An toàn giao thông
Bộ Công an đề xuất cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người lái xe
Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ đã kế thừa quy định cấm tuyệt đối người lái xe tham gia giao thông có nồng độ cồn trong cơ thể khi đề xuất “cấm người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Dự thảo này hiện có nhiều ý kiến trái chiều. Trước các luồng quan điểm khác nhau, Bộ Công an (cơ quan soạn thảo) cho rằng trong điều kiện văn hóa và giao thông ở nước ta hiện nay, thật sự rất cần nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe để đảm bảo tốt TTATGT.
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn người lái xe trên đường Trần Huỳnh (TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.H
Cấm tuyệt đối nồng độ cồn vì mục tiêu ATGT
Bộ Công an đưa ra dẫn chứng cho sự kiên quyết này do nước ta là quốc gia tiêu thụ rượu bia và đồ uống có cồn cao thứ hai Đông Nam Á, thứ 10 châu Á, thứ 29 thế giới và đây là một tỷ lệ đáng báo động. Hơn nữa, thực tế đã chứng minh rằng, việc uống rượu bia ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần và hành vi con người, nhất là khi lái xe. Luật TTATGT đường bộ chỉ cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu bia chứ không cấm người dân sử dụng rượu bia. Việc duy trì quy định này để có chế tài xử lý nghiêm khắc, nhằm hình thành dần văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”. Khi văn hóa giao thông hình thành tốt, cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu điều chỉnh quy định về nồng độ cồn cho phù hợp - Bộ Công an khẳng định.
Trước đó, một số thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, quy định nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe quá nghiêm khắc và chưa phù hợp văn hóa, phong tục, tập quán bộ phận người dân Việt Nam. Các thành viên này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện, bảo đảm thống nhất với Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, sau nhiều ý kiến tranh luận liên quan đến vấn đề này, vẫn có rất nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất của Bộ Công an. Bởi việc ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là vì “tính mạng, sức khỏe con người là trên hết”.
Dự thảo Luật TTATGT đường bộ dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm nay.
Nồng độ cồn bằng 0 - quy định cần thiết, phù hợp thực tiễn
Thực tiễn việc sử dụng rượu bia ở nước ta được xem là một nét văn hóa truyền thống, là thói quen của một bộ phận người dân. Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng, tiêu thụ rượu bia, đã góp phần không nhỏ trong nguồn thu ngân sách của Nhà nước; tạo việc làm, thu nhập cho một bộ phận người lao động tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh đồ uống có cồn. Việc quy định cấm tuyệt đối sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông sẽ làm giảm mức tiêu thụ rượu bia và có tác động nhất định đến đời sống văn hóa, nguồn thu của ngân sách và thu nhập của người lao động.
Tuy nhiên, theo Bộ Công an, việc sử dụng rượu bia khi lái xe là vấn đề xã hội không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Hiện các quốc gia trên thế giới quy định xử lý rất nghiêm khắc với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn. Đối với Việt Nam, trong điều kiện văn hóa giao thông hiện nay, rất cần quy định nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện. Bởi vì, ở các nước phát triển chủ yếu là xe ô tô đi đúng theo làn, khoảng cách phù hợp với tốc độ. Còn ở Việt Nam, nơi các xe chỉ cách nhau khoảng một vài mét, tốc độ cho phép ít nhất 40km/giờ, giao thông trên đường đòi hỏi tài xế phải duy trì sự tỉnh táo, phản xạ nhanh hơn rất nhiều lần nếu tình huống bất ngờ xảy ra. Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn mang nhiều ý nghĩa thiết thực không chỉ đối với công tác bảo đảm TTATGT mà còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc, giảm tổn thương, mất mát do tai nạn, giảm gánh nặng xã hội.
“Trong thời gian qua, tại các địa phương đã có nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân do người lái xe có nồng độ cồn. Chúng tôi rất đồng tình ủng hộ đối với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe. Đây là quy định quan trọng để đảm bảo ATGT trong thời gian tới”, ông Đinh Văn Tảo (TP. Bạc Liêu) nêu ý kiến.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Bảy (huyện Hồng Dân), cho biết: “Người lái xe trong tình trạng không tỉnh táo rất dễ gây ra những hậu quả khôn lường cho bản thân và cả những người xung quanh khi lái xe. Tôi và gia đình ủng hộ 100% quy định nồng độ cồn bằng 0 khi tham gia giao thông”.
Hiện nay, một bộ phận người tham gia giao thông vẫn chưa có ý thức tốt trong việc chấp hành các quy định về đảm bảo TTATGT. Trong đó, có việc cố tình vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe. Do đó, thiết nghĩ, cần có chế tài xử lý nghiêm khắc liên quan đến việc sử dụng rượu bia dành cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, từ đó lan tỏa thói quen tốt “đã uống rượu bia không lái xe”, hơn hết là vì sự an toàn của tất cả mọi người.
Mai Đinh
Từ tháng 6/2022 - 12/2023, có đến 20% số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia; trong đó 80% là lỗi của lái xe do uống rượu bia.
- Chính phủ tôn vinh, đối thoại Tổ công nghệ số cộng đồng
- Hội thao môn thực hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
- Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có người vi phạm nồng độ cồn
- Tổng kết Năm Dân vận khéo cấp tỉnh tại xã Ninh Quới A và kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng
- Họp mặt các doanh nghiệp nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam