An toàn giao thông
Việc quản lý học sinh đi xe gắn máy đến trường như thế nào?
Cô Trần Thị Khiếm (Phó Hiệu trưởng trường THPT Bạc Liêu): Công khai hạ hạnh kiểm học sinh trước toàn trường
Để giải quyết hiệu quả tình trạng học sinh đi xe gắn máy, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức cho 100% học sinh ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông, đồng thời công khai hình thức kỷ luật. Học sinh vi phạm Luật Giao thông dưới hình thức nào cũng bị hạ hạnh kiểm và thông báo về gia đình. Việc phân loại phương tiện học sinh đến trường cũng được Đoàn trường thực hiện xong, có 16 em học sinh đăng ký đi học bằng xe gắn máy trên 50cm3, và những em này phải trình GPLX với nhà trường để được sử dụng xe gắn máy đến trường. Còn những trường hợp không đăng ký mà lén lút sử dụng, khi phát hiện thì nhà trường sẽ có biện pháp kỷ luật theo quy định.
Thượng tá Nguyễn Đình Khiêm, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh: Kiến nghị nâng cao mức xử phạt để tăng hiệu quả xử lý vi phạm
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông trong tỉnh đã ráo riết chốt chặn và xử lý vi phạm Luật Giao thông, trong đó có hành vi lái xe phân khối lớn không có GPLX. Tuy nhiên, số lượng vi phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên vẫn còn ở mức cao. Theo quy định, mức xử phạt đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là 80.000 đồng và tạm giữ phương tiện 10 ngày, mức phạt này xem ra còn quá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe. Hiện, chúng tôi đã kiến nghị nâng cao mức xử phạt để tăng hiệu quả xử lý vi phạm.
Hoàng Tuấn Anh, chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT: Nên xem xét lại độ tuổi học sinh được đi xe gắn máy đến trường
Hiện nay, đời sống xã hội phát triển nên việc sử dụng xe gắn máy làm phương tiện đi lại rất thông dụng, tiết kiệm được thời gian, chi phí. Vì thế, nhiều gia đình đã trang bị xe gắn máy với mong muốn cho con có điều kiện học hành tốt hơn. Đặc biệt là những học sinh cuối cấp, phải đi học nhiều buổi, liên tục, trong khi gia đình không thể đưa rước được. Trước thực tế này, thiết nghĩ ngành chức năng nên xem xét hạ thấp độ tuổi của học sinh được phép điều khiển xe gắn máy đến trường.
Chị Nguyễn Ngọc Hân (ngụ phường 1, TP. Bạc Liêu): Cần hỗ trợ xe đưa rước học sinh
Ngoài buổi học chính, các học sinh, nhất là học sinh khối 12 còn phải học phụ đạo, học thêm nên việc đưa rước khó có thể kham nổi. Vì thế, tôi phải trang bị cho con xe gắn máy để cháu đi học thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm và giúp các em an toàn trong việc đi lại, thiết nghĩ nhà trường và ngành chức năng nên phối hợp hỗ trợ xe đưa rước. Nếu làm được điều này thì nhà trường, phụ huynh và học sinh không phải lo lắng mỗi khi ra đường.
T.H - T.Q (thực hiện)
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới