Bạc Liêu tình đất - tình người
Bạc Liêu, yêu mới biết
Tỉnh Bạc Liêu nay có nhiều công trình văn hóa làm thành hệ thống níu chân du khách, khác hẳn dăm năm trước. Ở những điểm văn hóa hấp dẫn ấy dễ gặp các thuyết minh viên làm việc hoàn toàn tự nguyện theo niềm đam mê thôi thúc như điều họ nói “Tôi yêu Bạc Liêu”.
Cổng chào vầng trăng khuyết ở cửa ngõ thành phố Bạc Liêu. Ảnh: Sáu Nghệ |
Ngày xưa
Lừng danh cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu tác giả bản Dạ Cổ Hoài Lang bất hủ, cùng gia đình lênh đênh con thuyền từ tỉnh Long An qua nhiều nơi, cuối cùng dừng chân ở Bạc Liêu vào năm 1900. Ông học nhạc với thầy gốc Bạc Liêu, yêu một cô gái Bạc Liêu và trắc trở tình duyên nên một đêm trăng tháng Tám năm 1919, với cây đờn kìm trong tay làm nên điệu thức réo rắt lòng người đến nay: “…Đường dù xa ong bướm. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang…”.
Anh Thư giới thiệu chiếc Đồng hồ Thái Dương do ông Lưu Văn Lang quê Đồng Tháp làm ra mà trên thế giới hiện chỉ còn cái thứ hai ở Thủ đô Luân Đôn của Anh. Đồng hồ chỉ giờ theo bóng nắng mặt trời nên còn gọi Đồng hồ Mặt trời, dân Bạc Liêu gọi nôm na Đồng hồ Đá vì được xây bằng gạch và đá. Đồng hồ cao khoảng một mét, rộng 0,8 mét quay hướng đông; gồm một khối chữ nhật ở giữa nhô ra trước, hai khối hình vuông cân đối hai bên vạch số La Mã để chỉ giờ. Khối chữ nhật nhô ra sẽ đổ bóng xuống mặt số hai bên, vào vạch nào thì đó là giờ. Năm 2006, tỉnh Bạc Liêu xếp hạng Đồng hồ Thái Dương là Di tích Lịch sử - Văn hóa của tỉnh.
Nói về ông Lưu Văn Lang, sinh năm 1880, mất năm 1969 tại làng Tân Phú Đông (Sa Đéc, Đồng Tháp), tốt nghiệp kỹ sư tại Pháp năm 1904, coi việc cầu đường ở ĐBSCL. Giỏi kỹ thuật và để đáp lại thịnh tình của người Bạc Liêu, ông xây tặng đồng hồ. Sau đó, nhiều người giàu có trong vùng như Công tử Bạc Liêu cho xây theo nhưng đều không chỉ đúng giờ vào các mùa khác nhau. Đồng hồ Đá chính xác tới mức gần trăm năm qua, nhiều người đã đến đây để chỉnh đồng hồ đeo tay.
Cũng mới được xây dựng khang trang là Di tích lịch sử quốc gia ở xã Phong Thạnh B (Giá Rai, Bạc Liêu), ghi dấu sự kiện rúng động dư luận một thời. Cô thuyết minh xinh đẹp dẫn du khách đi qua khu mộ gia đình Mười Chức, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, cụm tượng tái hiện trận đánh lịch sử giữa gia đình Mười Chức với bọn Tây cướp lúa, xảy ra ngày 16/2/1928. Cuộc đọ sức đẫm máu làm gia đình Mười Chức chết 4 người, viên cảnh sát Pháp Tournier thiệt mạng.
Tại phiên tòa đại hình xử vụ án, Công tố viên Moreau đề nghị tòa thận trọng, cho rằng vụ này chứng tỏ bất ổn xã hội về đất đai đang tăng lên rất nghiêm trọng. Hai vị luật sư người Pháp bào chữa miễn phí. Luật sư Tricon ca ngợi người nông dân và nói: “Chúng ta nên xây dựng ở xứ này một chế độ độc tài. Không phải độc tài bằng sức mạnh của súng đạn, nhưng là sự độc tài của trái tim”. Luật sư Zévaco ca ngợi công tố viên và nói: “Bốn người đã chết vì họ tưởng rằng có thể tự lực gìn giữ phần đất ruộng mà họ đã từng rưới mồ hôi và máu của họ lên đó”. Tòa đã tha bổng những người nông dân, ghi nét son vào sử Bạc Liêu. Dịp năm mới, huyện Giá Rai lại tổ chức Lễ hội đồng Nọc Nạn.
Hôm qua
Một góc Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ |
Ngồi trong ngôi nhà mái ngói uốn cong nghe đờn ca tài tử, bâng khuâng nhớ những lần nghe đờn ca tài tử trên thuyền, ngoài vườn, ruộng. Đờn ca tài tử sinh ra từ những nơi đó nhưng để du khách có thể cảm nhận được vẻ đẹp tinh tế của nó, cần không gian thuần khiết. Nghệ sỹ cải lương Bạch Tuyết mơ ước trên quê hương cải lương có nhà hát riêng cho cải lương cỡ “nhà hát vỏ sò bên Úc”. Chưa có nhà hát thì sân khấu đằm sâu cũng ngọt ngào cho cải lương, cho đờn ca tài tử, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận vào ngày 5/12/2013.
