Thanh thiếu niên
Khi bạn trẻ không chịu…trưởng thành
Ỷ lại, lười nhác, không dám thay đổi, thả trôi ước mơ… đang là những suy nghĩ và hành động của một bộ phận bạn trẻ không chịu... trưởng thành. Chính từ việc “không chịu lớn” theo tuổi ấy trở thành chướng ngại vật cản bước nhiều bạn trẻ đến với thành công, và sự yếu đuối ấy cũng là “thang điểm âm” trong cái nhìn của mọi người xung quanh…
Sống độc lập là cách giúp bạn trẻ trưởng thành. Ảnh minh họa: B.T
T. Nguyên (sinh viên năm thứ nhất, Trường đại học Bạc Liêu) nổi tiếng là tiểu thư con cưng. Ở nhà, Nguyên không phải đụng vào bất cứ một việc gì; trong khi đó muốn ăn gì, làm gì, cô chỉ cần “hô” một tiếng là có người phục vụ chu đáo. Mang cách sống “đài trang” từ nhà đến trường, Nguyên rất ngại tham gia vào các hoạt động Đoàn và phong trào của lớp. Khi thì sợ nắng cháy da, lúc thì sợ “đi tình nguyện đến những nơi ô nhiễm, bệnh chết”… Nguyên tự hài lòng với “danh hiệu” tiểu thư mà bạn bè đặt cho, nhưng cô đâu biết rằng ai cũng ngán ngẩm cái tính đỏng đảnh và yếu mềm quá mức ấy.
Còn T. Văn (sinh viên Trường cao đẳng Y tế Bạc Liêu) lại là mẫu con cưng, ngoan ngoãn ở dạng khác. Từ nhỏ đến lớn Văn đều nhất nhất tuân theo mệnh lệnh của cha mẹ. Chính vì vậy, dù biết rõ mình đam mê tin học, chỉ muốn trở thành một lập trình viên giỏi, nhưng Văn vẫn từ bỏ ước mơ để đi theo ngành Dược mà cha mẹ cho rằng sẽ dễ xin việc làm sau này, hoặc có thể tự mở quầy thuốc ở khu chợ quê đang phát triển. Khi được hỏi sao lại để người lớn định đoạt ước mơ ở cái tuổi trưởng thành như thế này thì Văn cho rằng xung quanh mình cũng nhiều bạn “đồng cảnh ngộ như vậy”. Thậm chí, có nhiều bạn dù biết nguy cơ thất nghiệp rất cao, nhưng cứ học và vui chơi thoải mái đi, sau đó tùy vào… số trời.
Thực tế cho thấy, tốc độ “trưởng thành” của bạn trẻ bị chậm lại có một phần nguyên nhân từ các bậc phụ huynh. Chẳng hạn như cô bạn N. Anh dù đã học lớp 12 nhưng vẫn luôn được gia đình xem như… trẻ con. Ngoài việc đưa rước đi học mỗi ngày, N. Anh còn được lo lắng từ miếng ăn đến giấc ngủ, thậm chí là việc vui chơi cùng bạn bè càng bị kiểm soát nghiêm ngặt đến nỗi cô dường như không có không gian riêng, chứ đừng nói đến chuyện được tự chủ trong suy nghĩ và hành động. Không chỉ bao bọc, cha mẹ N. Anh còn cảm thấy rất vui khi con mình luôn ngây ngô như một đứa trẻ dù bạn đã thật sự là thiếu nữ trưởng thành.
Việc chậm trưởng thành cũng chính là nguyên nhân khiến bạn trẻ phải đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp trong cuộc sống. Đơn cử như trường hợp của bạn T. Ngọc, một nhân viên kế toán trẻ trung, giỏi giang, từ nhỏ đến lớn chỉ biết học cho thật giỏi, mọi việc khác đã có gia đình lo. Vì vậy, với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, Ngọc dễ dàng xin được việc làm thu nhập cao. Công việc khá thành công, nhưng ai biết chuyện tình cảm của Ngọc đều chép miệng lắc đầu. Chia tay với mối tình đầu, Ngọc khóc lên khóc xuống, nghỉ làm cả tuần lễ khiến cơ quan cũng “phát sốt” theo cô. Biết chuyện, cha mẹ Ngọc tức giận “phone” sang nhà người yêu cô mắng nhiếc ầm ĩ, bắt gia đình anh chàng kia đi đâu xa xa… khuất mắt cô nàng (?).
Đó chỉ là vài mẩu chuyện trong rất nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt” của những bạn trẻ không chịu trưởng thành. Sống mãi trong sự bao bọc không phải là cách hay, nhất là khi mỗi người sớm hay muộn cũng đều phải trưởng thành và phải tập đi trên chính đôi chân mình. Cô bạn T. Nguyên sẽ khó có thể rời khỏi gia đình để có mặt trong những chuyến vui chơi lý thú cùng bạn bè, những chuyến thực tập… Còn với T. Văn thì phải ca mãi bài ca “ước mơ không thành hiện thực”. Riêng với những người như N. Anh, T. Ngọc thì phải luôn quay quắt, khó khăn để tìm một chỗ dựa tinh thần, dẫu biết rằng trong những lĩnh vực khác họ luôn là những “nhà cầm quân thao lược”. Để rồi hậu quả là họ dễ bị cảm giác cô đơn kích động. Tâm trạng không ổn định khiến một cô gái trẻ ngày thường giỏi giang bỗng chốc trở thành những cô mèo ướt mưa trong tình cảm…
Chậm trưởng thành tức là bạn đang cố tình hời hợt trước những gì đang diễn ra xung quanh và lạc nhịp với bạn bè đồng trang lứa. Bạn có thể là người giỏi nhất khi bạn đủ tự tin và dũng khí trước các “chướng ngại vật” cản trở mình. Nhưng nếu bạn để sự trẻ con níu chân thì bạn có thể sẽ chẳng biết được hương vị của thành công là như thế nào!
HOÀNG UYÊN