Thanh thiếu niên
“Bệnh” trì hoãn kìm hãm người trẻ phát triển
Lên kế hoạch nhưng không bắt tay vào làm ngay, hoặc làm giữa chừng rồi “ngâm” ở đó hàng tháng trời… đã trở thành “căn bệnh” chung của nhiều người trẻ. Chính việc nuông chìu bản thân quá mức, cho phép mình được trì hoãn với mọi việc đã và đang kìm hãm sự phát triển của người trẻ.
Việc trì hoãn, sắp xếp thời gian không khoa học khiến người trẻ bị trì trệ, mất cơ hội phát triển. Ảnh minh họa: Đ.K.C
Lên kế hoạch nhưng để đó
Nghe điểm báo cáo khóa luận tốt nghiệp không như kỳ vọng, Trần Hà K. (sinh viên chuyên ngành Tài chính Ngân hàng, Trường đại học Cần Thơ, quê ở huyện Phước Long) cảm thấy thất vọng và tự trách bản thân. “Biết mình có thói quen “nước đến chân mới nhảy” đối với các kỳ thi, kiểm tra nên đợt này tôi đã lên kế hoạch từ rất sớm để hoàn thiện khóa luận tốt nghiệp, dành thời gian chuẩn bị cho các nội dung báo cáo, phản biện. Nhưng kế hoạch một đằng, còn “căn bệnh” trì hoãn thì đã ngấm vào máu nên tôi vẫn đợi gần sát hạn nộp mới hoàn thành. Việc chuẩn bị gấp gáp khiến luận văn sơ sài, còn nhiều lỗ hổng… đã dẫn đến kết quả không như mong muốn”, K. buồn bã thổ lộ.
Còn bạn trẻ Nguyễn Trọng Nhân (Phường 8, TP. Bạc Liêu) cũng đang tiếc nuối vì tính hay chần chừ đã làm bản thân vuột mất một cơ hội có việc làm tốt, thu nhập ổn định. Nhân chia sẻ: “Hai tháng trước, có một người quen trên TP. Hồ Chí Minh giới thiệu cho tôi một công việc khá tốt, thu nhập cao, nhưng lúc ấy tôi đang gửi hồ sơ xin việc ở hai chỗ khác và đặt rất nhiều kỳ vọng (vì đó là công việc yêu thích). Bởi vậy, tôi đã chần chừ không chịu gửi hồ sơ sớm nên mất cơ hội có công việc tốt, rồi hai nơi tôi gửi nhiều kỳ vọng cũng không thấy phản hồi. Bây giờ dù đã tìm được việc làm ở công ty mới, nhưng cái “bệnh” trì hoãn vẫn đeo mang tôi, “báo hại” tôi hay bị sếp rầy, vì dù có năng lực nhưng cái gì cũng rề rà, lẹt đẹt sau đồng nghiệp…”.
Trì hoãn đang trở thành “căn bệnh mạn tính” khó chữa của nhiều người trẻ hiện nay. Nhiều người dù đã lên kế hoạch thực hiện rất chỉn chu, chi tiết nhưng cứ nấn ná không chịu hành động. Thói quen trì hoãn bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất như trì hoãn tập thể dục, học hành, đọc sách, trì hoãn trong công việc chuyên môn… rồi dần dà ngấm sâu vô máu, trở thành rào cản kìm hãm sự tiến thân, phát triển của người trẻ.
Đừng để bản thân phải hối hận
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, có rất nhiều nguyên do khiến người trẻ hiện nay mắc “bệnh” trì hoãn. Khách quan có thể là công việc cần làm quá khó khiến cá nhân chưa thể tìm ra phương án giải quyết hiệu quả trong thời gian ngắn, nên nhiều người chọn cách “ngâm” để giãn thời gian tìm giải pháp. Cũng có thể do các bạn trẻ quá năng động, nhiệt huyết nên được tin tưởng giao phó nhiều đầu việc cùng lúc khiến họ áp lực, không thể hoàn thành đúng hạn. Hoặc có khi, bản thân người trẻ chưa có nhiều trải nghiệm từ thực tế nên khi nhận nhiệm vụ, công việc không thể ứng phó linh hoạt với tình huống phát sinh dẫn đến chậm tiến độ.
Không chỉ vậy, nguyên nhân cốt lõi còn xuất phát từ bản thân người trẻ. Đó là việc họ chưa tìm thấy động lực để đẩy tiến độ hoàn thành mục tiêu đặt ra. Một số người mang tâm lý chây ì, ỷ lại vì cho rằng “trễ xíu chắc không sao”; nhiều người còn làm việc tùy hứng, chưa đặt ra kỷ luật khắt khe hoặc quá nuông chìu bản thân khi làm việc. Chính sự thiếu nỗ lực, kiên trì và kỹ năng hoạch định trong công việc dần dà sẽ khiến người trẻ dễ mắc “bệnh” trì hoãn.
Để “xóa sổ” căn bệnh này, mỗi người trẻ nên xác định rõ nguyên nhân của nó nằm ở đâu. Từ đó, đặt ra những kế hoạch, kỷ luật nghiêm khắc với bản thân mình. Có thể tự tạo động lực hoàn thành công việc đúng, hoặc sớm hơn thời hạn cho bản thân bằng hình thức tự thưởng. Hãy xây dựng cho mình thói quen tốt, tác phong làm việc chuyên nghiệp, không tùy hứng; có chế độ nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý để có một sức khỏe thể chất, tinh thần tốt mà sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách, áp lực…, rồi dần dần loại bỏ thói quen trì hoãn.
Hãy dừng ngay lối nghĩ “áp lực rèn kim cương”, mà ngay từ bây giờ mỗi bạn trẻ hãy xây dựng thói quen sắp xếp công việc, phân chia thời gian hợp lý. Hãy biết từ chối nếu năng lực bản thân có giới hạn. Và quan trọng hơn hết là hãy không ngừng học hỏi, trau dồi bản thân để nâng cao năng lực, tự tin trong mọi hoàn cảnh.
Kim Trúc