An toàn giao thông
Cần chú trọng các quy tắc, kỹ năng lái xe an toàn
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, nguyên nhân chính của các vụ tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh là do: Thiếu quan sát và kiểm tra an toàn; Không giảm tốc độ; Không nhường đường cho xe ở đường ưu tiên. Trong đó, các lỗi thường gặp của người điều khiển xe máy là đi không đúng làn đường, phần đường; chạy quá tốc độ, vượt xe không đúng quy định và sử dụng rượu bia khi lái xe...
Hai nhóm yếu tố ảnh hưởng trực tiếp trong quá trình điều khiển phương tiện
Để tránh những phát sinh nguy hiểm trong quá trình lái xe, người điều khiển phương tiện nên lưu ý đến hai nhóm yếu tố ảnh hưởng trực tiếp:
Nhóm yếu tố từ người lái xe, gồm: Mệt mỏi; kỹ năng lái xe không tốt; sử dụng thuốc; say rượu, bia; bị bệnh; không nắm vững luật và yếu tố tâm lý tình cảm. Người lái xe cần trang bị kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn thật tốt; đồng thời đảm bảo tình trạng sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái khi lái xe.
Nhóm yếu tố từ phương tiện: Trước khi lái xe cần kiểm tra các bộ phận an toàn của xe như: Bánh xe (độ mòn của lốp, áp lực hơi, vành xe, nan hoa…); phanh xe (đối với phanh dầu thì kiểm tra mức dầu phanh; đối với phanh cơ thì kiểm tra vỏ và ruột phanh...); đèn (kiểm tra đèn xi-nhan, đèn hậu, đèn phanh, đèn pha có sáng không); kiểm tra còi; gương chiếu hậu. Đội mũ bảo hiểm (MBH) đạt chuẩn, cài quai đúng cách.
![]() |
Sử dụng điện thoại trong lúc điều khiển phương tiện giao thông rất dễ xảy ra tai nạn. Ảnh: T.H |
Đặc biệt lưu ý giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước bằng quy tắc 2 giây - thời gian cần thiết để người lái xe có thể phản ứng với những thay đổi bất ngờ: Quan sát để nắm bắt thông tin; đưa ra quyết định (dừng lại hoặc vòng tránh); Thực hiện quyết định (dừng lại hoặc vòng tránh).
Cách vượt xe an toàn: Quy trình vượt xe đảm bảo an toàn là phải duy trì tốc độ ổn định ở phía sau xe định vượt, giữ khoảng cách an toàn với xe định vượt; Kiểm tra an toàn phía trước; Kiểm tra an toàn phía sau qua gương và hai bên bằng cách nhìn qua vai; Bật đèn xi-nhan trái báo hiệu chuyển hướng và dịch chuyển dần sang bên trái; Kiểm tra an toàn một lần nữa khi xe phía trước đã nhường đường. Khi đã đảm bảo các yếu tố, tăng tốc độ để vượt, giữ khoảng cách an toàn với xe bị vượt tối thiểu 2m bề ngang; Trong khi vượt dùng còi để báo hiệu cho xe bị vượt biết là bạn đang vượt. Sau khi vượt xe xin đường bên phải kiểm tra an toàn xung quanh và chuyển hướng dần về bên phải. Tuyệt đối không đột ngột tạt ngang trước mặt xe bị vượt.
Chuyển hướng an toàn ở giao lộ: Bật đèn báo hiệu chuyển hướng ở vị trí cách đó 50m và quan sát an toàn; Dần dần chuyển làn đường; Quan sát an toàn tại giao lộ trước khi rẽ; Xác định hướng rẽ sớm trước khi tới giao lộ; Thận trọng rẽ tại giao lộ, tập trung quan sát an toàn.
Một số chú ý khi lái xe vào ban đêm: Đảm bảo là đèn xe hoạt động tốt; Mặc quần áo sáng màu hoặc phản quang; Đi với tốc độ chậm; Giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện khác; tránh nhìn thẳng vào đèn xe phía trước; sử dụng đèn tầm thấp khi có xe/người đi bộ đi tới hoặc đi trong thành phố.
Dự đoán phòng tránh nguy hiểm - kỹ năng quyết định
Trong các kỹ năng quyết định đến quá trình lưu thông, dự đoán phòng tránh nguy hiểm được xem là một kỹ năng quyết định.
Dự đoán và phòng tránh tai nạn với xe ngược chiều: Quan sát giao thông phía trước để phòng tránh nguy hiểm; Giảm tốc độ, đưa tín hiệu cảnh báo nguy hiểm (nháy đèn, bóp còi); Chủ động tránh về phía bên phải.
Nguy hiểm của việc chạy xe quá tốc độ: Càng lái xe nhanh bao nhiêu thì tầm nhìn càng thu hẹp bấy nhiêu, ít thời gian phát hiện và ứng phó với nguy hiểm có thể xảy ra ở dòng xe lưu thông phía trước. Phóng xe nhanh làm tăng nguy cơ đâm xe, cùng nguy cơ bị thiệt mạng hay bị thương nặng khi xảy ra tai nạn. Nên tuân theo giới hạn tốc độ và điều chỉnh tốc độ của mình để thích nghi với điều kiện hoàn cảnh.
Nguy hiểm của việc say rượu, bia đối với khả năng lái xe: Hạn chế tầm nhìn; phản ứng chậm; thiếu tập trung; cảm giác lâng lâng, buồn ngủ. Đáng lưu ý, một người nặng 55kg, uống cốc bia hơi hoặc 2 chén rượu mạnh thì nồng độ cồn trong cơ thể là 60mg/100ml máu - cao hơn mức độ luật quy định và phải sau 3 giờ đồng hồ nồng độ cồn mới trở về bằng 0. Một người uống nhiều hơn 5 chai bia thì nồng độ cồn trong máu phải mất 18 tiếng đồng hồ để trở về 0.
Những điều cần ghi nhớ khi tham gia giao thông: Tuyệt đối không lái xe sau khi uống rượu bia; Luôn đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy; luôn giữ khoảng cách an toàn với các xe khác; Luôn chủ động nhường đường; quan sát an toàn và kịp thời phòng tránh các tình huống nguy hiểm; Tuân thủ tốc độ được quy định.
Hiểu và thực hiện được những điều cơ bản này, chắc chắn người lái sẽ giữ được sự thoải mái, an toàn dù đi đến bất cứ đâu!
Mai Đinh (tổng hợp)
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới