An toàn giao thông
Văn hóa giao thông nhìn từ chiếc mũ bảo hiểm
Vượt qua khó khăn ban đầu, việc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm (MBH) bắt buộc đối với người đi mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường giao thông theo Nghị quyết 32 của Thủ tưởng Chính phủ đã lan tỏa sâu rộng và tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Thế nhưng, hiện vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông lại “thờ ơ” với chiếc mũ đang giúp bảo vệ an toàn cho chính bản thân mình.
Vẫn còn nhiều người không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ảnh: T.H
Đội MBH - nét đẹp văn hóa giao thông
Nhớ lại thời gian đầu bắt tay vào thực hiện quy định bắt buộc đội MBH đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, vẫn còn có những ý kiến trái chiều. Thế nhưng, với vai trò bảo vệ người tham gia giao thông tránh được những tổn thương không mong muốn khi xảy ra tai nạn giao thông (TNGT), chiếc MBH không lâu sau đó đã trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu đối với người dân lưu thông bằng mô tô, xe gắn máy. Từ khi tham gia đội MBH, tỷ lệ người chấn thương sọ não do TNGT giảm rõ rệt và thói quen đội MBH đã tạo thành nét đẹp văn hóa giao thông trong Nhân dân.
Theo thống kê gần nhất của ngành chức năng, tỷ lệ người đội MBH của người điều khiển, người ngồi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện tham gia giao thông đã đạt trên 95%. Thói quen văn hóa này đã chung tay, góp sức quan trọng trong việc giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí, đặc biệt là giảm đáng kể số trường hợp tử vong do chấn thương sọ não khi tham gia giao thông đường bộ.
Liên tục kết quả trên, Ủy ban ATGT quốc gia, Ban ATGT tỉnh và các địa phương, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) ngày càng có thêm nhiều hoạt động mang ý nghĩa nhân văn như tăng cường tuyên truyền, vận động các nguồn xã hội hóa để tặng MBH đạt chuẩn cho các gia đình chính sách, người dân có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm, khi bước vào năm học mới, 100% học sinh lớp 1 trên toàn quốc đều được tặng MBH với thông điệp vô cùng sâu sắc: “Giữ trọn ước mơ”.
Mỗi người tham gia giao thông, thông qua việc đội MBH đạt chuẩn, đúng cách, cũng là thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của mình. Và hơn hết, đó là thói quen văn hóa đã và đang được lan tỏa ngày càng rộng rãi trong cộng đồng.
Thói quen… khác người
Bên cạnh những nghĩa cử, thói quen, hình ảnh đẹp vừa đề cập ở trên, đáng buồn là hiện nay, vẫn còn một số ít người dân thiếu ý thức, đi ngược lại với chủ trương, quy định về đảm bảo TTATGT. Gần nhất là hành vi không đội MBH khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy. Chị Lê Lan (TP. Bạc Liêu) phản ánh: “Nơi nào ít có sự tuần tra, kiểm soát của CSGT là một số người tham gia giao thông lại lơ là, không chấp hành quy định đội MBH. Thường thấy nhất là ven tuyến Quốc lộ 1A đi qua địa bàn huyện Hòa Bình, TX. Giá Rai. Bên cạnh đó, ở các xã, phường ven biển của TP. Bạc Liêu, tình trạng không đội MBH khi đi mô tô, xe gắn máy cũng diễn ra khá nhộn nhịp, tập trung vào các buổi chiều”.
Lần theo phản ánh của người dân, chiều 14/4, chúng tôi có mặt tại ngã tư Hiệp Thành (khu vực giao nhau giữa đường Cao Văn Lầu và tuyến đường Giồng Nhãn - Gò Cát) thuộc địa bàn phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu). Qua quan sát, chưa đầy 10 phút, chúng tôi đã chứng kiến hơn 10 trường hợp lưu thông bằng xe gắn máy không đội MBH. Có vẻ, đây đều là người dân sở tại, lưu thông với cự ly gần, quanh quẩn ở địa phương nên không hề ái ngại bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. Có người điều khiển xe gắn máy nhưng nón lá cặp nách, hoặc đội mũ lưỡi trai, cũng có người treo sẵn MBH trên xe nhưng không đội để bảo vệ an toàn cho chính mình.
Người viết chợt liên tưởng đến câu chuyện của một chị bạn vừa kể, trong lúc đi rước con, chị quên mang theo MBH cho bé. Không có MBH, cậu bé cứ chần chừ không muốn lên xe với lời trách: “Mẹ không mang MBH cho con, lỡ bị tai nạn thì đầu con bị thương đó mẹ”. Trong nhận thức non nớt của một học sinh tiểu học, bé đã ý thức được việc chấp hành nghiêm quy định pháp luật về TTATGT, thấy áy náy khi mình làm chưa đúng - đó là bài học về ATGT mà bé được thầy cô dạy ngay khi vừa bắt đầu năm học. Do sơ sót, nhưng người mẹ cảm thấy vô cùng có lỗi và áy náy với con, nhất là việc mình không thực hiện tốt việc làm gương cho con trẻ trong chấp hành quy định pháp luật.
“Một ý thức giao thông, triệu nụ cười hạnh phúc” - thông điệp tuyên truyền này vẫn đang được kêu gọi từng ngày để người tham gia giao thông có ý thức trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, những người cùng tham gia giao thông và cả sự văn minh, an toàn của toàn xã hội. Trong khi cả hệ thống chính trị đang nỗ lực hết mình vì mục tiêu kéo giảm TNGT, giảm tối đa tỷ lệ người tử vong vì TNGT, thiết nghĩ, mỗi người tham gia giao thông cần ý thức đúng đắn về nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân. Đồng thời, đối với các khu vực, tuyến đường thường xuyên xảy ra vi phạm, CSGT nên tăng cường tuần tra, xử lý, tạo sức mạnh răn đe.
Mai Đinh
- Bạc Liêu đoạt 4 giải tại Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024 tại Quảng Ninh
- Họp mặt thầy cô giáo quê Minh Hải (cũ) tại TP. Hồ Chí Minh
- Huyện Phước Long: Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư ấp Vĩnh Lộc
- Khai mạc Tuần lễ Văn hóa, Du lịch gắn với Lễ hội Ok Om Bok năm 2024
- Hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Ninh Thuận tại TP. Hồ Chí Minh