An toàn giao thông
Gắn thiết bị giám sát hành trình: Giờ “G” đã điểm
Từ ngày 1/7/2015, xe taxi, xe đầu kéo sơ mi rơ móc đều phải gắn thiết bị giám sát hành trình và đến ngày 1/1/2016, xe vận tải hàng hóa từ 10 tấn trở lên cũng bắt đầu gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen), nhằm từng bước thắt chặt hơn nữa việc quản lý nhà nước về hoạt động vận tải và hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải.
Đến thời điểm này, 100% xe buyt trên địa bàn do tỉnh quản lý đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Thiết bị này sẽ giám sát tốc độ của xe và việc đóng, mở cửa của tài xế khi xe đang di chuyển, số lần và thời gian dừng, đỗ. Dữ liệu sẽ được truyền về đầy đủ, kịp thời cho các doanh nghiệp vận tải và cơ quan chức năng là Sở GT-VT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Đại diện Sở GT-VT cho biết, trong thời gian qua, nhờ thiết bị giám sát hành trình mà đơn vị đã phát hiện nhiều tài xế chạy quá tốc độ, có tài xế cố tình không mở thiết bị giám sát hành trình để ngành chức năng theo dõi hoạt động của xe.
![]() |
Xe buýt Bạc Liêu đã được lắp “hộp đen”. Ảnh: K.P |
Liên quan đến việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, bà Trần Ngọc Dung - Trưởng phòng Quản lý phương tiện vận tải và người lái (Sở GT-VT) cho biết, để chuẩn bị cho lộ trình này, Sở đã ban hành công văn gửi các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh về việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải theo Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Tại Bạc Liêu, xe buýt đã được lắp đặt hộp đen toàn bộ. Xe taxi cũng phải hoàn tất trước ngày 1/7/2015. Ngoài taxi Mai Linh, taxi Bạc Liêu và một số đơn vị kinh doanh như taxi Gia đình, taxi Công tử với số lượng xe taxi của mỗi đơn vị trên dưới 10 chiếc, không khó để quản lý việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Hơn nữa, với lộ trình thực hiện mà Sở GT-VT vừa ban hành, hiện tại, Sở chỉ cấp phù hiệu cho xe hoạt động đến hết ngày 30/6 và sau đó sẽ cấp lại phù hiệu cho xe khi đảm bảo đủ điều kiện, bao gồm xe buýt, xe đầu kéo rơ móc, sơ mi rơ móc kinh doanh vận tải. Riêng đối với xe taxi, xe đầu kéo rơ móc, sơ mi rơ móc kinh doanh vận tải, phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1/7/2015 thì mới được tiếp tục kinh doanh vận tải. Xe taxi còn bị buộc phải in hóa đơn tính tiền cho khách đi xe kể từ ngày 1/7/2015, tránh tình trạng taxi “chạy dù”, chặt chém thu quá quy định đối với hành trình trên xe, móc túi hành khách.
Bên cạnh những ưu điểm của việc lắp hộp đen thì hiện nay, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp khi tiếp cận với thiết bị này chính là việc chưa có một quy định chuẩn (đặc biệt về tiêu chuẩn chất lượng) cho hộp đen. Mù mờ về thông tin đối với các loại thiết bị, trên thị trường có nhiều nhãn hàng khác nhau, nhiều đơn vị tư vấn, chào mời lắp đặt dẫn đến việc không ít chủ xe đã lắp phải thiết bị không đảm bảo chất lượng, hoạt động không đạt yêu cầu. Hầu hết các doanh nghiệp khi được hỏi đều mong muốn, Nhà nước phải có động thái chấn chỉnh và quản lý chất lượng cụ thể, rõ ràng hơn với các thiết bị giám sát hành trình, làm sao để các “hộp đen” thật sự đáp ứng được yêu cầu, là “tai mắt” trong quản lý hành trình.
Kim Tuấn
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới