Du lịch
Tết Đoan Ngọ: Thưởng thức món bánh ú “bá trạng”
Về Bạc Liêu vào ngày mùng 5/5 âm lịch (hay còn gọi là tết Đoan ngọ), du khách nhất định phải ăn bánh ú “bá trạng”. Theo tiếng Triều Châu: “bá trạng” là bánh ú mặn (vì nhân bánh ú gồm thịt, lạp xưởng, tôm khô, hột vịt, đậu phộng…).
Bánh ú “bá trạng” của người Hoa ở Bạc Liêu mang hương vị rất riêng. Nếp gói bánh ú mềm, dẻo; nhân thịt ngọt (thơm mùi ngũ vị hương) cộng với vị ngọt của lạp xưởng, vị béo của trứng vịt tạo nên một món bánh rất hấp dẫn.
Sở dĩ, bánh ú được bán nhiều trong ngày Tết Đoan ngọ vì xuất phát từ điển tích dân gian của Trung Quốc là tưởng nhớ nhà thơ Khuất Nguyên, một vị trung thần nước Sở (thời Chiến Quốc).
Chuyện kể rằng, Khuất Nguyên vì can vua không nên nghe lời xu nịnh của bọn gian thần nhưng bất thành nên ông gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn (vào ngày mùng 5/5 âm lịch). Tưởng nhớ khí tiết của ông, người dân địa phương đã ném bánh ú xuống sông Mịch La để cúng ông và trên bánh ú có buộc sợi chỉ đỏ để xua đuổi các loài thủy quái không ăn thịt Khuất Nguyên.
Tuy nhiên, khi sang Việt Nam, tết Đoan ngọ đã mang màu sắc riêng, thể hiện tính cộng đồng của người Hoa. Đó là ngày tết của những người nông dân sau những ngày mùa lao động vất vả, họ tổ chức cúng đồng, tạ ơn Thần Nông và cũng là ngày diệt sâu bọ…
Về Bạc Liêu vào dịp tết Đoan ngọ, du khách sẽ có dịp trải nghiệm và thưởng thức bánh ú “bá trạng” mang đậm văn hóa dân gian của người dân địa phương.
Kiết Tường
Bánh ú “bá trạng” của người Hoa ở Bạc Liêu. Ảnh: Triều Châu
- Hơn 300 trẻ em tham dự chương trình “Đêm hội trăng Rằm” tại huyện Đông Hải
- Huyện Vĩnh Lợi: Chúc thọ và tặng quà các cụ từ 70 đến 100 tuổi ở xã Châu Thới
- Quân khu 9: Triển khai chỉ thị, ý định diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2023
- Ban Tổ chức Trung ương triển khai nhiệm vụ công tác quý IV/2023
- Hoa hậu Trái đất 2018 - Nguyễn Phương Khánh quay hình quảng bá du lịch Bạc Liêu