNT, có 2.500 ngư dân đã được tuyên truyền sơ đồ về một số ranh giới biển, quy định về vùng, tuyến khai thác, về hợp tác khai thác hải sản giữa Việt Nam với các nước. Các thuyền trưởng còn được cung cấp kiến thức về Luật Thủy sản một số nước Đông Nam Á…
Hiện tại toàn tỉnh đã thành lập được 81 tổ, đội, 2 hợp tác xã khai thác hải sản trên biển với 324/1.300 chiếc tàu tham gia, 2.600 người trực tiếp lao động theo tổ, đội. Trong đó, huyện Đông Hải có 55 tổ với 159 chiếc tàu; huyện Hòa Bình: 2 hợp tác xã, 39 chiếc tàu; huyện Vĩnh Lợi: 2 tổ, 10 chiếc tàu; TX. Giá Rai: 13 tổ với 43 chiếc tàu và TP. Bạc Liêu: 9 tổ với 73 chiếc tàu. Các tổ, đội khai thác hải sản trên biển được tập hợp từ 3 chiếc tàu trở lên theo tiêu chí cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú và cùng họ hàng, anh em, bạn bè thân thích với nhau. Các tổ, đội tàu được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, được UBND cấp xã ra quyết định công nhận.
Hoạt động của các tổ, đội nhằm giúp đỡ nhau khai thác biển, đảm bảo tốt công tác luân chuyển dịch vụ hậu cần nghề cá. Từ đó làm giảm chi phí đi lại, nâng cao giá trị sản phẩm, kéo dài thời gian bám biển và tăng lên hiệu quả khai thác.
Ông Nguyễn Văn Kỉnh (chủ của 5 chiếc tàu đánh bắt xa bờ mang tên Mỹ Xuyên ở phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) cho biết, đoàn tàu của ông khi tham gia tổ khai thác đã giảm 30% chi phí nhờ vào dịch vụ hậu cần nghề cá và tăng thời gian bám biển từ 3 lên 4 tháng cho mỗi chuyến ra khơi. Ngoài ra, các tổ, đội tàu còn hỗ trợ nhau trong việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển theo quy chế đã được xây dựng. Thông qua hoạt động của các tổ, đội, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân về chủ quyền quốc gia, vùng đặc quyền kinh tế… cũng được cơ quan chức năng thực hiện thuận lợi. Đặc biệt là các đoàn tàu thể hiện vai trò như những cánh tay nối dài của lực lượng vũ trang trên biển. Mọi diễn biến tình hình trên biển đều được các đội tàu cung cấp kịp thời về đất liền.
Ông Trần Xí Khuôl, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết mô hình này sẽ được nhân rộng toàn tỉnh trong thời gian tới đi kèm với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh dành cho tổ, đội tàu.
Thực binh tuyên truyền, xua đuổi tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép ra khỏi vùng biển Việt Nam trong khuôn khổ Diễn tập huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tại cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải) năm 2017. Ảnh: T.Đ
NÂNG TẦM DÂN QUÂN TỰ VỆ BIỂN
Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, việc phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh trên biển, đảo trong tình hình mới luôn được tỉnh đặc biệt chú trọng.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, công tác tổ chức, biên chế, huấn luyện lực lượng dân quân biển được tiến hành thường xuyên, liên tục, sát với tình hình, nhiệm vụ của địa phương. Hàng năm, công tác giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nhất là diễn tập sẵn sàng chiến đấu, nâng cao chất lượng mọi mặt cho dân quân biển được coi là nhiệm vụ quan trọng trước mắt và lâu dài. Dân quân biển vừa tham gia đánh bắt, khai thác thủy sản, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tạo sự liên kết và tăng cường sức mạnh cho ngư dân bám biển.
Thực hiện Nghị định 30 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển. Riêng TP. Bạc Liêu đã đăng ký, quản lý và sẵn sàng điều động 8 tàu cá có công suất lớn với gần 100 thuyền viên thực hiện nhiệm vụ. Các ngành, các cấp của thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch bảo đảm cho việc huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển của Việt Nam trong thời gian 35 ngày. Cụ thể, bảo đảm tiền công lao động, chi phí xăng dầu, lương thực, thực phẩm, công cụ hỗ trợ, doanh thu của tàu trong tháng…
Thiếu tá Nguyễn Thanh Thiện, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Gành Hào (huyện Đông Hải), cho biết thêm, dân quân biển của huyện được xây dựng thành một trung đội hoàn chỉnh, thường xuyên phối hợp tuần tra, bảo vệ biên giới biển và dọc bờ biển cùng với Bộ đội Biên phòng, Công an và Kiểm lâm. Chính quyền địa phương rất quan tâm trang bị hệ thống thông tin liên lạc, huấn luyện… để lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá, cho vay lưu động và vay nâng cấp tàu, UBND tỉnh đã phê duyệt số tiền hàng chục tỷ đồng, ưu tiên cho tàu của dân quân biển. Cùng với đó, các địa phương ven biển còn phối hợp với cơ quan chức năng lắp đặt máy định vị vệ tinh khai thác hải sản xa bờ cho số tàu này, đề nghị hỗ trợ họ 217 chuyến đi biển với hơn 9,2 tỷ đồng. Tất cả chính sách hậu phương đang tạo điều kiện cho dân quân biển hoạt động ngày càng mạnh hơn, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển của đất nước.
Cùng với định hướng nâng cao chất lượng mọi mặt cho dân quân biển, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho rằng, tỉnh cần quan tâm thành lập nhiều hơn các tổ, đội khai thác hải sản tương xứng với điều kiện và tiềm năng hiện có, nhằm tạo thêm sức mạnh tổng hợp trên biển trong bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Đề nghị Chính phủ ưu tiên nguồn vốn đóng tàu có công suất lớn, trang bị hệ thống thông tin liên lạc hiện đại để ngư dân tham gia đánh bắt dài ngày. Cần tạo điều kiện cho lao động hợp đồng dài hạn để xây dựng lực lượng dân quân biển chất lượng ổn định, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, chúng ta nên có chính sách hỗ trợ gia đình cán bộ, chiến sĩ dân quân biển tham gia đánh bắt dài ngày trên biển.
Ban Chỉ huy Quân sự 3 huyện, thành phố ven biển của tỉnh đã kiến nghị Bộ Quốc phòng cần thống nhất xây dựng hệ thống thông tin liên lạc cho từng khu vực, có kế hoạch phối hợp giữa các lực lượng trên biển, gồm: Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Dân quân biển để kịp thời thông báo tình hình, hỗ trợ nhau. Đồng thời, trang bị thông tin liên lạc cho những đội tàu biên chế trong kế hoạch huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự của tỉnh để lực lượng dân quân biển báo cáo những tin tức quan trọng, giúp cơ quan chức năng xử lý hiệu quả và kịp thời.
TẤN ĐẠT
- Chính phủ tôn vinh, đối thoại Tổ công nghệ số cộng đồng
- Hội thao môn thực hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
- Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có người vi phạm nồng độ cồn
- Tổng kết Năm Dân vận khéo cấp tỉnh tại xã Ninh Quới A và kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng
- Họp mặt các doanh nghiệp nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam