An toàn giao thông
Quản lý học sinh sử dụng xe gắn máy đến trường: Cần sự đồng thuận từ nhiều phía
Hiện nay, việc sắm cho con em một chiếc xe gắn máy đối với các bậc phụ huynh không còn là chuyện khó. Vì thế, nhiều học sinh chưa đủ tuổi vẫn “ngang nhiên” điều khiển xe gắn máy, gây tâm lý lo ngại cho xã hội.
Thực trạng… buồn
Luật Giao thông đường bộ quy định rõ, học sinh trên 15 tuổi có quyền đăng ký sở hữu giấy tờ xe, đứng tên bảo hiểm xe, nhưng lại không được cấp bằng lái xe. Người đủ 16 tuổi trở lên mới được phép lái xe gắn máy dưới 50cm3 và người đủ 18 tuổi trở lên có GPLX mới được lái xe môtô. Trên thực tế, nhiều học sinh hiếu động, bốc đồng khi điều khiển xe dưới 50cm3 vẫn phóng nhanh vượt ẩu, chở quá số người quy định… không thua gì các xe gắn máy phân khối lớn. Tình trạng này xảy ra nhan nhản, nhưng việc quản lý vẫn còn lơi là, trong khi đa phần học sinh còn “non” trong xử lý các tình huống bất ngờ.
![]() |
Xe gắn máy được đông đảo học sinh sử dụng làm phương tiện đến trường. Ảnh: T.H |
“Huy động” nhiều giải pháp
Trong khi các trường THPT và ngành chức năng đang tìm mọi cách để giải quyết triệt để việc học sinh đi xe gắn máy và vi phạm Luật Giao thông, thì các em cũng có đủ các lý do để lách luật và trốn tránh việc gửi thông báo vi phạm về trường. Năm học 2012 - 2013, Sở GD-ĐT chủ động hơn trong việc thực hiện kế hoạch liên tịch với Ban An toàn giao thông và Tỉnh đoàn để liên kết quản lý, xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông, đặc biệt là học sinh sử dụng xe trên 50cm3 khi chưa có giấy phép (GPLX). Theo đó, các trường tiến hành điều tra phương tiện đến trường của học sinh, buộc gia đình và học sinh cam kết không vi phạm Luật Giao thông, công khai hình thức xử lý hạnh kiểm yếu đối với học sinh vi phạm. Một số trường còn phối hợp với Cảnh sát giao thông tuyên truyền, giáo dục tại các buổi chào cờ đầu tuần, chốt chặn ở cổng trường, kiểm tra GPLX ở bãi giữ xe nhà trường... Đoàn trường được xem là “chủ công” trong công tác quản lý và giáo dục học sinh chấp hành đúng luật. Các đơn vị trực thuộc Tỉnh đoàn cũng tổ chức nhiều hoạt động bổ ích như tọa đàm, hội thi, hội diễn, xuống đường tuyên truyền về ý thức chấp hành Luật Giao thông cho thanh, thiếu niên.
Mặc dù lực lượng Cảnh sát giao thông đã tích cực phối hợp nói chuyện chuyên đề với học sinh và tăng cường tuần tra kiểm soát, nhưng trong số 776 trường hợp lưu thông không có GPLX (tính từ đầu năm đến nay) thì đã có 40% trường hợp vi phạm ở lứa tuổi học sinh. Các bạn trẻ thường xuyên “đối phó” bằng cách không khai tên trường, lớp mình đang theo học mà chỉ khai địa chỉ cư trú, thậm chí khai khống tên trường để tránh bị kỷ luật (trừ khi các em đang mặc đồng phục, mang huy hiệu). Vì thế, gần 800 thông báo vi phạm được gửi đi các địa bàn dân cư mà chỉ có 2 trường hợp nhận được phản hồi - đây là một bất cập mà cơ quan Cảnh sát giao thông rất bức xúc. Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (Công an tỉnh), trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với các trường trên địa bàn để tổng kiểm tra, xử lý mạnh tay những học sinh không GPLX mà tự ý đi xe máy phân khối lớn. Vì đây được xem là một trong những lỗi trực tiếp gây ra tai nạn giao thông.
Năm An toàn giao thông 2012, giải pháp chấn chỉnh trật tự an toàn giao thông xem ra không thiếu, nhưng hiệu quả mang lại như thế nào thì còn tùy thuộc vào chất lượng công việc mà các ngành, các cấp thực hiện. Trong đó, sự kiên quyết trong quản lý và giáo dục con cái của các bậc phụ huynh là không ngoại lệ.
Hải Quyên
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới
- May áo thun đồng phục cao cấp