Biển đảo yêu thương
Gặp người lính Trường Sa giữa đời thường
Trong một chuyến đi sáng tác về nông thôn mới ở xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long) do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức, tôi tình cờ gặp anh Bùi Văn Hùng, một người lính Trường Sa đang sống nơi vùng nông thôn với công việc của một nhà nông. Gia đình anh cũng là một trong những nhân tố tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Năm 1984, anh Hùng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Đơn vị của anh là Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân (đóng quân tại Cam Ranh). Sau thời gian huấn luyện, anh được chọn làm nhiệm vụ canh giữ nơi địa đầu của Tổ quốc - đảo Trường Sa. Anh còn nhớ như in ngày đầu xuống tàu ra đảo là vào đầu tháng 6/1984. Sau mấy ngày lênh đênh trên biển, tàu cập bến đảo Trường Sa lớn. Khi ấy, cơ sở vật chất, hạ tầng ở đảo còn rất khó khăn.
Đêm đầu tiên trên đảo anh không chợp mắt được. Anh không ngờ mình lại có vinh dự được làm người lính giữ đảo Trường Sa. Anh thầm tự hào mình là người lính Cụ Hồ, với bản lĩnh kiên cường, hy sinh, gian khổ nào cũng vượt qua. Các thế hệ cha anh đi trước đã đổ xương máu để thống nhất đất nước thì thế hệ hôm nay phải góp sức để bảo vệ biên cương bờ cõi, gìn giữ nền độc lập, tự do ấy.
Đêm, anh bồng súng đứng trên vọng gác mà lòng miên man. Hướng tầm mắt xa khơi, xung quanh là các đảo Chìm, đảo Song Tử Tây, đảo San Hô… Những lúc như thế anh lại càng nhớ nhà, nhớ quê hương. Càng nhớ quê, anh càng quyết tâm công tác tốt, giữ vững bình yên nơi tuyến đầu Tổ quốc để hậu phương yên tâm tăng gia sản xuất, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.
Ngày, nắng cháy da người, những dãy nhà lợp thiếc thấp lè tè càng nung thêm cơn khát. Cuộc sống ở đảo gian khổ, thiếu thốn đủ điều, nhưng ý chí và lòng quyết tâm của những người lính đảo thì không gì lay chuyển được. Dù ở đảo xa nhưng tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ luôn được trui rèn, tôi luyện mỗi ngày với tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc.
Hơn 15 tháng làm nhiệm vụ ở đảo là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong đời lính của anh. Ở đó, anh có niềm tự hào, kiêu hãnh của một người lính làm nhiệm vụ thiêng liêng nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Rời quân ngũ, anh về lại quê xưa, lập gia đình với một cô thôn nữ qua lời mai mối. Gia tài anh chỉ có 2 công đất, khi tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp mở ra, cắt ngang phần đất gia đình, anh còn lại 1 công. Với phần đất còn lại, anh bao ngạn nuôi cá, mở quán bán cà phê, hủ tíu, tạp hóa, mở sân bóng chuyền… Thời gian rảnh, anh đi làm thuê bất cứ việc gì, không nề hà gian khổ. Và nay, hai người con gái của anh, một đang học đại học tại Cần Thơ và một đang học tại trường Đại học Bạc Liêu. Cuối năm này, con gái lớn ra trường sẽ công tác trong ngành Giáo dục. Đây cũng là niềm tự hào của gia đình anh khi nuôi dạy các con khôn lớn, nên người.
Châu Khánh
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước