Quốc phòng - An ninh
Huyền thoại “mẹ chiến sĩ”
Để thực hiện tốt công tác hậu phương phục vụ cho yêu cầu của chiến trường, đầu năm 1961 “Hội mẹ chiến sĩ” ở Bạc Liêu được tái lập, hoạt động song song với Hội Phụ nữ cơ sở. Chỉ một thời gian ngắn, khắp nơi trong vùng đã có hoạt động của “Hội mẹ chiến sĩ”.
Các mẹ, các chị sản xuất phục vụ chiến đấu. Ảnh: T.L
“Hội mẹ chiến sĩ” là nòng cốt cho công tác tiếp tế nuôi quân, ủy lạo bộ đội, chăm sóc thương bệnh binh, giúp đỡ gia đình chiến sĩ, liệt sĩ nghèo neo đơn. Mỗi lần nấu cơm, các mẹ luôn để dành một vài nắm gạo bỏ vào chiếc hũ tình thương để ở góc bếp. Mẹ dạy thiếu nhi nuôi gà, trồng cây chuối cho mau lớn để gom góp gửi ra chiến trường. Ở các ấp, xã, các mẹ, các chị tập trung xay lúa, giã gạo tiếp tế cho bộ đội. Ở vùng ven, nhiều người lãnh việc đi chà gạo cho đơn vị. Địch nghi ngờ xét hỏi, các mẹ, các chị bình tĩnh đối phó là chuẩn bị làm đám tiệc cho gia đình.
Hết lòng lo cho bộ đội ăn no đánh mạnh, sau mỗi trận chiến, các mẹ không chỉ tổ chức liên hoan ủy lạo mà còn đảm nhận chuyện thuốc thang, ăn uống, tắm giặt cho thương binh. Nhiều thương binh bị kẹt đường phải gửi trong dân, các mẹ, các chị hết lòng nuôi dưỡng, bảo vệ hàng tháng trời. Người nào không còn sức chiến đấu được, các mẹ lo nơi ăn nghỉ, việc làm vừa sức để ổn định cuộc sống. Nhiều mẹ thương yêu thương binh như con ruột của mình. Ban đêm trước khi đi ngủ, mẹ lọ mọ giũ mùng, soi muỗi cho các anh. Nhiều mẹ đi rước, móc nối hàng trăm gia đình vợ con cán bộ, bộ đội kẹt ở vùng địch đưa về tới nơi an toàn. Còn có những bà mẹ đã tự nguyện nhận cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt làm con mình, bất chấp sự hăm he của địch. Có mẹ nhận thi hài của người bị giết hại về chôn ở vườn nhà, chăm sóc chu đáo đến sau giải phóng mới giao lại cho chính quyền.
Một trong những cái tên vàng được ghi vào huyền thoại “Mẹ chiến sĩ” ấy là Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Mười. Trên quê hương Phước Long, gia đình mẹ là thành lũy bảo vệ trận địa, hầm bí mật nuôi chứa cán bộ. Và trận chiến quyết tử diễn ra vào sáng 26/5/1970. Khi cán bộ cách mạng đang họp thì một tiểu đội giặc ập vào nhà mẹ. Tình thế hiểm nguy, mẹ xông ra chặn cửa, chồng và con cháu cùng tủa ra chặn đường giặc. Quyết liệt kháng cự tên lính đi đầu, mẹ bị chúng xả đạn vào người rồi anh dũng hy sinh ở tuổi 45.
Những năm chống đế quốc Mỹ, tấm lòng son sắt, kiên trung của người mẹ hậu phương Bạc Liêu càng đẹp thêm ở đức hy sinh, sẵn sàng nhận về mình phần thiệt thòi, nhường đường cho dân tộc tiến lên. Phong trào gả con cho thương binh, xung phong lấy chồng thương binh do các mẹ phát động càng soi rõ những việc làm nhân văn ấy. Nhiều chị em phụ nữ đã tình nguyện lấy thương binh nặng, nhận về bản thân gánh nặng gia đình, con cái, trách nhiệm đối với xã hội và để được bù đắp những thiệt thòi mất mát do chiến tranh và kẻ thù gây ra cho những chàng trai quên mình vì nước.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu đã từng xúc động nói: “Tôi hân hạnh được sống và chiến đấu ở Bạc Liêu khá lâu, từ những năm tiền khởi nghĩa đến kháng chiến chống Mỹ. Quê hương Bạc Liêu để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó quên, thật xứng đáng với danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Chủ tịch nước phong tặng, trong đó có sự hy sinh, cống hiến vô cùng lớn lao của các Mẹ VNAH”.
Thanh Hải