Đốt đồng - lợi hay hại cho đất?
Vào thời điểm này, nông dân cải tạo đất để xuống giống vụ lúa đông xuân. Theo thói quen, bà con thường đốt đồng để xử lý rơm, rạ. Tuy nhiên, trong lúc thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài, đốt đồng rất dễ xảy ra nguy cơ cháy lớn trên diện rộng. Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, đốt đồng không chỉ làm giảm độ màu mỡ của đất, mà còn gây ô nhiễm môi trường.
Mùa... lửa
Để làm sạch đồng ruộng, nông dân thường gom hết rơm, rạ lên bờ hoặc đốt. Những ngày qua, ở các huyện Hòa Bình, Phước Long, trong khi một phần diện tích lúa thu đông chưa thu hoạch xong, thì nhiều nông dân thu hoạch trước đã đốt đồng để cải tạo đất. Điều này rất dễ dẫn đến nguy cơ cháy đồng trên diện rộng.
![]() |
Một vụ cháy đồng ở ấp Ninh Lợi, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình. Ảnh: P.Đ |
Những vụ cháy đồng thường rất khó chữa vì lửa sẽ lan theo khắp mọi hướng và cháy rất nhanh khi gặp gió mạnh. Một cánh đồng vài trăm héc-ta có thể bị thiêu trụi trong vài giờ. Đặc biệt, khi xảy ra cháy đồng, các phương tiện cứu hỏa chuyên dụng gần như không thể ứng cứu do điều kiện giao thông cách trở và khó khăn về nguồn nước.
Ở ấp Ninh Lợi, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, vào cuối vụ đông xuân trước, lửa đốt đồng cũng đã cháy lan trên diện tích khoảng 200ha. Hơn 20 người dân địa phương phải chữa cháy liên tục gần 1 giờ thì đám cháy mới được dập tắt. Vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người và diện tích lúa chưa thu hoạch, nhưng đã làm người dân hoảng loạn. Trước đây, nông dân chỉ đốt đồng vào vụ đông xuân, nhưng từ khi có máy gặt đập liên hợp, rơm được trải đều trên mặt ruộng nên nông dân có thể đốt đồng cả 3 vụ trong năm. Nghĩa là cứ hết mùa lúa là đến “mùa lửa”.
Đốt đồng - lợi hay hại?
Sau “mùa lửa”, cánh đồng phủ kín một màu đen của tro. Khi được hỏi tác dụng đốt đồng đối với việc làm đất, anh Đặng Văn Mạnh (huyện Phước Long) cho rằng: “Đốt đồng làm sạch rơm rạ để dễ dàng cày, bừa đất. Nếu không đốt đồng thì đất không thể cày bừa được do rơm rạ phủ kín mặt ruộng. Không chỉ vậy, khi đốt đồng các loại sâu bệnh từ vụ trước cũng bị cháy nên lúa vụ sau ít bệnh”. Còn ông Nguyễn Mười Hai (cũng ở huyện Phước Long) nói: “Ngoài lợi ích về khâu cải tạo đất, đốt đồng còn một số tác dụng như: tránh cây lúa bị ngộ độc hữu cơ, tránh tình trạng rơm nổi khi lúa sạ sẽ làm lúa không thể bám rễ… Vì vậy, người dân sau khi làm xong vụ lúa là đốt đồng. Vụ nào mưa nhiều, rơm rạ không đốt được mới gom lại hoặc cày vùi xuống đất”.
Kinh nghiệm của nông dân là thế, tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, nông dân không nên đốt đồng. Bởi lẽ, việc làm này không chỉ gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người đốt, mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Trước hết, đốt đồng sẽ thải khói bụi vào không khí. Trong kỹ thuật canh tác, đốt đồng sẽ dễ làm chai đất, đất sẽ nhanh chóng bị bạc màu, thoái hóa. Qua đó cho thấy việc xử lý rơm, rạ trên đồng ruộng bằng hình thức đốt trực tiếp là chưa thật sự khoa học.
Với nông dân, không đốt đồng thì khó cải tạo đất, còn đốt thì vừa bất lợi cho đất lại nguy hiểm cho người. Từ đó, ngành Nông nghiệp cũng đưa ra giải pháp nhằm giúp nông dân xử lý rơm rạ trên đồng ruộng. Thay vì đốt rơm rạ, nông dân có thể làm theo những phương pháp sau: Thu gom rơm rạ trên đồng ruộng để làm nấm rơm. Sau khi thu hoạch nấm thì lấy rơm bón lại ruộng vì lúc này rơm đã hoai mục, trở thành phân hữu cơ. Nông dân cũng có thể ủ rơm khô với 4 - 5% urê để làm thức ăn cho gia súc, rồi lấy nguồn phân chuồng bón lại cho đồng ruộng. Nếu không có điều kiện đem rơm ra khỏi đồng ruộng thì nên xử lý rơm rạ bằng cách cày vùi, để duy trì trọng lượng đạm trong đất. Tuy nhiên, để rơm rạ phân hủy nhanh, đồng thời không gây ngộ độc cho lúa, bà con có thể dùng chế phẩm sinh học Trico phun lên rơm rạ hoặc dùng vôi bột rải vào ruộng 15 ngày trước khi cày xới.
Để bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và giữ độ màu mỡ của đất, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con nên hạn chế đốt đồng. Hạn chế đốt đồng sẽ góp phần làm đất ít bị suy thoái và năng suất lúa sẽ ổn định qua từng mùa vụ.
Phạm Đoàn
Đốt đồng làm lãng phí nguồn phân hữu cơ Theo kỹ sư Lê Hữu Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, đốt đồng là quá trình chuyển hóa chất hữu cơ thành vô cơ. Quá trình ấy sẽ lấy đi một lượng nước lớn trong đất làm cho đất bị khô. Nếu đốt nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng; 16 nguyên tố vi lượng trong đất cũng chịu tác động lớn khi đất bị đốt. Đốt đồng làm lãng phí một lượng lớn phân hữu cơ, tiêu diệt nguồn thiên địch và làm ô nhiễm môi trường. Đốt đồng không chỉ có hại cho đất mà còn nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người đốt. Nông dân thường đốt đồng vào buổi trưa, trong quá trình đốt lửa cháy sẽ thải ra các loại khí như: CO2 (dioxid cacbon), SO2 (dioxid sunfur), và CH4 (metan) nên người đốt dễ bị ngộ độc. Đồng thời, người đốt đồng cũng dễ bị ngất vì thiếu ôxy trong không khí. Đoàn Phạm
- Bộ Công an nhắc lại yêu cầu Bạc Liêu cung cấp hồ sơ các dự án cây xanh có liên quan đến Công ty Công Minh
- Bạc Liêu triển khai tổ chức lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013
- Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều làm việc với Công ty Vinfast về chương trình chuyển đổi xanh
- Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa 2 tỉnh Bạc Liêu và Ninh Bình năm 2025
- Quân chủng Hải quân đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh