Tòa Soạn - Bạn đọc
Quyền của bị cáo
Tôi đã dự hàng trăm phiên tòa, không, phải nói là nhiều hơn mấy lần cái hàng trăm phiên tòa ấy. Và trong vô vàn các phiên tòa đã qua, điều tôi day dứt và băn khoăn mãi, khi nhìn thấy quá nhiều bị cáo không hiểu và cũng không biết cách sử dụng những quyền mà pháp luật trao cho mình tại phiên tòa. Sự thiếu hiểu biết pháp luật, sự thiếu cặn kẽ và tâm huyết của những người chấp pháp, đôi khi gây thiệt thòi cho các bị cáo. Một thiệt thòi về mặt pháp lý mà không phải ai, nếu không am tường về pháp luật, cũng dễ dàng nhận ra.
Bị cáo khi ra tòa, dù luật pháp quy định họ được nhận đầy đủ các quyền (bên cạnh các nghĩa vụ) để có thể làm sáng tỏ vụ án. Họ được đối xử công bằng (bởi chưa có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì họ chưa có tội), được quyền bào chữa, quyền tranh luận với cơ quan công tố, quyền được nói lời sau cùng… Tuy nhiên, thông thường khi ra tòa với tư cách là bị cáo, hầu như họ đều cảm thấy mình nhỏ bé trước sự uy nghiêm của phiên tòa, trước vành móng ngựa, trước những quan tòa nghiêm nghị ngồi trên cao. Và áp lực trước việc mình sẽ bị tuyên án tù đã khiến nhiều bị cáo chỉ biết cúi đầu vâng, dạ. Việc thành thật khai báo không đồng nghĩa với việc hạn chế các bị cáo được thực hiện các quyền của mình.
Bất kỳ một phiên tòa nào, phần thủ tục cũng có việc giải thích quyền và nghĩa vụ của các bị cáo, bị hại và những người có liên quan, nhưng không phải ai cũng hiểu. Nhiều khi, chỉ trong một buổi sáng, tòa phải xét xử 4-5 vụ án, nên giải thích cũng chỉ ở vụ án đầu tiên, các bị cáo đứng trước vành móng ngựa thì nghe, còn các bị cáo chưa tới phiên xử của mình, chắc gì họ đã chú ý. Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian (có lẽ đối với nhiều vị thẩm phán, chán nhất là phần giải thích quyền và nghĩa vụ cho các bị cáo) nên nhiều khi, chỉ giải thích cặn kẽ một lần lúc đầu, những phiên tòa kế tiếp chỉ nhắc lại vài phần quan trọng. Mà các bị cáo, nếu nói am hiểu pháp luật chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay, số còn lại hầu hết không hiểu biết nhiều. Chuyện tưởng rất đơn điệu và nhàm chán, như việc giải thích quyền và nghĩa vụ cho những người tham gia tố tụng, nhưng nếu thực hiện sơ sài, chính những người chấp pháp đã làm thiệt thòi cho các bị cáo, bị hại. Bởi một khi họ không hiểu, thì khi ra tòa, với những diễn biến nhanh của vụ án, mấy ai dám xin tòa giải thích lại.
Tại nhiều phiên tòa, tôi thật sự xót xa khi thấy bị cáo đứng như tượng khi Hội đồng xét xử (HĐXX) yêu cầu bị cáo thực hiện quyền bào chữa của mình. Những bị cáo có trình độ văn hóa thấp, nói thật lòng, chưa chắc họ hiểu, bào chữa là cái gì. Nói vài ba câu về nhân thân còn không xong, làm sao mà hiểu được, mình được quyền tranh luận với vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố?. Nói chuyện phải cúi đầu, phải dạ, thưa thì làm sao bào chữa, tranh luận? Ngược lại một số trường hợp (chúng tôi không bàn về chuyện đúng sai), bị cáo kêu oan, trình bày những lý lẽ để chứng minh việc mình kêu oan (ngôn ngữ pháp lý là “tranh luận”) thì bên công tố lại đề nghị bị cáo nên thành khẩn hơn để được hưởng tình tiết khoan hồng của pháp luật? Hơn nữa, việc tranh luận giữa bên công tố (đại diện Viện Kiểm sát) và bên luật sư (đại diện cho bị cáo) đôi lúc còn khiến người dự khán có cảm giác cao thấp (về vị trí ngồi cũng đã khác) thì nói gì đến việc, nếu các bị cáo tự thực hiện quyền tự bào chữa của mình.
Đó là còn chưa nói, ở một số phiên tòa, khi HĐXX hỏi, bị cáo hoặc đại diện người bị hại không hiểu, họ loay hoay đến tội nghiệp. Hoặc khi họ đang trình bày, thì bị HĐXX cắt ngang và yêu cầu “nói ngắn gọn thôi”. Nói thật, những bị cáo khi ra tòa, cũng như con kiến - củ khoai, mở miệng nói được đã khó, làm sao đòi nói năng súc tích, ngắn gọn rõ ràng. Nếu tòa không cố gắng lắng nghe, chắt lọc, thì đôi khi cũng làm thiệt thòi quyền lợi của họ. Dẫu biết rằng, thời gian để những người ngồi trên cao mà nghe xét xử là rất hạn hẹp, phải xử nhiều vụ án, và nghe những người không có hiểu biết pháp luật trình bày thì rất chán. Nhưng nếu nhìn thấu đáo, dẫu họ có là ai, thì đó cũng là một thân phận. Và quan tòa, như đèn trời soi xét. Soi không tới, xét không thấu, thì cũng là thiếu công minh.
KIM PHƯỢNG