An toàn giao thông
Những công trình giao thông khiến dân… mòn mỏi
Bà Phan Thị Để (ấp Cái Cùng, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) bán bình bát trái than thở: Bán chỉ được 4.000 đồng trong một phiên chợ, nhưng phải tốn hết 2.000 đồng tiền đi đò. Mấy năm chờ đợi cây cầu bắc qua kênh Cái Cùng khiến bà con nơi đây thêm khổ sở và mòn mỏi.
2 xã mong 1 cây cầu
Sau khi cống Cái Cùng tháo dỡ để thông luồng vào năm 2009, đến nay cây cầu giao thông thay thế vẫn chưa được xây xong. Người dân 2 xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) và Long Điền Đông (huyện Đông Hải) phải “lụy” đò từ đó đến nay.
Một năm sau khi tháo dỡ cống, cây cầu bắc qua kênh Cái Cùng nối liền 2 xã này mới được khởi công xây dựng. Xây được mấy trụ cầu thì đến tháng 4/2010, việc thi công dừng lại. Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Ban quản lý dự án, Sở NN&PTNT, cho biết mố cầu phía huyện Hòa Bình không có mặt bằng xây dựng vì vướng 2 hộ chưa đồng ý giá bồi thường giải tỏa. Theo ông Tùng, 2 hộ này yêu cầu giá bồi thường từ 40 - 80 triệu đồng đối với mỗi mét ngang đất, gấp mười mấy lần giá quy định của Nhà nước. Ông Trần Thanh Tâm, Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình, cho biết: “Giá cả người dân đặt ra, UBND huyện và Sở NN&PTNT đã có tờ trình UBND tỉnh xem xét lại giá bồi thường cho phù hợp với giá thực tế”.
Trong khi ngóng trông cây cầu hoàn thành, người dân phải qua lại bằng đò. Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng ấp Cái Cùng, xã Long Điền Đông, cho biết: “Đoạn kênh chừng 300m có 3 bến đò đưa khách. Các bến này đều mở tự phát, không đảm bảo an toàn giao thông. Mạnh ai nấy đưa đò, tranh giành khách dẫn đến cự cãi”. Bên phía ấp Cái Cùng không có chợ, còn trường học thì xa nên người dân đi chợ, học sinh đến trường đều phải nhờ đò đưa qua xã Vĩnh Thịnh. Theo ông Thành, mỗi ngày có khoảng 200 lượt học sinh tiểu học phải đến trường bằng đò. Việc đi lại, mua bán bị cách trở khiến người dân nơi đây thêm gặp khó. Trường hợp bà Phan Thị Để nói trên là một ví dụ. Ông Lê Minh Phúc, người dân ấp Cái Cùng cho biết: “Buổi tối kêu đò khó khăn, giá mỗi lượt lên tới 5.000 - 10.000 đồng”. Vì chuyện thiếu 1 cây cầu mà nhiều người dân nơi đây đã đóng cửa nhà, bỏ đi nơi khác làm ăn.
Con đường dang dở
Tuyến đường Đầu Sấu - Vĩnh Lộc (huyện Hồng Dân) dài 12km, làm được phân nửa thì bỏ dở hơn 1 năm nay. Đây là một phần của đường Tỉnh lộ 978 nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 63 do Sở GT-VT làm chủ đầu tư.
![]() |
Một đoạn đường Đầu Sấu - Vĩnh Lộc (ảnh lớn) và cầu Cái Cùng xây dở dang (ảnh nhỏ). Ảnh: N.Q |
Nếu con đường này hoàn thành thì việc lưu thông từ xã Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A ra thị trấn Ngan Dừa, hoặc ra huyện Phước Long, TP. Bạc Liêu đều dễ và gần. Nhưng ngặt nỗi, nửa con đường còn dở dang nên người dân 2 xã này và một phần huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) đành chọn đi đường khác xa hơn, bất tiện hơn. Để ra thị trấn Ngan Dừa, nhiều người đi vòng qua Vĩnh Tuy (huyện Vĩnh Thuận) về Lương Nghĩa hoặc Lương Tâm (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang). Đi tuyến này họ phải qua 2 chiếc phà và đường dài thêm 4km. Còn học sinh thì không thể đi đường vòng, mà phải chấp nhận đi lại trên con đường gồ ghề.
Ông Tụy cho biết thêm: “Cử tri nơi đây bức xúc chuyện này. Họ đã phản ánh lên đại biểu HĐND các cấp, song chưa thấy chuyển biến gì”.
Hạ tầng giao thông là huyết mạch của xã hội. Một công trình xuống cấp, hoặc thi công dở dang, kém chất lượng là “cơ thể” xã hội gặp rắc rối. Nhưng tiếc thay, trên địa bàn tỉnh lại có nhiều công trình giao thông như vậy.
MẠNH QUÂN
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới