Công an Bạc Liêu với nhiệm vụ trấn áp bọn phản động, bảo vệ Đảng và

Thứ Sáu, 24/04/2015 | 13:30

Thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có công lao to lớn của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam nói chung, Công an Bạc Liêu nói riêng. Sau giải phóng, Công an Bạc Liêu tiếp tục bước vào cuộc chiến cam go, quyết liệt với bọn phản động để bảo vệ Đảng và thành quả cách mạng.

Tòa án quân quản tỉnh Bạc Liêu mở phiên tòa xét xử công khai các tên ác ôn sau ngày giải phóng 30/4/1975. Ảnh: T.L

Sau khi đất nước thống nhất, nhân dân ta vui mừng được sống trong hòa bình, tự do và hạnh phúc. Tuy đã thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam nhưng đế quốc Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng cấu kết với các thế lực phản động thực hiện “Kế hoạch hậu chiến”, bao vây, cấm vận kinh tế, kích động bọn tàn quân, giúp sức bọn phản cách mạng trong và ngoài nước tập hợp lực lượng, hoạt động chống phá. Trong khi đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn: trên một nửa nhà cửa, ruộng vườn của đồng bào trong tình trạng bị bom đạn Mỹ - ngụy tàn phá; thiên tai liên tiếp xảy ra làm tăng tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm, vượt quá sức đối với nền kinh tế vốn đã nghèo nàn, lạc hậu lại bị chiến tranh tàn phá. Bên cạnh đó, tỉnh có trên 13.000 sĩ quan binh lính, các công chức, viên chức ngụy quyền tan rã tại chỗ cần được cải tạo, giúp đỡ công ăn, việc làm, ổn định nơi ăn ở và cuộc sống lâu dài; các đối tượng hình sự, tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại… đặt ra cho công tác bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội những nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Trước tình hình trên, mặc dù lực lượng ít, trình độ nghiệp vụ của cán bộ, chiến sĩ còn nhiều hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ mới, nhưng Công an Bạc Liêu đã xác định rõ vai trò quan trọng của mình là nòng cốt xung kích trong việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ an toàn các cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền. Mưu trí, vận dụng hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ; chủ động đấu tranh làm rõ hàng chục tổ chức và nhen nhóm phản động, xử lý hàng trăm đối tượng cầm đầu cốt cán, kịp thời ngăn chặn nhiều hoạt động phá hoại của chúng, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng. Điển hình như cuối tháng 9/1977, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh phát hiện một tổ chức nhen nhóm phản cách mạng “Liên quân chí nguyện quân Việt Nam” gồm 46 tên, do Trần Quang Sang, Trần Liêm cầm đầu. Chúng móc nối cơ sở, xây dựng lực lượng thành hệ thống tổ chức ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Chương Thiện và Cà Mau do Trần Quang Sang làm Tư lệnh trưởng, dự định sẽ kết hợp bên trong và bên ngoài nổi dậy cướp chính quyền. Tháng 10/1977, ta đã bắt giữ Trần Quang Sang. Sau đó, Trần Liêm và đồng bọn đổi tên thành khu chiến thuật K3, Trần Liêm giữ chức Tư lệnh trưởng. Mỗi tỉnh chúng xây dựng đặc khu thành lập cấp Trung đoàn; quận, huyện thành lập cấp tiểu đoàn; xã, phường thành lập cấp đại đội. Đặc biệt, chúng xây dựng Trung đoàn biệt lập 45 ở Bạc Liêu và Sóc Trăng để cơ động ứng chiến. Thực hiện chiến dịch “Tiếng vang”, trong đêm 25/12/1977 tổ chức này đã rải 300 tờ truyền đơn ở khu vực nhà thờ TX. Bạc Liêu và hội họp nhiều nơi để tuyên truyền phản cách mạng. Sau đó, Trần Liêm bị Công an TP. HCM bắt. Tháng 3/1978, số đồng bọn còn lại của Trần Quang Sang, Trần Liêm lần lượt bị Công an tỉnh bắt giữ. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Công an Bạc Liêu đã phá tan tổ chức phản cách mạng “Liên quân chí nguyện quân Việt Nam”, góp phần bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng, tạo niềm tin trong nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Đối với bọn phản động đội lốt tôn giáo, ta đẩy mạnh vận động quần chúng nâng cao cảnh giác đề phòng âm mưu lôi kéo của địch; kịp thời đấu tranh ngăn chặn, trấn áp những hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng. Tiêu biểu là: khám phá tổ chức “Mặt trận nghĩa quân cứu quốc” do tên H.V.B - pháp danh T.T.M cầm đầu. Tổ chức này được thành lập vào cuối tháng 10/1978, thành phần là những tên ngụy quân, ngụy quyền; những phần tử lưu manh, cán bộ - công nhân viên thoái hóa, biến chất, với âm mưu lật đổ chính quyền XHCN. Thủ đoạn hoạt động là dùng chùa để ẩn nấp, tuyên truyền, hội họp, tổ chức đánh cắp vũ khí, ám sát cán bộ… Sau khi làm rõ về tổ chức, xác minh đúng đối tượng, ta bắt T.T.M và 41 tên khác đập tan âm mưu lợi dụng tôn giáo hoạt động phản cách mạng.

Đặc biệt, từ năm 1981 - 1984 Công an tỉnh đã chủ động phát hiện và đề xuất với Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) thực hiện thắng lợi Kế hoạch CM12 đấu tranh với tổ chức tình báo, gián điệp dưới chiêu bài “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng miền Nam Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Túy và Hạnh là sĩ quan không quân ngụy bị thất sủng đã chạy sang Pháp và làm tay chân của cựu Thủ tướng ngụy - Trần Văn Hữu. Năm 1975, khi thấy chính quyền Nguyễn Văn Thiệu có nguy cơ sụp đổ, Hữu phái Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh về miền Nam với danh nghĩa đặc phái viên để bàn với Thiệu cải tổ bộ máy ngụy quyền hòng duy trì chính quyền tay sai. Túy và Hạnh về miền Nam chưa kịp thực hiện ý đồ thì miền Nam hoàn toàn giải phóng. Với bản chất chống cộng, Túy, Hạnh ở lại miền Nam móc nối với các tổ chức chính trị phản động, các cơ sở địch cài lại nhằm phối hợp giữa bên trong và bên ngoài âm mưu bạo loạn lật đổ chính quyền cách mạng. Được bọn phản động trong nước cam kết, tháng 7/1975, Túy, Hạnh về Pháp thành lập “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng miền Nam Việt Nam”. Từ năm 1977, chúng móc nối với các thế lực thù địch để được tài trợ tiền bạc, vũ khí, phương tiện chống phá. Năm 1979, Túy, Hạnh được các phần tử cực đoan trong chính quyền Thái Lan cho phép sử dụng đất Thái Lan làm căn cứ hoạt động. Cục tình báo lục quân Thái Lan tích cực yểm trợ mọi mặt giúp Túy, Hạnh mở rộng căn cứ, phát triển lực lượng nhanh, đồng thời sử dụng cảng Rayon, cảng Suratthani ở bờ biển Vịnh Thái Lan để cất giấu vũ khí, tàu và làm điểm xuất phát cho các chuyến xâm nhập vào Việt Nam.

Ngày 15/5/1981, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Công an tỉnh đã phối hợp với lực lượng quân đội nhanh chóng bắt gọn toán gián điệp biệt kích gồm 8 tên, diệt 1 tên, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện hoạt động khi chúng chưa kịp liên lạc về trung tâm. Trong thời gian 4 năm thực hiện Kế hoạch CM12, các lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, trong đó có Công an Bạc Liêu đã bắt và diệt 126 tên gián điệp biệt kích xâm nhập, thu hơn 132 tấn vũ khí, gần 300 triệu đồng tiền Việt Nam giả, 9.300 đô la Mỹ, 12 bộ điện đài, phá 10 tổ chức phản động, bắt 996 tên và 1.070 tên ra hàng, đầu thú.

Thắng lợi của Kế hoạch CM12 là một mốc son chói lọi của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, trong đó có phần đóng góp xứng đáng của Công an Bạc Liêu. Từ kết quả đã đạt được, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm về công tác bảo vệ chính quyền cách mạng giai đoạn đầu sau ngày giải phóng của lực lượng Công an tỉnh Bạc Liêu là: phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, thành quả cách mạng, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của cấp ủy Đảng và phải luôn chủ động, xung kích trên tất cả các mặt công tác. Đây là nhân tố quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng những năm đầu sau giải phóng.

Một kinh nghiệm nữa là quán triệt thực hiện nghiêm túc tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự. Thực tiễn đã chứng minh, các tổ chức phản động khi hình thành và tiến hành các hoạt động chống phá đều ở địa bàn dân cư, cho nên hơn ai hết nhân dân là người biết rõ số đối tượng này đang làm gì, ở đâu. Lực lượng Công an đã dựa vào dân, làm cho nhân dân thật sự tin tưởng và họ đã cung cấp thông tin phục vụ công tác công an.

Ngoài ra, trong giải quyết các vấn đề có liên quan đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, cần đứng trên quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời vận dụng linh hoạt, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ trong công tác công an.

Sau 40 năm giải phóng đất nước, Công an Bạc Liêu ngày càng có bước trưởng thành vượt bậc, nhưng những bài học kinh nghiệm về đấu tranh chống phản động những năm đầu sau giải phóng vẫn còn nguyên giá trị và luôn được phát huy để đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đại tá Lê Tấn Tới

(Phó Giám đốc Công an tỉnh)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.