An toàn giao thông
Quy định mặc áo phao khi đi đò, phà: Người dân không mặn mà
Mặc dù quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa về hành vi không mặc áo phao theo Nghị định 132 của Chính phủ đã chính thức có hiệu lực thi hành, nhưng thực tế cho thấy người dân vẫn chưa mặn mà với quy định này. Trong khi đó, những chuyến phà chở đầy người nhưng không được trang bị áo phao, dụng cụ nổi, mặc cho hiểm nguy chực chờ…
Nhiều hành khách vẫn chưa được trang bị áo phao khi đi trên phà (ảnh lớn), một số phương tiện trang bị áo phao rách tả tơi để “đối phó” với lực lượng chức năng (ảnh nhỏ). Ảnh: T.H
Kể từ ngày 1/7/2016, Điều 27, Nghị định 132 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với hành khách đi trên phương tiện chở khách ngang sông (đò, phà) mà không mặc áo phao cứu sinh, hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định xử phạt trường hợp chủ tàu, đò tối thiểu từ 200.000 đồng đến 4 triệu đồng (tùy theo loại phương tiện chở khách) nếu chuyên chở hành khách khi những người này không mặc áo phao. Trường hợp lực lượng chức năng phát hiện chủ phà, đò không trang bị hoặc trang bị không đủ áo phao, dụng cụ cứu sinh cũng sẽ bị phạt từ 200.000 đồng đến 3 triệu đồng. Quy định đã chính thức có hiệu lực nhưng qua ghi nhận thực tế, nhiều bến đò, bến phà chở khách trên địa bàn vẫn phớt lờ không thực hiện, có trường hợp chỉ thực hiện theo kiểu đối phó hình thức.
Quan sát những bến phà trên tuyến kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau, ở những bến được gắn bảng “Bến đò ngang văn hóa, an toàn”, trên các phương tiện mặc dù có trang bị phao tròn và áo phao nhưng số lượng khá hạn chế. Đồng thời, chủ bến cũng không yêu cầu hành khách phải mặc áo phao trước khi phà rời bến. Trên những con sông nhánh nằm ở các xã, các ấp thì nhiều phương tiện cũng không hề trang bị áo phao, dụng cụ nổi cá nhân dù trên phà chở hàng chục người và xe máy...
Là địa bàn có nhiều bến đò ngang, ở hai huyện: Hồng Dân và Phước Long, hoạt động đưa rước khách vẫn diễn ra bình thường như trước khi quy định có hiệu lực. Có dịp chứng kiến hình ảnh những chuyến phà không trang bị dụng cụ cứu hộ, phương tiện nhỏ, thô sơ cứ chòng chành trong mùa mưa bão chở theo hàng chục xe máy, người qua sông tiềm ẩn nguy cơ tai nạn xã Phong Thạnh Tây B (huyện Phước Long) mà thấy lo ngai ngái. Một người dân địa phương cho biết: “Hành khách nghĩ đơn giản là từ bến này sang bến kia cách nhau một con sông nhỏ, chỉ mất vài phút đồng hồ, nên mặc áo phao vừa phiền phức vừa mất thời gian. Ngoài ra, còn vì một lý do nữa là không phải phà, đò nào cũng có trang bị áo phao cho khách”.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm bến phà, bến đò thuộc đối tượng nằm trong quy định tại Nghị định 132 có hiệu lực từ ngày 1/7. Tình trạng “phớt lờ” trước quy định xử phạt hành chính cũng xảy ra tương tự tại nhiều bến sông khác. Trong khi đó, Nghị định 132 của Chính phủ đã nêu rõ các chủ tàu, chủ đò phải kiên quyết không cho phương tiện rời bến khi có hành khách chưa mặc áo phao; đối với những trường hợp cố tình không chấp hành thì buộc phải mời lên bờ. Tuy nhiên, giữa quy định và thực tiễn vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Tình hình giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây diễn biến phức tạp, trong khi có nhiều mối lo từ phương tiện khách ngang sông. Điều này cần sự hiểu biết, chấp hành nghiêm trước nhất từ phía người dân khi đi qua phà, đò. Bởi sự cố đáng tiếc có thể cướp đi tính mạng con người bất kỳ lúc nào do tâm lý chủ quan, nhất là vào mùa mưa bão.
Mai Đinh
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới
- Sạc không dây Rezence