An toàn giao thông
Mùa mưa bão: Nhiều nỗi lo an toàn giao thông đường thủy
Tại Bạc Liêu, hàng ngàn phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm đang tham gia giao thông trên sông nước. Trong số đó, đa số là các phương tiện thủy dân dụng, đáng nói đây lại là nhóm phương tiện có nguy cơ xảy ra tai nạn cao.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an tỉnh), nhiều năm gần đây, tai nạn giao thông đường thủy liên tục xảy ra, đặc biệt là phương tiện thủy dân dụng. Đó là những chiếc vỏ composite được người dân sử dụng làm phương tiện đi lại hằng ngày trên sông nước nhưng không qua đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Đặc thù đối với đường thủy là một khi xảy ra tai nạn thì hầu như đều gây chết người, do sau va chạm các phương tiện bị chìm, người điều khiển rơi xuống nước, không được phát hiện, cứu chữa kịp thời. Tai nạn hầu hết xảy ra vào ban đêm khi người dân lưu thông không có đèn chiếu sáng, chạy tốc độ nhanh, có sử dụng rượu bia...
Điển hình như vụ tai nạn xảy ra vào đầu năm 2016 ở huyện Phước Long gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Tai nạn xảy ra khi Phan Hoàng Đến điều khiển phương tiện vỏ composite chở Nguyễn Thanh Dưỡng đi từ hướng Phó Sinh về Chủ Chí trên tuyến kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp thì va chạm với vỏ composite của Nguyễn Văn Chuyển. Hậu quả là Đến tử vong, còn Dưỡng bị thương, 2 chiếc vỏ composite đều hư hỏng và bị chìm. Điều đáng nói là cả hai người điều khiển phương tiện đều không có chứng chỉ chuyên môn và phương tiện không được đăng ký, đăng kiểm theo quy định.
“Trước đó, vào các năm 2014, 2015, Bạc Liêu cũng liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông thủy gây chết người do người điều khiển phương tiện dân dụng không học qua các lớp đào tạo lái phương tiện, cấp chứng chỉ chuyên môn và phần vì do phương tiện chỉ dùng trong sinh hoạt gia đình nên người dân vẫn “ngán ngại” chuyện đăng kiểm” - Trung tá Phan Tấn Lên, Đội trưởng Đội xử lý vi phạm, Phòng Cảnh sát đường thủy cho biết.
Cưỡng chế tháo dỡ đáy neo trên tuyến kênh xáng Hộ Phòng - Gành Hào. Ảnh: Hoàng Phương
Theo ngành chức năng, tiến độ đăng kiểm hiện nay đối với phương tiện thủy dân dụng rất chậm và ít người chấp hành, phần vì do thói quen từ xưa, phần vì người dân nông thôn còn khó khăn, việc đưa phương tiện đến nơi đăng kiểm mất thời gian và chi phí. Qua điều chỉnh chi phí, hiện nay để đăng kiểm (tái đăng kiểm khi hết hạn) đối với một phương tiện dân dụng là trên 1 triệu đồng/năm. Mức thu này là một trong những nguyên nhân khiến người dân còn chần chừ trong việc đăng kiểm phương tiện, dù nó liên quan trực tiếp đến sự an nguy của các chủ phương tiện. Trong khi hiện nay, quản lý phương tiện thủy dân dụng là chuyện vướng mắc, bởi khác với xe máy được sử dụng trên đường bộ, người dân có thể mua vỏ máy ở bất kỳ nơi nào bán mà không bị bắt buộc phải làm thủ tục sở hữu, đăng kiểm.
Bước vào mùa mưa bão năm nay, giao thông đường thủy nội địa Bạc Liêu vẫn còn đó nhiều nỗi lo khác. Đó là tình trạng không chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn ở các bến đò ngang. Qua kiểm tra mới đây, ngành chức năng đã phát hiện hàng chục trường hợp bến đò ngang không trang bị, hoặc trang bị không đầy đủ các loại áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh khi hoạt động đưa rước khách. Bên cạnh đó, còn những bến tự phát dù không được cấp phép vẫn tự ý hoạt động…; dẫn đến nguy cơ đe dọa tính mạng, tài sản của người dân - một thực trạng đã tồn tại nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Một điều đáng lo ngại nữa là hiện nay, trên địa bàn huyện Đông Hải, người dân sống ven sông đã vào mùa đánh bắt thủy sản nên lại xuất hiện tình trạng sử dụng đáy neo - loại phương tiện đánh bắt gây nguy hiểm cho phương tiện thủy, đã được nhắc nhở, cưỡng chế giải tỏa nhiều lần.
Riêng với huyện Hồng Dân, đặc biệt là ở những vùng nông thôn sâu có hệ thống sông ngòi chằng chịt cũng đang phát sinh một dụng cụ tự chế có hình dạng phao nổi để người dân, xe máy qua sông tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Dụng cụ là một tấm ván (kích thước to nhỏ tùy từng hộ) được gắn trên phao nổi, cột dây từ bờ sông bên này sang bờ sông bên kia. Khi nào muốn qua sông, người dân (và xe máy) chỉ việc đứng lên tấm ván và kéo dây để sang bờ bên kia. Do đây là dụng cụ dễ làm, phục vụ được nhu cầu tại chỗ nên nhiều gia đình truyền nhau tự chế ngày càng nhiều. Trong khi đó, theo khuyến cáo của ngành chức năng, đây là loại dụng cụ nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn cho chính bản thân người sử dụng, kể cả những phương tiện thủy lưu thông trên sông, và huyện Hồng Dân đã từng vận động nhân dân dẹp bỏ.
Bước vào mùa mưa bão, nỗi lo về an toàn giao thông đường thủy lại tăng, đòi hỏi sự nỗ lực, thường trực của ngành chức năng, các địa phương và hơn hết là ý thức của mỗi người dân.
Mai Đinh
- Những bí thư chi bộ gần dân, tận tụy với công việc
- Gắn kết tình nhân ái qua những suất ăn 0 đồng
- Phát động trồng cây nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Hội thảo tuyên truyền pháp luật về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới
- Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp giáo dục phổ thông năm 2025