An toàn giao thông
Loay hoay xử lý bến đò ngang trái phép
Đang là mùa mưa bão, Ban An toàn giao thông (ATGT) các địa phương lại tất bật với kế hoạch kiểm tra, sắp xếp, quy hoạch các bến đò dọc, đò ngang trên địa bàn. Trong đó, những bến đò ngang tồn tại không phép vẫn luôn là vấn đề bức xúc chưa được giải quyết thỏa đáng.
![]() |
Ban ATGT tỉnh kiểm tra bến đò ngang văn hóa an toàn tại ấp 14 (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình). Ảnh: T.H |
Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, ngành chức năng đã lập biên bản 150 bến đò ngang hoạt động không đảm bảo các quy định về ATGT ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Đây là những bến đò tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) cao, là mối lo chung của nhiều địa phương hiện nay.
Cách đây không lâu, vào tháng 5/2015, tại huyện Hồng Dân đã xảy ra một vụ TNGT đường thủy gây chết người. Theo Thượng tá Lê Thái Nguyên - Trưởng Công an huyện Hồng Dân, thực trạng tồn tại nhiều bến đò ngang không phép chính là một trong những nguy cơ tiềm ẩn TNGT đường thủy trên địa bàn. Với gần 90 bến đò dọc, đò ngang, trong đó chủ yếu là bến đò ngang sông…, Hồng Dân là huyện có bến đò ngang nhiều nhất tỉnh. Hiện huyện đang tiến hành quy hoạch và xử lý những bến đò hoạt động không đảm bảo an toàn, tập trung nhiều nhất là gần 30 bến ở hai xã: Vĩnh Lộc và Vĩnh Lộc A…
Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm ở các bến đò không được tiến hành thường xuyên, kiên quyết. Đa số chỉ dừng lại ở việc yêu cầu các hộ ký cam kết thực hiện tốt Luật Giao thông đường thủy nội địa (bến phải có giấy phép; phương tiện phải được đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp; phải có trang bị an toàn; bảng nội quy và bảng niêm yết giá), hoặc hình thức cao hơn là lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, lập biên bản đình chỉ hoạt động. Thế nhưng, vẫn có nhiều hộ không nộp phạt, không chấp hành xóa bến… dẫn đến thực trạng có nhiều bến đò ngang nhiều lần tái hoạt động trái phép như hiện nay.
Cũng theo Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, nguyên nhân tiềm ẩn TNGT đường thủy rất lớn hiện nay chính là phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, người dân không được trang bị hoặc không mặc áo phao, phao cứu sinh khi tham gia phương tiện thủy. Điều này cũng khiến công tác tuyên truyền ATGT đường thủy có những khó khăn nhất định so với đường bộ, đó chính là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến sự kém hiệu quả trong việc tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông đường thủy nội địa.
Mới đây, Sở GT-VT đã gửi Văn bản số 1082 đến các địa phương và chủ bến đò ngang sông đề nghị liên hệ với Sở GT-VT để làm các thủ tục cấp giấy phép hoạt động theo Điều 7, Thông tư 80 của Bộ GT-VT ngày 30/12/2014. Được biết, việc thực hiện thủ tục cấp giấy phép còn chồng chéo, người dân gặp khó vì phải đi xa và tốn kém chi phí. Bên cạnh đó, một vấn đề đặt ra nữa là, liệu Phòng Quản lý vận tải phương tiện người lái, Sở GT-VT có đủ nhân lực để quản lý hoạt động của các bến đò này? Vì sự an toàn tính mạng của người dân, thiết nghĩ ngành chức năng cần có nhiều động thái tích cực hơn, nhất là trong điều kiện thời tiết bất thường như hiện nay, trước khi có những sự cố đáng tiếc không mong muốn xảy ra!
Mai Đinh
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới