Chống người thi hành công vụ: Hành vi xem thường pháp luật

Thứ Sáu, 24/03/2023 | 16:20

Chống người thi hành công vụ được hiểu là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Trong đời sống, không ít hành vi cản trở việc thực hiện công vụ của các cá nhân có thẩm quyền xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động quản lý nhà nước nói riêng và tình hình an ninh trật tự nói chung.

Lực lượng chức năng bảo vệ phiên tòa nhằm phòng ngừa các hành vi chống người thi hành công vụ. Ảnh: K.P

NHỮNG VỤ VIỆC ĐIỂN HÌNH

Mới đây, vụ việc của ông Đào Chí Tâm (34 tuổi, Phường 7, TP. Bạc Liêu) xây dựng nhà không phép, khi lực lượng chức năng đến kiểm tra đã bị chống đối, ngăn cản, thậm chí ông Tâm còn khóa cửa giam 2 cán bộ thi hành công vụ trong công trường. Liên quan đến vụ việc trên, Công an TP. Bạc Liêu ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi giam người trái pháp luật. Vụ việc vẫn đang trong vòng điều tra, nhưng ông Tâm chắc chắn không thoát khỏi liên đới.

Tương tự, tháng 2/2022, Công an huyện Phước Long đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Huỳnh Văn Luân (ngụ ấp Long Thành, thị trấn Phước Long) để điều tra, xử lý về các hành vi, trong đó có hành vi chống người thi hành công vụ. Sự vụ bắt nguồn từ việc đối tượng Luân đi nhậu quậy phá, gây rối, đánh chủ quán. Khi công an đến hiện trường, Luân còn dùng các loại hung khí nguy hiểm để chống đối với lực lượng. Có thể diễn tả hành động của Luân lúc đó là say xỉn đến mức không biết kiềm chế. Hay như trường hợp của 2 anh em Nguyễn Hoàng Sơn và Nguyễn Hoàng Nhựt (ngụ Phường 1, TX. Giá Rai) bị xét xử 1 năm và 9 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”. Chỉ vì không qua được chốt kiểm dịch COVID-19, lúc này địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các đối tượng đã dùng lời lẽ thô tục xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ, mang theo dao tự chế xông vào đe dọa những người làm nhiệm vụ.

HIỂU BIẾT ĐỂ KHÔNG PHẠM LUẬT

Rất nhiều người khi bị khởi tố, xử lý tội “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 Bộ luật Hình sự mới ngỡ ngàng nhận ra, hành vi của mình thật nông cạn.

Đơn cử như vụ Chống người thi hành công vụ với 2 bị cáo Võ Thiện Tươi và bị cáo Nguyễn Thị Thúy đã qua 2 cấp xét xử vào tháng 9/2022, với mức án 1 năm tù dành cho Tươi và 3 tháng tù cho Thúy. Tại các phiên tòa, các bị cáo đều tỏ ra hối hận, cho rằng lẽ ra nếu biết kiềm chế sẽ không phải gánh chịu hình phạt cho tội danh này. Vừa phải bị thi hành án dân sự về đất đai, cả hai người còn phải bị tù về tội hình sự.

Vụ án được xác định, cuối tháng 11/2019, do bị cưỡng chế thi hành án (cơ quan chức năng tiến hành cắm cột mốc ranh giới đất), các bị cáo Tươi và Thúy đã có hành vi nhổ cột mà cơ quan chức năng đã cặm để thi hành án; dùng tay đánh vào mặt của Nguyễn Thanh Phong (Công an huyện Phước Long) được giao nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế; dùng tay giật đứt cầu vai cảnh phục của công an Nguyễn Thanh Phong. Hành vi của các bị cáo ban đầu chỉ mong muốn cản trở, không cho thực hiện nhiệm vụ công vụ được giao để lực lượng chức năng ngại khó mà dừng việc thi hành án.

Người thi hành công vụ là người đại diện cho pháp luật để thi hành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao. Pháp luật yêu cầu người dân phải tuân thủ, những trường hợp chống đối sẽ bị xử lý nghiêm, vừa mang tính chất răn đe vừa thể hiện pháp quyền. Cho nên, hiểu biết đúng đắn các quy định pháp luật để không phải chịu xử lý hình sự vì hành vi chống người thi hành công vụ là hết sức cần thiết. Trong nhiều trường hợp, nếu có bức xúc với người thi hành công vụ, thì có nhiều cách để hành xử, khiếu nại theo đúng quy định pháp luật.

KIM TUẤN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.