“Em theo anh về xứ Cạnh Đền…”

Thứ Hai, 04/01/2016 | 16:55

Mỗi lần nghe câu hát “Từ ngày xa đất Tiền Giang, em theo anh về xứ Cạnh Đền. Muỗi kêu mà như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh…” là má tôi lại lấy khăn chùi nước mắt: “Chà! Ai mà viết câu hát hay thiệt, sao mà đúng y chang!”. Chắc tại má thương nên nhắc hoài cái thuở họ nhà trai bưng mâm trầu cau đến nhà ông bà ngoại dạm hỏi, rồi lễ ăn trầu uống rượu của hai bên vui vẻ, tưng bừng, nhưng đến lúc ba tôi dắt tay má xuống chiếc ghe tam bản rồi buông chèo xuôi về Cạnh Đền là buồn. Cũng bởi “em thương anh nên đành xa xứ, xuôi ghe chèo miệt Thứ Cà Mau…”.

xứ Cạnh Đền của ngày xưa xa lơ, xa lắc là nơi đồng bưng hiu hắt. Trong xóm lưa thưa mấy bóng nhà, những mái lá liêu xiêu, tạm bợ bằng cây đước, cây tràm nấp sau những hàng dừa nước xanh um, nối dài theo triền sông mù mịt. Ngày nắng, mủ dừa nước làm đỏ ói dòng sông quánh đặc mùi phèn. Đất chua lè nên cả vạt đồng chưa bao giờ xanh lên màu mạ, chỉ thấy một màu xanh yếu ớt chấp chới giữa những váng phèn vàng quánh trên mặt ruộng mỗi mùa. Nhìn cảnh thôi là biết quê nghèo. Nhà ông bà nội tôi cũng chạy đâu cho khỏi cái nghèo phủ vây thôn xóm. Má tôi kể, hễ trời mưa là phải bưng lư hương chạy khắp nhà tìm chỗ trú cho khỏi dột. Nhà nội có 8 cái lư hương, 2 cái của ông bà cố, 6 cái còn lại là của các bác và các cô tôi - họ là những người con lớn lên từ mảnh đất bưng biền phèn chua Cạnh Đền và là những chiến sĩ đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Ngày, tháng, năm nối tiếp trôi qua, má tôi vốn tóc dài da trắng cũng quen dần với ruộng cạn đồng sâu, tiếng vịt kêu chiều, tiếng muỗi vo ve mỗi tối. Mấy bận ông bà ngoại xuống nhà chơi, thấy cảnh má tôi lam lũ mà khóc sụt sùi. Sợ bà nội buồn, nên lần nào má cũng dẫn ngoại ra hè thủ thỉ: “Có gì đâu ba má, con quen rồi, thấy cảnh thì buồn vậy chớ người ở đây tình nghĩa lắm, má đừng lo”. Cái câu “người ở đây” của má tôi không biết là nói ai, nhưng mỗi lần nghe vậy là ba tôi cười hoài, ông bà nội tôi cũng vui lây bảo: “Con nhỏ thiệt biết nói chuyện”.

Má tôi làm dâu hơn nửa đời ở xứ “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh” nên gắn bó, yêu thương rồi quên mất cái khoảng cách xa lơ, xa lắc. Trong dân gian cũng có những câu chuyện của bác Ba Phi kể về muỗi xứ Cạnh Đền để nói về sự gắn kết keo sơn của những mối tình nghèo đầm ấm, những đôi vợ chồng chung sống đến thuở bạc đầu còn gọi nhau “mình ơi!”. Còn chuyện “đỉa lềnh tựa bánh canh” là bởi mỗi lần bầy trâu đi cày về thường xuống đầm tắm mát, những chỗ trâu nằm thường nước sình sền sệt và mùi trâu hăng hắt nên đỉa bắt mùi tụ về đầm trâu lềnh như bánh canh. Thuở nhỏ, tôi không dám ăn món bánh canh cũng tại câu nói đó, nghe thấy ghê thật!

Nhà tôi ở ấp Nhà Lầu thuộc xứ Cạnh Đền, nay thuộc xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân. Ba tôi giờ còn nhắc hoài chuyện ông đi gặt lúa mướn ở Long Xuyên, người ta hỏi ông ở đâu, ông nói ông ở xóm Nhà Lầu ai nấy bật cười: “Trời, ở xóm nhà lầu mà đi gặt lúa mướn, ngộ thiệt!”, ba tôi cũng cười, cười vì nghe sao mà ngược đời quá và nghe như một nỗi đau rơm rớm máu, thương một vùng quê nghèo nẫu ruột, nhà cửa lưa thưa, mái lá xác xơ. Vậy mà người dân bao đời vẫn bám đất, cày xới mảnh đất cằn cỗi để gieo trồng, sinh sống. Cái tên ấp Nhà Lầu ra đời từ những ước mơ của người dân bao đời nghèo khó, cứ thế, từ thế hệ các ông các bà gửi gắm lại thế hệ sau. Cuối cùng, ước mơ xưa đã thành hiện thực. Ấp Nhà Lầu nay đã có những ngôi nhà khang khang, thậm chí có nhà lầu mọc lên giữa bạt ngàn vuông tôm, đồng lúa. Diện mạo một vùng quê đang dần khởi sắc từ những công trình thủy lợi, giao thông nông thôn… và cuộc sống của người dân cũng dần thay đổi nhưng vẫn còn nguyên sơ cái chất dân dã, phóng khoáng miền Tây. Nên vẫn có những người dân Cạnh Đền nay trở thành tỷ phú mà còn ra đồng coi sóc con tôm, cây lúa. Có người con gái Cạnh Đền cũng đã trở thành hoa hậu với nét đẹp mỹ miều, dịu dàng như bông lúa...

Thời gian đưa những lớp người xưa về với đất. Ông bà nội cũng yên nghỉ lâu rồi, chỉ tiếc ông bà không nhìn thấy được ngày xứ Cạnh Đền thay da đổi thịt. Ba má tôi bây giờ giống hệt ông bà nội, má tôi cũng hay ngồi nhai trầu móm mém nhắc chuyện đời xưa cho đám cháu con biết thuở cha ông mình đi qua gian khó. Với lớp trẻ bây giờ, những câu chuyện “muỗi kêu như sao thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh” giống như cổ tích. Và những người đã đem những câu chuyện ấy vào cổ tích xưa thật xưa là những con người mặt nám tay chai, trong đó có bà lão 80 tuổi ngồi nhai trầu và ông lão ngoài sân đang lúi cúi bên những nụ mai vàng rung rinh đón Tết.

Cẩm Thi

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.