Chương trình đờn ca tài cử có một bản tân cổ, giới thiệu lịch sử Bạc Liêu hai lần giành chính quyền không đổ máu: “Bạc Liêu ngày ấy, ngày không nổ súng. Ngày của tình người, ngày hội non sông”. Bài hát kể, Bạc Liêu cướp chính quyền ngày 23/8/1945 và sáng 30/4/1975, giải phóng trước Sài Gòn gần một buổi, đều không có tiếng súng, không có đổ máu, rồi kết: “Lịch sử sang trang lên tầm cao mơ ước, con thấy mẹ cười trọn vẹn một niềm vui”.
Cô thuyết minh Nguyễn Phạm Phương Quyên cho biết đó là bài Bạc Liêu ngày ấy của Trọng Nguyễn. “Cô thích bài hát không?”, khách hỏi. Phương Quyên đáp ngay: “Thích lắm vì không có cảnh giết chóc, nói đúng tâm hồn người Bạc Liêu”. Bài Bạc Liêu hoài cổ của Thanh Sơn có câu: “Bạc Liêu là xứ cơ cầu. Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu”, xứ này từ xưa quần tụ người bốn phương, đối đãi với nhau ân tình mà làm nên văn hóa vùng đất, vùng quê. Nên da diết:“Bạc Liêu thương quá ... hình bóng quê nhà”.
Chuyện với cô thuyết minh trẻ trung lại chạnh buồn nhớ về vài vụ án. Giữa năm 1999, khởi sự vụ án lôi bà Giám đốc Sở Tài chính Trần Tuyết Dung ra tòa, xử nhiều lần trong 5 năm, cuối cùng bà vô tội. Chục năm sau, lôi Chánh văn phòng UBND tỉnh Bùi Thanh Hồng ra tòa cũng qua nhiều lần xử, tuyên bản án khiến nhiều cán bộ nghỉ hưu (có nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu) ký đơn kêu oan giùm. Vụ án sau còn làm lụn bại một doanh nghiệp. Tại sao thời bình mà người ta lại đối xử với nhau đôi lúc thiếu tình yêu thương? Rồi mới hay, nỗi đau cũng dần lui về quá khứ, bà Trần Tuyết Dung nay nghỉ hưu khỏe mạnh, vui cùng cháu nội.
Hôm nay
Cô Nguyễn Trang Anh Thư cho biết, khi Tỉnh ủy có chủ trương “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”, Tỉnh Đoàn thành lập Câu lạc bộ Thuyết minh viên du lịch. Câu lạc bộ do Anh Thư làm chủ nhiệm, nay có gần 100 bạn trẻ ở nhiều ngành nghề, sinh ra ở nhiều quê, chung tình yêu Bạc Liêu nên tình nguyện làm thuyết minh viên giới thiệu văn hóa Bạc Liêu với du khách. Cũng như Anh Thư quê không phải Bạc Liêu còn có Phó chủ nhiệm Phạm Trần Thùy Linh, giảng viên trường Đại học Bạc Liêu, quê ở tỉnh Phú Yên và rất nhiều người nữa. “Ai cũng chỉ có một thời tuổi trẻ để cống hiến và mỗi chuyến giới thiệu là kỷ niệm đẹp, hành trang quý giá cho cuộc đời”, Anh Thư tâm sự.
Nguyễn Trang Anh Thư bên Đồng hồ Thái Dương |
Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Dũng giải thích chủ trương đi lên bằng văn hóa là “nâng cao yếu tố văn hóa trong mọi lĩnh vực, cả trong kinh tế”. Văn hóa theo ông gồm văn học, nghệ thuật, di sản văn hóa, du lịch và đặc biệt là “tính cách người Bạc Liêu”. Tính cách ấy: Hiếu khách, lịch thiệp trong quan hệ đối ngoại; khoan dung, nghĩa tình trong đối nội; trân trọng và cầu thị với đối tác, các doanh nghiệp.
Có một “Bạc Liêu giấc mơ tình yêu” như câu hát của Thanh Sơn, hành trình mải miết vượt qua mọi biến cố, trắc trở và cả lầm lẫn, không ngừng đi tới sự hoàn mỹ. Ở cửa ngõ thành phố Bạc Liêu mới dựng cái cổng như vầng trăng khuyết vươn trời xanh chào du khách: Hẹn gặp lại. Cuộc sống đề cao giá trị văn hóa hứa hẹn sẽ ngày càng tròn đầy viên mãn.
Có một “Bạc Liêu giấc mơ tình yêu” như câu hát của Thanh Sơn, hành trình mải miết vượt qua mọi biến cố, trắc trở và cả lầm lẫn, không ngừng đi tới sự hoàn mỹ.
Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Dũng giải thích về chủ trương đi lên bằng văn hóa là “nâng cao yếu tố văn hóa trong mọi lĩnh vực, cả trong kinh tế”.
Theo phapluattp.vn
- Chính phủ tôn vinh, đối thoại Tổ công nghệ số cộng đồng
- Hội thao môn thực hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
- Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có người vi phạm nồng độ cồn
- Tổng kết Năm Dân vận khéo cấp tỉnh tại xã Ninh Quới A và kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng
- Họp mặt các doanh nghiệp nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam