Văn hóa - Nghệ thuật
Giàn bầu nậm
Không án ngữ trước hàng hiên để chặn bớt cái nắng hừng hực của tháng Tư, tháng Năm như nhiều người thường làm; giàn bầu nậm nhà tôi là một công trình nghệ thuật của cha tôi. Giàn được làm từ tre cán cuốc ngâm bùn, nên có tuổi thọ khá tốt. Mép giàn là sợi mây sáp già, to cỡ cổ tay, uốn lượn theo kiểu dợn sóng, là nơi dây bầu nằm sóng soãi trên đó nở nhụy kết hoa. Phía dưới giàn kê một bộ bàn ghế đá, là nơi trưa trưa, xế xế chị em tôi ngồi học bài. Bầu nậm xuất xứ từ vùng cao, quả nhỏ có thắt eo ở giữa, khi già người ta mới bỏ ruột đem phơi khô dùng đựng nước, đựng rượu hay thức ăn lỏng như cháo. Cha tôi xin được giống này khi ông có dịp lên đó. Cả xóm tôi, chỉ duy nhất nhà tôi có giàn bầu nậm. Cha bảo nó chẳng có giá trị gì lớn, ăn cũng không ngon mấy, không ngọt bằng bầu thước ở xứ mình, nhưng không ai có thì thành quý, mà quý thì người ta mới thích, mới không tiếc lời trầm trồ khen ngợi.
Hoa bầu có năm cánh màu trắng sáng, mỏng mịn, dính nhau ở phần ống và dính vào bầu noãn, nhụy vàng. Noãn hoa có hình trái bầu bé tẹo, nhiều lông tơ mịn bao quanh, noãn có màu xanh lợt. Cuống hoa dài, chắc khỏe. Hoa đực không có bầu noãn. Khi hoa bầu nở, có khá nhiều ong ruồi bay đến, đó là những chú lính thợ hiền từ, siêng năng với công việc duy nhất là tìm mật về nuôi ong chúa và ấu trùng. Chúng đâu biết, nhờ chúng, nhờ những sợi lông tơ mảnh dẻ sau đuôi chúng mà phấn hoa đực bám vào đó đi khắp nơi. Để rồi khi chạm vào lớp màng trên nhụy hoa cái thì không thể rứt ra được nữa, đành “ở rể nhà người”. Bướm và gió cũng góp phần làm công việc này.
Hạt giống, cha chẳng cho ai bao giờ. Cha bảo thích thì tới ngắm, muốn ăn thì cha biếu, còn hạt giống thì vui lòng lượng thứ. Trái bầu mà cha để giống cũng khó mà hái trộm được. Trái được bọc trong rọ sắt neo chắc chắn trên giàn. Vả lại đâu phải năm nào cũng để giống, một trái giống có biết bao nhiêu là hạt, chỉ sợ để lâu quá hạt sẽ không nảy mầm nên ba, bốn, năm cha tôi mới để giống một trái. Khi đó, chị em tôi được dịp ăn hạt bầu cũ rang giòn.
Ở quê, tình bạn thắm thiết vô cùng, bởi dân cư thưa thớt, có được người học cùng lớp với mình để đi về thì còn gì vui sướng bằng. Khi qua cầu tre lắt lẻo, lội ruộng băng đồng, có bạn đồng hành thì bao giờ cũng an tâm hơn. Quen nhau từ cấp I tới nay, 6 - 7 năm rồi chứ chẳng ít, tôi và Nhàn chưa hề giận nhau. Có gì hai đứa cũng san sẻ, duy chỉ một điều mà tôi chưa làm Nhàn hài lòng là cho hạt giống bầu nậm. Biết bao lần Nhàn xin tôi vài hạt giống, vì cha Nhàn rất thích trồng bầu nậm, nhưng tôi biết lấy đâu ra. Lần lữa mãi đến mấy năm sau, khi cha tôi trút trong ống tre ra được lưng bát hạt giống bầu nậm bảo chị em tôi rang lên ăn thì tôi chợt nhớ đến Nhàn. Tôi trộm vài hạt giấu đi.
Nửa năm sau, giàn bầu nậm bên nhà Nhàn trĩu trái. Nghe tin, cha tôi đến xem rồi ra về với vẻ ưu tư. Cha không nói gì, nhưng trong thâm tâm cha biết chính tôi chứ không ai khác đã cho Nhàn hạt giống. Biết cha buồn, tôi đành thú thật với cha là mình đã trộm hạt giống khi cha bảo đem rang, cho bạn. Cha bảo cha biết rồi, nếu tôi xin sớm thì nhà Nhàn cũng đã có giàn bầu nậm từ lâu. Giữa tình cảm bạn bè thiêng liêng và vật chất thì người ta luôn chọn tình bạn. Cha cũng kể cho tôi nghe, đó không phải là loại bầu nậm bình thường mà nhiều nơi có. Quả cũng thắt eo, cũng giống hồ lô của ông Tiên, nhưng màu da thì trơn tru không có sọc như giống bầu nậm của cha. Giống bầu nậm này có sọc màu xanh đậm hơn màu da của quả một chút. Khi để khô sọc này ngả sang màu nâu nổi bật trên nền da màu vàng vàng, trông rất ấn tượng. Cha còn bảo, chỉ có già làng K’Sor ở buôn Ré dưới chân núi Ngọc Linh mới có giống này và cha là người duy nhất được ông biếu cho năm hạt giống.
Bây giờ cha mẹ tôi không còn, tôi cũng đã xa quê. Căn nhà của cha mẹ tôi trao lại cho người em út và giàn bầu nậm vẫn còn xanh mướt. Nhớ cha mẹ, tôi đem hai quả bầu nậm khô về chưng trong tủ kính nhà mình, quả nào cũng đầy hạt do em út lâu lâu gửi đến. Tôi mắc một bóng đèn nhỏ màu vàng phía bên trên hai quả bầu ấy để sưởi ấm. Tôi liên tưởng đến cha mẹ mình.
LÝ THỊ MINH CHÂU
- Trao quyết định thăng quân hàm cho quân nhân biên phòng
- Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu: Góp ý Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
- Giới thiệu sách về tầm vóc vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ
- Công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024
- Xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế tỉnh Cà Mau sau hợp nhất
- Tủ Quần Áo Trẻ Em Minh Tín